Ngày 31-12-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, trong đó yêu cầu phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (XLNĐ) nhằm khắc phục triệt để tình trạng sử dụng đất lãng phí làm thất thoát tài sản công; khai thác nguồn lực tài chính từ nhà, đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thúc đẩy chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ công tác sắp xếp, XLNĐ công, ngày 15-7-2021, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp, xử lý tài sản công.
Quỹ đất công được xã Hải Long (Hải Hậu) cho các hộ dân đấu thầu, khai thác phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. |
Sớm triển khai tích cực, trách nhiệm các phần việc
Nam Định là một trong những địa phương tích cực nhất trên toàn quốc sớm triển khai thực hiện sắp xếp lại, XLNĐ theo tinh thần Nghị định 167. Ngày 6-8-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND về việc tập trung thực hiện sắp xếp lại, XLNĐ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh đồng thời thành lập Tổ công tác và Tổ giúp việc để thực hiện sắp xếp lại, XLNĐ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định. Đồng chí Phạm Thành Trung, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ, Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện việc sắp xếp, XLNĐ; rà soát, xây dựng phương án và tổ chức thực hiện sắp xếp lại, XLNĐ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý trên địa bàn từng huyện, thành phố và theo từng loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Qua rà soát thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 59 đơn vị (gồm 36 sở, ngành, hội, đoàn thể; 10 huyện, thành phố và 13 doanh nghiệp) với 3.550 cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi tỉnh quản lý phải thực hiện kiểm tra hiện trạng, lập biên bản thực địa. Trong đó khối huyện, thành phố có 3.225 cơ sở nhà, đất; khối sở, ban ngành, hội, đoàn thể có 247 cơ sở nhà, đất; khối doanh nghiệp Nhà nước có 48 cơ sở nhà, đất. Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có hơn 500 cơ sở nhà, đất phải thực hiện kê khai, sắp xếp lại.
Đến hết quý I-2023, Tổ công tác và Tổ giúp việc Tổ công tác theo Quyết định của UBND tỉnh đã thực hiện kiểm tra hiện trạng được 3.236/3.550 (90%) cơ sở nhà, đất của UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp thuộc phạm vi UBND tỉnh quản lý. Cụ thể, kiểm tra hiện trạng 3.040/3.255 cơ sở nhà, đất của 9/10 huyện, thành phố (UBND huyện Nam Trực đang triển khai thực hiện); 149/247 cơ sở nhà, đất của 34/36 sở, ban ngành, hội, đoàn thể (Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Tỉnh ủy chưa hoàn thành kiểm tra); 47/48 cơ sở nhà, đất của 12/13 doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 50% vốn điều lệ thuộc tỉnh quản lý (còn Công ty Cổ phần Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nam Định chưa kiểm tra). Đã tổng hợp, xây dựng, trình duyệt phương án đối với 2.069/3.550 cơ sở nhà, đất gồm: 1.948/3.255 cơ sở khối huyện, thành phố; 93/247 cơ sở khối sở, ban, ngành, đoàn thể; 28/48 cơ sở khối doanh nghiệp Nhà nước. UBND tỉnh đã phê duyệt phương án của 1.915 cơ sở nhà, đất, gồm 1.848 cơ sở khối huyện, thành phố; 39 cơ sở khối sở, ban, ngành, đoàn thể; 28 cơ sở khối doanh nghiệp Nhà nước. Hiện nay, so với đại đa số các địa phương trên toàn quốc thì Nam Định có tiến độ tốt trong thực hiện sắp xếp lại, XLNĐ.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Dù Nam Định sớm triển khai thực hiện sắp xếp lại, XLNĐ nhưng do đại dịch COVID-19 đã làm cuộc kiểm tra hiện trạng bị chậm tiến độ theo dự kiến khoảng 18 tháng (giai đoạn từ năm 2020 đến đầu năm 2022) do phải thực hiện việc cách ly, phong toả để phòng, chống dịch. Khó khăn xuyên suốt từ khi triển khai công việc đến nay là tình trạng số lượng nhân lực các sở, ngành liên quan có thể bố trí, cắt cử để thực hiện nhiệm vụ rất mỏng, vừa phải tham gia đoàn rà soát nhà đất thuộc tỉnh quản lý vừa phải phối hợp với đoàn rà soát nhà đất của Trung ương, trong khi số nhân lực này vẫn phải làm công việc chuyên môn chính được giao.
Các sở, ngành chức năng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất chủ động chuẩn bị sẵn số liệu chính xác để lập biểu mẫu báo cáo nhưng thực tế có tới hơn 90% các đơn vị chưa tự tiến hành việc kiểm tra hiện trạng nhà đất, lập biểu mẫu kê khai theo yêu cầu (thiếu hồ sơ pháp lý về nhà, đất; hồ sơ pháp lý về nhà, đất do các nguyên nhân như quá trình sáp nhập, chia tách; quá trình bàn giao lưu trữ hồ sơ, tài liệu qua các thời kỳ chia tách tỉnh…; quá trình bàn giao hồ sơ khi chuyển giao lãnh đạo quản lý chưa được đầy đủ, kịp thời dẫn đến còn thiếu hoặc thất lạc) phải hướng dẫn, kê khai lại số liệu gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện kế hoạch đề ra. Công tác quản lý công sản nói chung và việc theo dõi tài sản là nhà, đất thuộc trụ sở làm việc nói riêng của nhiều đơn vị còn chưa được chú trọng, cập nhật, theo dõi kịp thời.
Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở nhà, đất còn vướng mắc thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng, về đất đai, về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chưa phù hợp; còn tình trạng sử dụng nhà, đất công chưa đúng mục đích, chưa có số liệu cụ thể về đất đai để đưa vào lập phương án sắp xếp lại, XLNĐ theo quy định. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được giao trực tiếp quản lý có các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích được giao, cho thuê hoặc thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc…; chưa chủ động lập, đề xuất phương án xử lý hoặc báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
Giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Để kịp thời triển khai các nội dung, phần việc theo quy định của Trung ương, ngày 31-3-2023, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, XLNĐ. Sở Tài chính cũng ban hành Văn bản số 653/STC-CSTHTK ngày 12-4-2023 đề nghị thủ trưởng, người đứng đầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện, đẩy nhanh tiến độ các phần việc: Lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, XLNĐ là tài sản công; xử lý các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý. Trong đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất rà soát các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích (sử dụng không đúng mục đích được giao, được thuê) hoặc thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc. Trên cơ sở đó, kiến nghị và liên hệ với cơ quan chức năng tại địa phương, các cơ quan có liên quan, để giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng nhà, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích hoặc mất hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc nhà, đất. Đối với các cơ sở nhà, đất thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất, căn cứ nguồn gốc, hồ sơ pháp lý có liên quan và quy định của pháp luật về đất đai để tham mưu cho UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật, không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong mới cấp, gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất.
Toàn tỉnh phấn đấu đến hết tháng 6-2023 hoàn thành kiểm tra hiện trạng các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh; từ tháng 7-2023 đến hết tháng 9-2023 tổng hợp, hoàn thành phương án, trình UBND tỉnh phê duyệt; từ tháng 10-2023 đến hết tháng 12-2023: Tổng hợp, rà soát việc thực hiện phương án án sắp xếp lại, XLNĐ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; báo cáo, đề xuất gia hạn hoặc phê duyệt lại đối với những phương án đã quá hạn thực hiện. Từ năm 2024 đến hết tháng 12-2025, kiểm tra việc thực hiện phương án án sắp xếp lại, XLNĐ đã được phê duyệt; đề xuất xử lý đối với những đơn vị thực hiện không đúng quy định hoặc không theo phương án đã được phê duyệt./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy