Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tinh gọn bộ máy tổ chức hệ thống chính trị thực sự là ‘cuộc cách mạng’ để vươn mình.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy tổ chức, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế nhận định, việc sắp xếp lại biên chế, tinh giản bộ máy cán bộ công chức nhà nước là một trong những vấn đề quan trọng để nâng cao năng suất lao động, tạo đà để có thể thúc đẩy tăng trưởng, làm cho nền kinh tế phát triển tốt hơn.
Tinh gọn bộ máy, tạo đột phá là cuộc cách mạng. (Ảnh: M.H) |
Theo ông, hiện nay, ở Việt Nam cứ 9 người dân có một công chức, trong khi đó, các nước đâu đó vài trăm người mới có một công chức. Như vậy, số lượng cán bộ quản lý của Việt Nam nhiều quá. Chi ngân sách nhà nước những năm trước đây đến 70% là chi thường xuyên. Con số này có giảm đi sau đó nhưng vẫn ở mức 60-70%. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở lại đây, do 1 phần nguyên nhân là do dịch Covid-19, vì vậy, ngân sách nhà nước cũng tăng chi tiêu cho phòng chữa bệnh, hỗ trợ an sinh, hỗ trợ sản xuất, vì vậy, mức chi thường xuyên của ngân sách nhà nước tăng lên. Việc chi ngân sách thường xuyên chiếm tỷ lệ lớn sẽ dẫn đến không còn nguồn tiền cho đầu tư phát triển. Việc đi vay để đầu tư sẽ càng khó khăn. Do đó, việc đổi mới, cải cách, tinh gọn biên chế là việc cần làm.
Không phải việc này bây giờ chúng ta mới nhìn thấy. Thực tế, việc này chúng ta đã thấy và đã làm và cũng đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh |
Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới…
Trong những phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay.
Tổng Bí thư nói riêng và Ban chấp hành Trung ương Đảng đã phát đi “tín hiệu” của một cuộc cắt giảm, sáp nhập nhiều tổ chức, đơn vị, cơ quan cả bên Đảng và Chính phủ. Đây được coi là một trong những động thái quan trọng và hết sức quyết liệt để giúp bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tránh tình trạng chồng chéo chức năng và hiện tượng “song trùng” giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước, dễ tạo ra sự lãng phí lớn về nguồn lực; từ đó giúp cho Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.
Theo đó, với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Việc này sẽ giúp tinh giảm biên chế cả bên trên và bên dưới. Việc này không phải phép cộng cơ học mà là gộp công việc. Từ đó, tạo thuận lợi cho công tác xử lý, giảm thiểu người phụ trách công việc. Xây dựng cơ chế chủ động, linh hoạt, chịu trách nhiệm theo đầu việc.
Việc làm gương từ bên trên sẽ giúp tạo động lực cho bên dưới. Tất nhiên, việc này còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Trước hết đó là tâm của người sắp xếp, bố trí bộ máy. Thứ hai, việc bố trí sắp xếp này phải định danh được công việc, khi đó, chúng ta mới sắp xếp nhân lực phù hợp, lựa chọn được người có tâm, có tầm, có tài.
Chúng tôi hi vọng với việc tinh gọn bộ máy, cùng với việc định danh được chức danh, nhiệm vụ cho từng công việc trong bộ máy quản lý sẽ góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực sản xuất, từ đó chúng ta không chỉ thực hiện được cải cách tiền lương, tiết giảm chi tiêu thường xuyên của ngân sách nhà nước, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cải cách đổi mới trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân trong thời kỳ mới 2025-2030 và cả những năm tiếp theo.
Liên quan đến nội dung về tinh gọn bộ máy, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri tại thành phố Hưng Yên báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri diễn ra chiều 2/12, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này với tinh thần “Trung ương làm mẫu, các tỉnh, huyện làm theo” và phải làm khẩn trương. Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là “vùng trú an toàn” cho cán bộ yếu kém. Từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp. Tinh gọn bộ máy đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, đảng viên. |
Nguồn: https://congthuong.vn/sap-nhap-tinh-gon-bo-may-to-chuc-cuoc-cach-mang-de-vuon-minh-362352.html