Đưa văn hóa bản địa vào từng sản phẩm
Hiện nay, công nghiệp văn hóa được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực, trong đó có Phần mềm và các trò chơi giải trí. Bởi, game đang được đánh giá là một ngành mang lại lợi nhuận “khổng lồ” cho các nước, theo dữ liệu từ Newzoo, trang web phân tích dữ liệu về thị trường game, năm 2023, doanh thu ngành game ước tính đạt 184 tỷ USD. Dự báo đến năm 2026, con số này sẽ tăng trên 200 tỷ USD. Trong đó, thị trường có doanh thu ngành game cao nhất thế giới chủ yếu là các nước công nghệ phát triển như Trung Quốc (45 tỷ USD), Mỹ (45 tỷ USD), Nhật (20 tỷ USD), Hàn Quốc (8 tỷ USD) và Đức (6,7 tỷ USD).
Còn ở Việt Nam, theo các chuyên gia đánh giá, ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong 10 năm qua. Điều này được thể hiện qua những con số khi doanh thu ngành Game Việt Nam đã vượt 500 triệu USD và đứng thứ 5 tại Đông Nam Á. Với tiềm năng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt mục tiêu trong 5 năm tới, ngành game Việt Nam đạt cột mốc doanh thu 1 tỷ USD, đồng thời tăng mạnh về số doanh nghiệp game hoạt động.
Chính vì thế, trong những năm gần đây, các nhà sáng tạo đã nỗ lực không ngừng, phát huy tâm huyết của mình trong việc nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm trò chơi giải trí hiện đại nhưng vẫn mang tính bản địa để vừa tạo sự phát triển cho ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi của công chúng.
Điển hình có thể kể đến, Giám đốc thương mại Công ty TNHH Everjoy Publishing Hiền Đỗ – người đã mang board game của nước ngoài về Việt Nam để sáng tạo và phát triển với tham vọng đưa lĩnh vực này gia nhập ngành công nghiệp văn hóa mới trong tương lai.
Bà Hiền Đỗ cho biết: “Ở Việt Nam, chúng ta có rất nhiều trò chơi như: cờ vua, cờ tướng, cờ cá ngựa, tam cúc, tú lơ khơ và rất nhiều trò chơi dân gian khác như là ô ăn quan, bầu cua tôm cá… Đây chính là những board game lâu đời nhất. Nhưng vì chúng ta không sử dụng từ “board game” để gọi chúng, nên cảm thấy không quen thuộc. Vậy nên, khi mang board game về Việt Nam, điều khó khăn nhất đối với chúng tôi từ khi bắt đầu và cả hiện tại là làm cách nào mang đến những sản phẩm phù hợp hơn nữa với thị hiếu người Việt Nam, để board game trở thành lựa chọn hàng đầu của mọi người khi cần tìm kiếm một hoạt động giải trí cho những buổi tụ họp với gia đình, bạn bè, sẵn sàng bỏ thời gian để chơi board game nhiều hơn thay vì dành thời gian sử dụng điện thoại lướt facebook, tiktok…”.
Để sản phẩm Việt mang đậm văn hóa Việt, bà Hiền Đỗ chia sẻ: “Thời gian đầu khi vào thị trường Việt Nam, chúng tôi chủ yếu giới thiệu các sản phẩm văn hóa ngoại. Sau một thời gian, nhận thấy kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng, chúng tôi đã tập trung phát triển các trò chơi bản địa, khai thác nội dung con người, văn hóa, lịch sử, lối sống của Việt Nam.
Một series trò chơi chúng tôi sáng tạo được các phụ huynh và bạn nhỏ yêu thích là series board game kết hợp với thương hiệu truyện tranh Việt nổi tiếng – “Lớp học Mật ngữ” – kể các câu chuyện về trường lớp, bạn bè đậm nét sinh hoạt của các bạn trẻ Việt Nam. Khi đưa các câu chuyện và nét văn hóa sinh hoạt hằng ngày của học sinh Việt Nam vào trong bộ game, các bạn nhỏ và phụ huynh đều thấy rất thú vị, quen thuộc, họ cảm giác như đang tái hiện tại cuộc sống của mình và điều đó khiến họ càng thích thú.
Ngoài ra, còn có các trò như “Cờ ô chữ”, “Chọi chữ” – những trò chơi xoay quanh nét đẹp của tiếng Việt, lấy cảm hứng từ thư pháp Việt Nam. Hay trò chơi Thần Tích, khai thác câu chuyện hùng tráng về thần thoại và cổ tích Việt Nam với các nhân vật Lạc Long Quân, Âu Cơ; Sơn Tinh, Thủy Tinh…”.
Không chỉ có Hiền Đỗ, mà thị trường board game Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều nhà sáng tạo quan tâm và phát triển, như Tuệ Mẫn và Thiện Toàn – những người sáng lập Ngũ hành games đã quyết tâm bước chân vào cánh cửa thế giới board game khi nhận thấy quá thiếu vắng các sản phẩm board game mang dấu ấn văn hóa truyền thống. Với slogan “Đưa văn hóa Việt vào board game”, Ngũ hành games để lại nhiều ấn tượng với các sản phẩm board game như “Lên mâm” – lấy cảm hứng từ những món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết; “Hội phố” đưa người chơi nhập vai các thương nhân tại phố cổ Hội An để buôn bán, giao thương; “Ăn ý” với chủ đề văn hóa Việt Nam đương đại.
Đặc biệt, để công chúng có thể biết đến nhiều sản phẩm board game hơn nữa, năm 2021, Ngũ hành games còn kết hợp tòa soạn Hoa Học Trò ra mắt sách “Vòng quanh thế giới boardgame”, giới thiệu hơn 20 board game truyền thống và hiện đại khắp thế giới.
Qua đó, có thể thấy, board game không còn là trò chơi đơn thuần mà board game đã trở thành một kênh giao lưu văn hóa, góp phần đưa văn hóa, lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ và quảng bá văn hóa, lịch sử Việt Nam đến bạn bè năm châu.
Mang lại nhiều giá trị cho phát triển công nghiệp văn hóa
Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, thị trường board game ở Việt Nam vẫn còn non trẻ nên để phát triển tiềm năng, đưa thị trường game Việt Nam nói chung, board game nói riêng trở thành một ngành công nghiệp giải trí trong tương lai, sẽ đòi hỏi sự nỗ lực và sáng tạo của các bạn trẻ nhiều hơn nữa.
Đánh giá về sự sáng tạo của thế hệ trẻ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS. TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ, những nỗ lực của các nhà sáng tạo trẻ trong việc nghiên cứu và sáng tạo đưa văn hóa Việt vào trong các sản phẩm giải trí sẽ mang lại nhiều giá trị quan trọng cho phát triển của ngành công nghiệp văn hóa. Bởi họ đem lại sự tươi mới và sáng tạo, đẩy mạnh sự đa dạng và sự phong phú trong lĩnh vực này. Nhờ vào sự độc đáo và cá nhân hóa trong sản phẩm của họ, họ có thể thu hút sự chú ý của khán giả một cách hiệu quả, từ đó tạo ra sự quan tâm và tiềm năng thị trường.
Bên cạnh đó, những sản phẩm của các nhà sáng tạo trẻ thường kết hợp giữa văn hóa truyền thống và xu hướng hiện đại. Ví dụ, nếu ngày xưa chúng ta chỉ có các trò chơi truyền thống như: ô ăn quan, cờ vua, cờ tướng,… nhưng bây giờ các bạn trẻ đã có thể sáng tạo đưa những trò chơi truyền thống đó kết hợp với trò chơi hiện đại ở nước ngoài, qua đó đã mang lại cái nhìn mới mẻ và cái nhìn đa chiều về văn hóa thông qua các sản phẩm của họ. Từ đó, tạo ra cơ hội cho sự giao lưu văn hóa và sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa các cộng đồng và văn hóa khác nhau, góp phần vào việc xây dựng một xã hội đa văn hóa và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, việc phát triển lĩnh vực trò chơi giải trí trong phát triển công nghiệp văn hóa không phải là một hành trình dễ dàng, và các nhà sáng tạo trẻ thường gặp phải nhiều thách thức khi bước vào ngành này. Chính vì thế, để hỗ trợ cho các thế hệ trẻ sáng tạo và phát triển lĩnh vực này trong ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta có thể cần có những chính sách và biện pháp hỗ trợ tài chính thông qua các khoản tài trợ, hỗ trợ vốn và các chính sách hỗ trợ khác, bao gồm việc thiết lập quỹ hỗ trợ cho nhà sáng tạo trẻ.
Tạo ra môi trường kinh doanh và pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trò chơi giải trí nói riêng, phát triển ngành công nghiệp văn hóa nói chung như việc giảm bớt quy định và thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho sự hợp tác và đổi mới, và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, PGS. TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, để phát triển lĩnh vực trò chơi giải trí Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác trên thế giới, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thì các bạn trẻ cần phải không ngừng đổi mới và sáng tạo trong cả nội dung và hình thức của các sản phẩm trò chơi giải trí. Không sợ thử nghiệm những ý tưởng mới và khác biệt, luôn tìm cách để làm mới mẻ và phát triển những gì mình đang làm. Họ phải liên tục học hỏi và phát triển kỹ năng, kiến thức và hiểu biết về lĩnh vực trò chơi giải trí nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung. Tham gia các khóa học, hội thảo, và sự kiện ngành để cập nhật xu hướng mới và mở rộng mạng lưới quan hệ.
Bằng cách này, họ có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo và thu hút được sự quan tâm của khán giả cũng như cả thị trường quốc tế./.
Nguồn: https://toquoc.vn/sang-tao-tro-choi-giai-tri-mang-tinh-ban-dia-tiem-nang-moi-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-trong-tuong-lai-20240510142940809.htm