Trường CĐ Y tế Quảng Nam nợ 6 tháng lương của 114 người lao động, với tổng số tiền hơn 5,7 tỉ đồng. Đơn vị này còn bị chậm đóng bảo hiểm nhiều tháng. Tương tự, thời gian qua, 136 viên chức và người lao động của Trường ĐH Quảng Bình chưa được nhận lương từ 2 đến 7,5 tháng.
Một giảng viên công tác tại Trường CĐ Y tế Quảng Nam cho biết mong muốn sẽ có phương án đảm bảo lâu dài nhằm tránh tình trạng nợ lương như thế này để cán bộ, giảng viên yên tâm công tác.
TỰ TẠO NGUỒN THU, SẮP XẾP LẠI ĐỘI NGŨ
Theo lãnh đạo Trường ĐH Quảng Bình, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nợ lương đến từ công tác tuyển sinh. Số lượng giảng viên, người lao động lớn như hiện nay được nhà trường tuyển dụng vào thời điểm trường vẫn tuyển được lượng sinh viên lớn (có thời điểm 10.000 sinh viên). Nhưng hiện nay, trường chỉ có hơn 1.000 sinh viên, quá nửa là sinh viên sư phạm… nên nguồn thu sụt giảm. Hiện nay, cơ sở vật chất của Trường ĐH Quảng Bình rất lớn, gồm nhiều khối nhà phục vụ nhiều mục đích khác nhau nhưng hầu như đều không được sử dụng hoặc sử dụng không hết công suất.
Liên quan vấn đề này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã có nhiều cuộc họp, ra nhiều văn bản nhằm tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra phương án tốt nhất.
Trước mắt, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Trường ĐH Quảng Bình tạm khoanh số nợ ít nhất là 7,5 tỉ đồng tiền lương của giảng viên, nhân viên trong gần 8 tháng qua; đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan dự kiến cho trường ứng trước khoảng 2,5 tỉ đồng kinh phí bồi dưỡng giáo viên phổ thông năm 2024 để tạm chi trả cho người lao động trước dịp Tết Nguyên đán 2024.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tạo điều kiện cho trường thực hiện 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh trong năm nay để mang lại nguồn thu nhất định. Đồng thời, trường rà soát lại cơ sở vật chất để cho thuê phục vụ các hoạt động thể – mỹ của cộng đồng, vừa hạn chế xuống cấp, vừa tạo nguồn thu cho nhà trường.
Tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Trường ĐH Quảng Bình cần phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu các đề tài khoa học để tạo nguồn thu bảo đảm cho hoạt động. Điều quan trọng là Ban giám hiệu trường cần khẩn trương rà soát, xây dựng và hoàn thiện đề án sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giảng viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, từng bước thực hiện bảo đảm lộ trình tự chủ tài chính theo quy định.
Trong khi đó, lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ thực hiện hoãn hợp đồng với giảng viên không đủ giờ dạy hoặc không có giờ dạy. Dự kiến có khoảng 39 cán bộ, giảng viên, nhân viên nằm trong danh sách này, thời gian dự kiến từ tháng 2 – 8.2024, sau đó sẽ tính tiếp.
Nhiều giảng viên của nhà trường cũng đưa ra các phương án “tự cứu”. “Có thể phát triển các trung tâm tin học, ngoại ngữ; thành lập trung tâm văn hóa thể thao, đào tạo ngoài giờ. Vì nhà trường lúc này dư thừa nhất là con người và cơ sở vật chất”, một giảng viên cho biết. Cũng có một số ý kiến mạnh dạn cho rằng Trường ĐH Quảng Bình nên mở thêm trường phổ thông liên cấp… Tuy nhiên, những ý tưởng này chỉ nằm ở mức đề xuất mà chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép.
NÂNG CHUẨN NHÀ TRƯỜNG ?
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng với vấn đề nợ lương của người lao động, tỉnh rất trăn trở, UBND tỉnh sẽ giải quyết. “Ngôi trường này đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ nhân viên ngành y nên không thể không hoạt động, phải tiếp tục tồn tại. Mục tiêu của tỉnh sẽ xây dựng trường này thành trường chuẩn trong khu vực”, ông Tuấn khẳng định.
Ông Tuấn cũng cho hay, tỉnh tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung chỉnh sửa lại Nghị quyết 36/2021/NQ-HĐND (quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách các cấp thuộc ngân sách địa phương) trước đây, theo hướng có lợi nhất cho Trường CĐ Y tế để giải quyết các vấn đề bất cập, tồn tại trước mắt. Cùng với đó, yêu cầu trường kiện toàn lại bộ máy, tổ chức để tinh gọn, phù hợp nhưng đủ sức đáp ứng phát triển trường trong thời gian tới.
THÀNH LẬP TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRONG TRƯỜNG CĐ
Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị cũng từng lâm cảnh “éo le” khi có cơ sở đồ sộ, giáo viên chất lượng cao, nhưng không có sinh viên. Tuy nhiên, trường “tự cứu” mình khi đã đề xuất và được UBND tỉnh Quảng Trị cho phép thành lập Trường phổ thông liên cấp CĐ Sư phạm Quảng Trị nằm trong Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị. Với sự đầu tư kinh phí 3,9 tỉ đồng của tỉnh, ngôi trường có truyền thống xây dựng hơn 60 năm này đã gấp rút cải tạo, tu sửa hệ thống cơ sở vật chất để phù hợp với hệ thống trường phổ thông liên cấp. Từ năm học 2020 – 2021 đến nay, mỗi năm nhà trường tuyển sinh được hàng trăm học sinh các khối.
Tỉnh Nghệ An có 3 trường: Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, Trường CĐ Văn hóa – Nghệ thuật Nghệ An và Trường ĐH Kinh tế Nghệ An do tỉnh quản lý, được thành lập từ hàng chục năm trước. Năm 2014, Trường CĐ Kinh tế Nghệ An được nâng thành Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Tuy nhiên, việc tuyển sinh của trường cũng rất chật vật, có thời điểm mỗi năm chỉ tuyển được 150 sinh viên.
Tương tự, 2 trường CĐ còn lại những năm qua cũng gặp khó trong việc tuyển sinh trong khi cơ sở vật chất đang rất tốt. Để níu kéo sự tồn tại, từ năm 2020, trường này được Sở GD-ĐT Nghệ An cho phép mở trường thực hành sư phạm, tuyển sinh bậc tiểu học và THCS. 3 năm qua, trường tuyển sinh mỗi năm 240 học sinh lớp 1 và lớp 6 để đào tạo.
Sẽ chi trả tiền lương cho cán bộ giảng viên trước Tết Nguyên đán
UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương khoanh nợ đối với khoản kinh phí đào tạo không đạt chỉ tiêu của Trường CĐ Y tế Quảng Nam từ năm 2020 trở về trước, số tiền hơn 15,5 tỉ đồng. Tạm hoãn việc giảm trừ dự toán của Trường CĐ Y tế Quảng Nam từ năm 2023 – 2025 (mỗi năm 1,9 tỉ đồng) để có kinh phí trả lương cho cán bộ viên chức, giảng viên, người lao động. Ngoài ra, tạm hoãn việc khấu trừ dự toán năm 2023 số tiền hơn 1,3 tỉ đồng do Trường CĐ Y tế Quảng Nam cho bệnh viện đa khoa của trường này tạm ứng năm 2021; tạm cấp kinh phí để chi trả lương và chế độ cho cán bộ, viên chức, người lao động trước Tết Nguyên đán 2024.
Mạnh Cường
Sáp nhập thành ĐH, liệu có “bình mới rượu cũ” ?
Theo thống kê, Quảng Trị có Phân hiệu ĐH Huế, 3 trường CĐ, 3 trường trung cấp với tổng số 1.510 sinh viên đang theo học. Hầu hết các trường đang gặp khó khăn trong tuyển sinh. Chính vì thế, trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn hồi tháng 7, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị đã đề xuất để tỉnh này phối hợp với ĐH Huế xây dựng đề án trình Bộ GD-ĐT nghiên cứu thành lập Trường ĐH Quảng Trị trực thuộc ĐH Huế trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị với Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị.
Ngày 2.1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất chủ trương sáp nhập 3 trường: CĐ Sư phạm Nghệ An, CĐ Văn hóa – Nghệ thuật Nghệ An và ĐH Kinh tế Nghệ An thành Trường ĐH Nghệ An.
Tuy nhiên, việc sáp nhập liệu có giúp các trường này trở thành trường ĐH tốt hay lại đi vào “vết xe đổ” của một số trường của các tỉnh khác là điều mà nhiều người đang lo ngại. Nghệ An hiện có Trường ĐH Vinh đã đào tạo đa ngành từ nhiều năm qua, được đánh giá là trường có truyền thống và chất lượng tốt. Tuy nhiên, những năm qua, trường này cũng khá chật vật khi tuyển sinh, chưa kể tại Nghệ An còn có các trường ĐH khác cũng đã có bề dày kinh nghiệm đào tạo. Một lãnh đạo trường sắp bị sáp nhập chia sẻ sáp nhập cũng là cách để giúp các trường này vượt qua khó khăn, nhưng nếu không có phương án tốt để nâng cao chất lượng của trường thì sẽ là “bình mới rượu cũ”, khó sẽ vẫn hoàn khó, dù mang cái mác trường ĐH.
Khánh Hoan – Nguyễn Phúc