Chưa bắt kịp xu hướng phát triển
Thừa Thiên Huế có 86 làng nghề, 57 nghề truyền thống hoạt động riêng lẻ. Sản phẩm các làng nghề truyền thống của Huế đa dạng, phong phú và mang đậm giá trị văn hóa vùng đất. Tuy nhiên, đa phần các làng nghề vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ. Nhiều sản phẩm đa phần tiêu thụ ở trong tỉnh, chủ yếu bán cho khách du lịch mà chưa thể vươn xa.
Với sự thay đổi của thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc khi mua sắm hoặc tới tham quan tại làng nghề. Trong khi đó, các sản phẩm làng nghề truyền thống phải đối mặt với những khó khăn về nguồn lực: Nguồn lực để đổi mới sản phẩm, nguồn lực để phát triển kênh kinh doanh, nguồn lực cho tiếp thị và bán hàng.
Ông Cao Quốc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh cho rằng, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều sản phẩm truyền thống địa phương gắn với sinh kế của người dân. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ ngày càng bị mai một vì người gìn giữ nghề gia truyền không thể đủ sống bằng nghề. Họ loay hoay không biết làm thế nào để sản phẩm của mình bán ra được. Nhiều hộ kinh doanh chỉ biết sản xuất mà chưa cập nhật được cái mới, trong khi những sản phẩm đang làm gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm công nghiệp. Làm thế nào để giúp các sản phẩm truyền thống xây dựng được năng lực để khôi phục thương hiệu, giúp bà con, các hộ kinh doanh ở địa phương có thể thúc đẩy phát triển, tiêu thụ sản phẩm là trăn trở của Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh.
Nâng cao năng lực trong thời đại số
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các cơ sở nghề, Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh thông qua chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương mời các chuyên gia thực hiện khóa đào tạo về sáng tạo trong kinh doanh và thời đại số cho 11 dự án, doanh nghiệp liên quan đến sản phẩm truyền thống địa phương được lựa chọn tham gia dự án, như: May Payperflower, Công ty TNHH Bách nghệ Búp sen, Công ty TNHH Nghiên cứu và phát triển Huefarm, Công ty TNHH Sản phẩm thiên nhiên Trà My, dự án Mạ’s House, dự án phấn nụ Nhất Chi Mai, dự án nón xương lá bàng…
Theo ông Cao Thế Anh, Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu, các cơ sở nghề cần đổi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi, những thách thức không lường trước được là điều không thể tránh khỏi trong kinh doanh. Thực tế, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn. Các hoạt động thông thường trở nên lỗi thời trong vòng vài tháng. Đổi mới là cần thiết để các doanh nghiệp thích nghi và vượt qua những thách thức của sự thay đổi, thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Cao Thế Anh cho hay: “Một số cách đổi mới có thể được áp dụng trong các hoạt động kinh doanh, như: Đổi mới sản phẩm qua mẫu mã thiết kế; đổi mới quy trình về cách thức sản xuất hoặc phân phối sản phẩm; đổi mới mô hình kinh doanh gồm những thay đổi về cách thức định giá, tiếp thị…”.
Chia sẻ về mô hình chiến lược marketing hiện đại, ông Hoàng Trọng Vân Kiều, CEO thương hiệu Amity cho hay, các cơ sở nghề truyền thống cần xây dựng cách thức marketing phù hợp với xu thế. Trước hết là phải xác định và nhận diện được khách hàng mục tiêu. Đây là giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm tối đa ngân sách sales & marketing, tiết kiệm thời gian, tối đa hóa chi phí và nhân lực. Để xác định được khách hàng mục tiêu, các đơn vị cần tìm hiểu thị trường, quan sát và khảo sát thực tế hoặc có thể mua thông tin của các tổ chức nghiên cứu. Tiếp đó là xây dựng kế hoạch marketing thực chiến cho mô hình doanh nghiệp nhỏ.
Trao đổi về định hướng xuất khẩu sản phẩm địa phương của Huế, ông Dương Ngọc Tú, Phó Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Châu Âu thông tin về những quy định để có thể xuất khẩu sản phẩm truyền thống sang châu Âu. Lấy ví dụ luật về mỹ phẩm của châu Âu, ông nói: “Tiêu chuẩn châu Âu rất cao, có thể nói là quy định nghiêm ngặt nhất trên thế giới và chỉ có các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn mới có thể cung cấp các tài liệu kỹ thuật đạt yêu cầu. Tuy nhiên, chỉ có một quy trình duy nhất để xuất qua các quốc gia ở châu Âu, khi mà chỉ một lần đăng ký thành công thì có thể nhập vào thị trường 32 quốc gia ở châu Âu”.
Bà Phan Nữ Phước Hồng, chủ doanh nghiệp Mạ’s House, một cơ sở sản xuất và trải nghiệm các loại bánh Huế truyền thống chia sẻ: “Các sản phẩm truyền thống bắt nguồn từ kinh nghiệm, sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và chưa vươn xa ra được bên ngoài. Vì vậy, những kiến thức về truyền thông, xây dựng thương hiệu, chuyển đổi số đối với doanh nghiệp bổ sung những năng lực cần thiết cho việc quản trị kinh doanh. Từ đó, giúp các cơ sở xây dựng chương trình hành động phù hợp đối với sản phẩm của mình và định hướng phát triển sản phẩm tốt hơn”.