Sau khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tinh giản bộ máy cùng với việc chuyển giáo dục nghề nghiệp từ Bộ LĐ-TB-XH về Bộ GD-ĐT quản lý, Chính phủ đã có dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD-ĐT.
Theo dự thảo, nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 86 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GD-ĐT.
Đồng thời, bãi bỏ quy định về giáo dục nghề nghiệp tại Nghị định số 62 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ LĐ-TB-XH; bãi bỏ Quyết định số 29 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB-XH.
Thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp
Cụ thể, dự thảo nghị định này quy định Bộ GD-ĐT là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH và giáo dục thường xuyên. So với nghị định cũ thì trung cấp sư phạm, CĐ sư phạm không còn nữa.
Những điểm mới tiếp theo được đưa vào dự thảo, là Bộ GD-ĐT sẽ quy định về xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ giáo dục nghề nghiệp; quy định các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định của pháp luật giáo dục nghề nghiệp.
Bộ GD-ĐT cũng quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, ban hành chuẩn cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp, quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với từng trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp.
Bộ GD-ĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp; quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh các trình độ của giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
Một số nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên khác được thêm vào tại dự thảo Nghị định gồm: Hướng dẫn việc xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; quy định việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tổ chức thực hiện; hướng dẫn về xây dựng xã hội học tập, xây dựng chính sách thúc đẩy học tập suốt đời.
Về quản lý các cơ sở giáo dục, đào tạo, điểm mới của dự thảo là Bộ GD-ĐT sẽ ban hành điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động của trường CĐ, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh và các cơ sở giáo dục khác theo quy định của pháp luật; hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bộ GD-ĐT cũng quyết định thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, cho phép hoạt động đối với trường CĐ và trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc trường CĐ, thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, công nhận hiệu trưởng trường CĐ tư thục theo thẩm quyền.
Bộ GD-ĐT thêm một vụ, bỏ 5 vụ
Cũng theo chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc tinh giản bộ máy hành chính, dự thảo Nghị định xác định cơ cấu tổ chức của Bộ GD-ĐT là 19 đơn vị, trong khi trước đây là 23 đơn vị.
Cụ thể, 5 vụ sẽ không còn tồn tại, bao gồm Vụ Giáo dục thể chất, Vụ Giáo dục dân tộc, Vụ Giáo dục thường xuyên, Vụ Cơ sở vật chất, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường.
Có 2 đơn vị được đổi tên, gồm Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh – sinh viên đổi thành Vụ Học sinh – Sinh viên; Cục Công nghệ thông tin đổi thành Cục Khoa học công nghệ và thông tin.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ có thêm Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên.
Như vậy, 19 đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ GD-ĐT bao gồm: Vụ Giáo dục mầm non, Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục trung học, Vụ Giáo dục ĐH, Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh, Vụ Học sinh – Sinh viên, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng, Thanh tra, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, Cục Khoa học công nghệ và thông tin, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. 16 đơn vị trên là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước
3 đơn vị còn lại gồm Báo Giáo dục và Thời đại, Tạp chí Giáo dục và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam là các đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.
Tại dự thảo Nghị định, Bộ GD-ĐT cũng sẽ thực hiện vai trò cơ quan quản lý trực tiếp các ĐH quốc gia; trình Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của ĐH quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH quốc gia và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên.
Về hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT có thêm chức năng quản lý người nước ngoài vào giảng dạy, làm việc tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Nguồn: https://thanhnien.vn/sap-xep-lai-co-cau-to-chuc-cua-bo-gd-dt-du-kien-bo-5-vu-185250111000954263.htm