Liên quan đến tên gọi “Vịnh Thị Nại”, ngày 21-3, tại TP Quy Nhơn diễn ra buổi họp báo công bố Giải đua thế giới mô tô nước UIM-ABP Aquabike World Championship và gặp gỡ các vận động viên.
Tại buổi họp báo, các phóng viên đã hỏi ban tổ chức về việc trên các poster quảng cáo cho cuộc đua có ghi: “Amazing Bình Định Fest 2024 – Tinh hoa đất võ – 22-3 đến 31-3 Thi Nai Bay – Quy Nhơn City”.
Vì sao gọi “đầm Thị Nại” thành “vịnh Thị Nại”?
Trả lời câu hỏi này, ông Trần Việt Anh – đại diện ban tổ chức giải đua – cho biết: “Tại Việt Nam, chúng ta vẫn gọi là đầm Thị Nại khi nói về giải đua thuyền F1H2O và đua mô tô nước.
Nhưng khi quảng bá giải đua ra quốc tế, chúng tôi có bàn bạc và xin ý kiến của tỉnh Bình Định cùng các chuyên gia đổi thành vịnh Thị Nại (Thi Nai Bay) để việc quảng bá được hay hơn”.
Trong văn bản của một cơ quan chức năng tỉnh Bình Định gửi báo chí về việc tuyên truyền cho sự kiện này cũng ghi là “Vịnh Thị Nại”:
“Hiện tại, chúng ta chưa có vận động viên đua mô tô nước để tranh tài UIM- ABP Aquabike World Championship. Nhưng cơ hội được đứng trên đường đua xanh vịnh Thị Nại vẫn còn nguyên với các vận động viên Việt Nam”.
Một số tờ báo cũng viết đầm Thị Nại thành vịnh Thị Nại, như: “Người dân và du khách đội nắng xem đua mô tô nước tại vịnh Thị Nại”; “Bình Định họp báo về giải đua mô tô nước quốc tế ở vịnh Thị Nại”,…
Vụ việc sau đó được tiếp tục tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người dân Bình Định không đồng tình cách gọi đầm Thị Nại thành vịnh Thị Nại.
“Sao tự nhiên kêu đầm Thị Nại là vịnh, chi vậy?”, “Gọi đầm là vịnh cũng đâu có sang hơn”…
Chỉ gọi là đầm Thị Nại
Trả lời Tuổi Trẻ Online về vấn đề trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết theo khoản 5, điều 4, thông tư 23-2010/TT-BTNMT ngày 26-10-2020 có quy định:
“Vũng vịnh là một phần của biển lõm vào lục địa hoặc do đảo chắn tạo thành một vùng nước khép kín ở mức độ nhất định mà trong đó động lực biển thống trị, nằm trong dải bờ biển, được giới hạn ở độ sâu không quá 6m khi triều kiệt”.
Còn tại khoản 2, điều 10 Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (10-12-1982) có quy định:
“Vịnh cần được hiểu là một vùng lõm sâu rõ rệt vào đất liền mà chiều sâu của vùng lõm đó so sánh với chiều rộng ở ngoài cửa của nó đến mức là nước của vùng lõm đó được bờ biển bao quanh và vùng đó lõm sâu hơn là một sự uốn cong của bờ biển.
Tuy nhiên, một vũng lõm chỉ được coi là một vịnh nếu như diện tích của nó ít nhất cũng bằng diện tích một nửa hình tròn có đường kính là đường thẳng kẻ ngang qua cửa vào của vùng lõm”.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, theo định nghĩa tại phụ lục I, thông tư 07-2020/BTNMT ngày 31-8-2020:
“Đầm, phá ven biển là kiểu thủy vực ven bờ biển có nước mặn, lợ hoặc rất mặn, được tách ra khỏi biển nhờ một dạng tích tụ như doi cát, rạn san hô chắn ngoài và ăn thông với biển qua một hay nhiều cửa”.
Vì thế, lâu nay, ngành tài nguyên và môi trường chỉ gọi là đầm Thị Nại, chứ không gọi là vịnh Thị Nại.
Không nên đổi từ đầm sang vịnh
Còn theo TS lịch sử Đinh Bá Hòa – nguyên giám đốc Bảo tàng Bình Định, phải gọi đầm Thị Nại là đầm, chứ không thể gọi là vịnh được.
“Đầm Thị Nại có cửa vào rất hẹp khác với cửa của vịnh: rất rộng. Từ thời Champa, người ta đã gọi đó là đầm Thị Nại rồi.
Trên tất cả các bản đồ thế giới họ cũng đã gọi đầm Thị Nại là đầm rồi, nên chúng ta không thể đổi thành vịnh Thị Nại được. Vịnh hay đầm thì không có gì là sang hơn hay quê mùa hơn cả. Theo quy ước, vịnh thì mặt trước rộng, còn đầm thì hẹp”, ông Hòa cho biết thêm.
Cũng theo lý giải của ông Hòa, đầm nằm sâu trong đất liền, mà đầm Thị Nại thì nằm trên địa phận của TP Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, hằng năm được bồi lấp và có bùn. Còn vịnh thì không hề như vậy.
“Mặt nước đầm Thị Nại chỉ có khoảng 2-3m, bên dưới toàn là bùn. Đây là môi trường của nhiều loại thủy sinh sinh sống: tôm đất, cua, cá nước lợ… Những loại thủy sinh này chỉ sống được ở đầm, không thể sống ở vịnh được.
Hơn nữa, cái tên đầm Thị Nại gắn liền với lịch sử vùng đất, dân tộc và đất nước ta trong quá khứ. Vì vậy, tùy tiện đổi từ đầm sang vịnh là không nên”, ông Hòa phân tích.