Việc sáp nhập Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vào Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ là sự sắp xếp về mặt tổ chức mà còn là sự hội nhập về chức năng, nhiệm vụ và nguồn lực.
Thực tế từng cho thấy người ta thường chú ý đến giai đoạn tiền sáp nhập và thực hiện sáp nhập nhưng có thể thiếu một quy trình khoa học và quên định hình sự phát triển hệ thống sau sáp nhập sẽ phát triển như thế nào.
Quá trình này, nếu được thực hiện một cách bài bản, có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn, tránh được rủi ro tiềm ẩn.
Cần một chiến lược khung
Cần nhận thức rằng sáp nhập hai cơ quan không chỉ là hợp nhất bộ máy, mà còn là sự hòa quyện về sứ mệnh, mục tiêu và giá trị cốt lõi. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, khẳng định vị trí trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý tổng thể và định hướng từ phổ thông đến đại học.
Sự kết hợp này cần tạo ra hệ thống thống nhất, liên thông và tối ưu hóa nguồn lực, đặc biệt khi giáo dục nghề nghiệp ngày càng đóng vai trò then chốt trong nâng cao chất lượng nhân lực, đáp ứng thị trường lao động.
Tuy nhiên sự hợp nhất này không thể chỉ dựa trên các quyết định hành chính máy móc mà cần được thực hiện theo một quy trình khoa học. Trước hết cần tiến hành rà soát và đánh giá toàn diện các khía cạnh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, nhân sự, tài sản và cơ sở pháp lý của cả hai cơ quan.
Đây là bước nền tảng để xây dựng lộ trình sáp nhập một cách hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo hoặc mâu thuẫn về trách nhiệm. Quá trình này cũng phải tính đến sự phối hợp, tham vấn các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương cùng các cơ sở giáo dục nghề.
Trong quá trình này, sự cần thiết của một chiến lược khung là không thể phủ nhận. Chiến lược khung sẽ đóng vai trò như một kim chỉ nam, không chỉ hướng dẫn việc thực hiện sáp nhập mà còn định hình sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn hậu sáp nhập.
Một chiến lược khung hiệu quả cần tập trung vào việc định rõ tầm nhìn, mục tiêu dài hạn và các nguyên tắc phát triển bền vững cho giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để sắp xếp lại bộ máy tổ chức, phân bổ nhân sự và nguồn lực một cách hợp lý, đồng thời đảm bảo sự ổn định trong quá trình chuyển tiếp.
Một điểm quan trọng trong chiến lược khung là đảm bảo tính kế thừa các thành tựu của giáo dục nghề nghiệp, đồng thời khắc phục những thách thức mà lĩnh vực này đã gặp phải trong quá khứ như sự thiếu liên thông với các bậc học khác, chất lượng đào tạo chưa đồng đều và hạn chế trong việc gắn kết với nhu cầu thực tế của thị trường lao động…
Một chiến lược khung được xây dựng sẽ giúp giữ vững những giá trị cốt lõi của giáo dục nghề nghiệp, đồng thời tạo điều kiện để khắc phục các điểm yếu này thông qua các giải pháp mang tính hệ thống.
Chiến lược khung cần tập trung vào phân cấp hợp lý giữa trung ương và địa phương, vì mỗi nơi có đặc thù kinh tế và nhu cầu lao động riêng, đòi hỏi sự linh hoạt trong phát triển chương trình đào tạo nghề. Trung ương xây dựng chiến lược tổng thể, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật, còn địa phương triển khai cụ thể, phát triển ngành nghề phù hợp với thế mạnh. Phân cấp này giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm tải hành chính cho trung ương và thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo từ địa phương.
Chiến lược khung cũng chỉ ra tiềm năng áp dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp và điều này sẽ ảnh hưởng đến tái cơ cấu chức năng nhiệm vụ tiền sáp nhập và hoạt động hiệu quả thời kỳ hậu sáp nhập. Việc tích hợp các công nghệ mới vào quá trình quản lý, đào tạo nghề không chỉ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy mà còn góp phần tinh giản biên chế.
Cân bằng giữa ngắn hạn và dài hạn
Cần lưu ý rằng trong quá trình sáp nhập, việc sắp xếp nhân sự, cơ cấu tổ chức và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật không nên làm lu mờ tầm nhìn chiến lược cho giai đoạn hậu sáp nhập. Nếu quá tập trung vào các thủ tục hành chính dễ dẫn đến tình trạng bỏ qua các mục tiêu phát triển dài hạn.
Điều quan trọng là phải cân bằng giữa công tác sắp xếp ngắn hạn và định hướng dài hạn, trong đó chiến lược khung đóng vai trò duy trì sự nhất quán trong tầm nhìn phát triển. Hậu sáp nhập, giáo dục và đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng cần một con đường phát triển rõ ràng để không chỉ duy trì ổn định mà còn phát huy hiệu quả từ sự hợp nhất này, hướng tới một hệ thống giáo dục toàn diện, đồng bộ và bền vững.
Một chiến lược khung hiệu quả phải đặt con người làm trung tâm, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực. Điều này bao gồm việc đầu tư vào đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, cải thiện điều kiện học tập cho người học và tạo ra một môi trường đào tạo năng động. Khi lấy mục tiêu chiến lược là phục vụ nhân dân thì những mâu thuẫn, xung đột về văn hóa hậu sáp nhập sẽ có tiền đề cho việc hóa giải.
Việc sáp nhập Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vào Bộ Giáo dục và Đào tạo là một cơ hội lớn tái cấu trúc và nâng tầm hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Quá trình này cần được thực hiện theo một lộ trình khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan tránh đi những ghép nối cơ học chiếu lệ và những rủi ro về sau này.
Đảm bảo sự liên thông
Chiến lược khung cần đảm bảo sự liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với các cấp bậc giáo dục khác, đặc biệt là với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để tạo ra một hệ thống giáo dục quốc dân đồng bộ, cho phép người học dễ dàng chuyển đổi giữa các bậc học và mở ra cơ hội học tập suốt đời.
Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, từ các công việc đòi hỏi kỹ năng nghề cơ bản đến những vị trí yêu cầu trình độ chuyên môn cao.
Nguồn: https://tuoitre.vn/sap-nhap-va-hoi-nhap-20241228091610661.htm