Lâu lâu mới có dịp đi du lịch chỗ này chỗ nọ nên đa phần khách cũng có tâm lý “nới tay”. Không ít khách dễ dàng bỏ qua chuyện phải mua hàng giá đắt.
Sự dễ tính của khách bị lợi dụng. Những người có máu kinh doanh “chặt chém” không thấy xấu hổ. Nơi này bán giá cao được, nơi khác cũng làm như vậy. Riết rồi đi du lịch đâu cũng sợ mua hớ giá, sợ ghé vào trúng nơi bị “chặt chém”.
Không ít người khi kinh doanh dịch vụ ở các địa phương có kinh doanh ngành du lịch thì có tâm lý, cách “ăn xổi ở thì”, muốn kiếm lời nhiều nhất và nhanh nhất, bất chấp mọi thứ. Trị nạn “chặt chém” cần có sự phối hợp từ chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở, khách mua và người bán. Trước hết chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình trên địa bàn.
Người kinh doanh thấy “sự hiện diện” của cơ quan chức năng cũng phải thay đổi, buôn bán thật thà, cung cấp dịch vụ đúng giá. Sự hiện diện này có thể là một kênh tiếp nhận thông tin từ du khách và chính quyền rốt ráo xử lý không nương tay. Việc này tạo tâm lý an tâm, thoải mái vui chơi mua sắm.
Khách du lịch đừng nên có tâm lý lâu lâu mới đi chơi một lần mà tỏ ra là khách “sang chảnh” mua sắm để chứng tỏ sự hào phóng giả tạo. Không ít người từng bị “chặt chém” chỉ vì “sĩ diện” không khảo giá trước khi mua sắm nhưng vì lúc ấy có bạn bè nên phải bỏ qua.
Chúng ta đi du lịch một nơi nào đó, sử dụng một dịch vụ nào đó thì cứ có tâm lý giống như chuyện hằng ngày. Mạnh dạn khảo giá, trả giá (phù hợp) để góp phần trị bệnh “chặt chém” từ những người buôn bán thiếu đạo đức.