Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã cơ bản thống nhất chủ trương về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; sáp nhập một số tỉnh, bỏ cấp huyện, tiếp tục sáp nhập cấp xã.
Nội dung này đang được lấy ý kiến các cấp ủy, ngành, địa phương để hoàn thiện đề án. Bộ Chính trị sẽ trình Hội nghị Trung ương lần thứ 11, dự kiến vào giữa tháng 4 năm nay. Chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp lần này hướng tới mục tiêu lớn, với tầm nhìn chiến lược trăm năm.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Bắc Văn, nguyên Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân.
Phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực
- Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nêu việc sáp nhập không chỉ dựa trên các yếu tố truyền thống như quy mô dân số và diện tích mà cần có nghiên cứu kỹ lưỡng về quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế. Một mục tiêu quan trọng được nhấn mạnh là việc sáp nhập phải hướng tới mở rộng không gian phát triển cho các địa phương và quốc gia. Ông đánh giá như thế nào về chủ trương sáp nhập tỉnh?
Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện đang là vấn đề thời sự “nóng” nhất được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước theo dõi từng ngày.
Việc tách nhập tỉnh, huyện xã, chúng ta đã làm, nhưng chưa quyết liệt, bây giờ phải “vừa chạy vừa xếp hàng”. Đó là đòi hỏi, yêu cầu trước giai đoạn mới, để đất nước vươn mình phát triển phồn thịnh và hùng cường.
Nhà báo Nguyễn Bắc Văn, nguyên Trưởng Ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân Dân. Ảnh: Thanh Tuấn |
Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu trong Kết luận số 127-KL/TW là mang tính đột phá và tầm nhìn chiến lược, để phát triển đất nước như Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao.
Đây cũng là khát vọng của toàn Đảng và toàn dân tộc. Muốn thế, chúng ta phải tìm cách khơi thông mọi nguồn lực. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã là nhằm mở rộng không gian, tạo mọi điều kiện cho các địa phương có thêm nhiều cơ hội để phát triển.
Chính vì vậy, việc thực hiện chủ trương này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, ngay cả khi “vừa chạy vừa xếp hàng”, chứ không chỉ làm cho đúng tiến độ thời gian; phải dựa trên phương châm vừa khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vừa phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo mối liên kết nội vùng, liên kết vùng để nhân lên các nguồn lực cho phát triển.
Trong đó, không chỉ các nguồn lực về con người, về tài nguyên thiên nhiên mà cả các nguồn lực tinh thần như truyền thống lịch sử, văn hóa của các địa phương, vùng miền, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc. Đó còn là kết hợp hài hòa các địa phương có vị trí liền nhau hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển trong tổng thể của vùng và cả nước ở giai đoạn mới.
Tận dụng các nguồn lực
- Ngày 5/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố các tiêu chí cụ thể về sáp nhập tỉnh bao gồm diện tích tự nhiên, quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế, đặc trưng văn hóa và khả năng bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau giữa các địa phương dự kiến sáp nhập. Vậy theo ông, việc sáp nhập tỉnh cần lưu ý những yếu tố nào?
Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Các tiêu chí cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu là cơ sở rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu để sáp nhập các đơn vị hành chính sao cho hợp lý.
Mỗi tiêu chí đều có ý nghĩa riêng và bổ trợ lẫn nhau, có mối quan hệ chặt chẽ; trong đó trước hết phải quan tâm đến diện tích tự nhiên, quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế.
Để có một địa phương sau sáp nhập thỏa mãn tất cả các tiêu chí này không dễ mà phải tính toán rất khoa học. Vì thế, có khi hai, ba tỉnh sáp nhập lại mới hội tụ đủ các tiêu chí đó, song cũng có một số tỉnh hiện nay đã sẵn có các tiêu chí ấy.
Chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp lần này hướng tới mục tiêu lớn, với tầm nhìn chiến lược trăm năm. Ảnh minh họa |
Các tỉnh miền núi thường có diện tích lớn, nhưng dân số lại thấp, tình hình phát triển kinh tế khó khăn, quy mô nhỏ; một số tỉnh đồng bằng, đô thị lớn, diện tích nhỏ, nhưng dân số đông, điều kiện phát triển kinh tế có lợi thế hơn nhiều.
Theo tôi, phương châm là làm sao sau khi sáp nhập các địa phương trong tỉnh mới phải hỗ trợ lẫn nhau, tận dụng các lợi thế về nguồn tài nguyên, nguồn lực con người và các nguồn lực khác.
Đội ngũ cán bộ là linh hồn
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ngày 11/3 cũng nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính không phải là giải pháp tình thế hay thay đổi ngắn hạn, mà là một bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian để phát triển ổn định trong hàng trăm năm tới. Như vậy việc sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, mở rộng chính quyền cấp xã là cần thiết, để việc thực hiện này được hiệu quả, ông có kiến nghị gì?
Nhà báo Nguyễn Bắc Văn: Có thể nói việc sáp nhập các đơn vị hành chính là một cuộc cách mạng lớn, phức tạp với khối lượng công việc khổng lồ, nhất là chủ trương này lại được triển khai trong khi toàn Đảng ta đang trong giai đoạn “nước rút” để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026.
Có rất nhiều thứ áp lực lên tư tưởng, hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. “Vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng tuyệt đối không được nóng vội. Nóng vội là dễ sẩy chân, dễ vấp ngã và thất bại.
Để hiện thực hóa chủ trương đúng đắn này, việc đầu tiên cần làm đó là thực hiện công tác tư tưởng để mọi người thông suốt. “Tư tưởng không thông, vác bình tông cũng nặng”, dân gian đã nói như vậy.
Một việc rất quan trọng nữa là các cơ quan chức năng phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, khoa học, lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu, của nhân dân để tham mưu cho Đảng, Nhà nước việc sáp nhập địa phương nào với địa phương nào để khơi thông được các nguồn lực của địa phương sau sáp nhập.
Nếu việc này làm không tốt sẽ rất khó khăn cho địa phương sau sáp nhập, gây nên tình trạng “ông chẳng bà chuộc” thì rất phức tạp. Tâm tư hiện nay là thời gian gấp rút do đó quá trình thực hiện những công việc này khó đảm bảo chất lượng. Đây là một bài toán tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại rất phức tạp.
Đối với mỗi tổ chức bộ máy, linh hồn là đội ngũ cán bộ. Do sáp nhập chỉ còn khoảng 50% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giảm đến 80% số xã, không tổ chức cấp huyện có đến hàng trăm nghìn cán bộ dôi dư.
Về lý thuyết, đây là cơ hội vàng để các cấp ủy thoải mái lựa chọn giữ lại những cán bộ đủ đức tài, điều kiện, đáp ứng công việc khi bộ máy tổ chức mới đi vào hoạt động với những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Tuy nhiên, thực tế triển khai gặp không ít khó khăn và có thể nói, đây là việc khó nhất, trong mọi việc khó khi thực hiện chủ trương này. Vậy phải có một quy trình chặt chẽ, khoa học, các cơ quan tham mưu cho cấp ủy nhiệm vụ này phải làm thận trọng, chắc chắn, phải dân chủ thật sự, phải công tâm, công khai, khách quan đối với từng trường hợp, để người ở lại tiếp tục công tác thấy rõ trách nhiệm của mình mà tiếp tục phấn đấu và cống hiến; người có tên trong danh sách dôi dư cũng thoải mái và chấp hành tốt chủ trương tinh giản.
Đồng thời phải thường xuyên có sự giám sát của các cơ quan chức năng, của cấp ủy cấp trên và kịp thời xác minh, giải quyết những bất cập, nảy sinh phức tạp trong quá trình lựa chọn cán bộ tiếp tục công tác.
Đây là thời điểm phải thực hiện thật nghiêm Quy định 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Mặt khác phải có chính sách hợp lý đối với cán bộ dôi dư.
Công việc dù khó, nhạy cảm và phức tạp, nhưng tất cả cán bộ, đảng viên đều chung sức đồng lòng vì chủ trương chung của Đảng, vì nhân dân, vì lợi ích của dân tộc thì tôi tin rằng nhiệm vụ nặng nề này sẽ thành công.
Xin cảm ơn ông!
Ngày 28/2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận 127-KL/TW, giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trung ương và cơ quan liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng đề án, tờ trình Bộ Chính trị về sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện; tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Ngày 11/3, Đảng ủy Chính phủ thống nhất trình cấp có thẩm quyền phương án sáp nhập, giảm 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm 60-70% đơn vị cấp cơ sở so với hiện nay. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, quan điểm cốt lõi khi thực hiện việc sắp xếp bộ máy không chỉ đơn thuần là tinh gọn các đầu mối mà phải hướng tới mục tiêu lớn hơn là mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng, sức bật cho đất nước trong kỷ nguyên mới, đồng thời đảm bảo tính ổn định lâu dài của hệ thống, tổ chức. Đây không phải là một sự thay đổi ngắn hạn vài chục năm, mà phải có tầm nhìn chiến lược trăm năm, thậm chí vài trăm năm. |
Nguồn: https://congthuong.vn/sap-nhap-tinh-tu-tuong-khong-thong-vac-binh-tong-cung-nang-380660.html
Bình luận (0)