TPO – Sông Lam đoạn qua huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nhiều năm qua sạt lở, lấn sâu vào ruộng đồng. Người dân mất đất sản xuất cho rằng nguyên nhân chính do tàu hút cát quá mức làm dòng chảy thay đổi.
Nhiều năm qua, bờ sông Lam đoạn qua xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) liên tục bị sạt lở nặng nề. |
Theo ghi nhận, đoạn bờ sông bị sạt lở kéo dài khoảng 1,5km, lấn sâu vào diện tích canh tác lúa, đất màu của người dân. Khu vực sạt lở chỉ cách Quốc lộ 1A khoảng 500m. Tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục hiện hữu mỗi ngày vì nơi đây chưa có bờ kè chống sạt lở. |
Ông Đặng Văn Hoài – Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho biết, tình trạng sạt lở dọc sông Lam qua địa bàn xã diễn ra nhiều năm nay, với bình quân mỗi năm sạt lở sâu vào thêm khoảng 5 – 7m, nhất là những năm có lũ lụt lớn đã thu hẹp đất sản xuất hoa màu. |
“Xã có hơn 80ha đất sản xuất nông nghiệp cạnh bờ sông nhưng sạt lở đã lấn sâu, kéo theo nhiều diện tích của người dân. Địa phương nhiều lần đề xuất thực hiện dự án kè chống sạt lở dọc bờ sông với chiều dài khoảng 1,5km song chưa có kết quả”, vị lãnh đạo địa phương thông tin. |
Người dân địa phương cho biết khu vực sạt lở cạnh nơi sản xuất của hơn 50 hộ dân các thôn 1, 2, 3. Tình trạng sạt lở kéo dài đến nay đã lấn sâu vào gần ruộng lúa người dân canh tác. |
Bờ sông “nuốt” nhiều diện tích đất sản xuất, tạo thành những hàm ếch lớn. |
“Mỗi năm nhìn bờ sông cuốn đi từng mét đất mà ai cũng xót, lo lắng đất sản xuất rồi sẽ trôi xuống sông. Sạt lở diễn ra nhanh và liên tục không chỉ do dòng chảy sông Lam mà còn do nhiều thuyền hút cát cỡ lớn cày xới liên tục”, ông Quân (trú xã Xuân Lam) cho hay. |
Dọc bờ sông còn có nhiều bãi tập kết cát sỏi. Mỗi ngày có hàng chục lượt tàu vào bờ bán cát cho các bãi. |
Ở phía đối diện là khu vực huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), tình trạng sạt lở cũng diễn ra. |
Diện tích bãi bồi dọc bờ sông ở Nghệ An đang dần sạt lở. |