Đài NPR ngày 18.3 đưa tin một sao chổi hiếm thấy và nổi tiếng về hình ảnh lóe sáng nhiều màu sắc đang tiếp cận mặt trời theo chu kỳ 71 năm và có thể được nhìn thấy từ trái đất.
Bất thường hơn lần tiếp cận trước, sao chổi 12P/Pons-Brooks dự kiến sẽ xuất hiện cùng với nhật thực toàn phần vào tháng tới và có thể quan sát 2 sự kiện cùng lúc.
Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), sao chổi là thiên thể đóng băng trong quá trình hình thành hệ mặt trời, được tạo thành từ bụi, đá và băng. Với chiều rộng lên tới hàng chục km và cái đuôi dài hàng km, sao chổi nóng lên và sáng hơn khi đến gần mặt trời.
Sao chổi 12P/Pons-Brooks mất 71 năm để bay quanh mặt trời và lần tiếp theo sẽ đến điểm cận nhật, điểm trên quỹ đạo hình elip khi nó ở gần mặt trời nhất, sẽ là ngày 21.4.
Theo Space.com, sao chổi 12P/Pons-Brooks lóe sáng gần đây vào ngày 18.1, sau một số lần lóe sáng trong khoảng thời gian tháng 10-12.2023. Khu vực xung quanh sao chổi xoắn ốc có thể phát sáng màu xanh lá cây, đỏ và tạo ra một cái đuôi dài màu xanh lam.
Sự bùng nổ của 12P/Pons-Brooks cũng có thể tạo cho sao chổi này một hình móng ngựa giống như có những chiếc sừng, nên nó còn được gọi là “sao chổi ác quỷ”.
Hiện những người quan sát sao có thể nhìn thoáng qua sao chổi này bằng cách hướng kính viễn vọng hoặc ống nhòm về phía chòm sao Song Ngư vào đầu giờ tối. Các nhà thiên văn học cho biết nó cũng sẽ sớm được nhìn thấy bằng mắt thường.
Sao chổi này được nhà thiên văn học người Pháp Jean-Louis Pons quan sát lần đầu tiên vào năm 1812, và sau đó nó được nhà thiên văn học người Mỹ William Brooks vô tình phát hiện lại vào năm 1883.