Theo giới phân tích, sự sụp đổ của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, giúp Ukraine xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc trong năm qua, sẽ không ngay lập tức gây tác động nhưng về trung hạn sẽ tạo ra hiệu ứng căng thẳng trên thị trường và đẩy giá lương thực lên cao.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen sụp đổ sẽ không ngay lập tức gây tác động nhưng về trung hạn sẽ tạo ra hiệu ứng căng thẳng trên thị trường lương thực thế giới. (Nguồn: AP) |
Các chuyên gia cho rằng, tình hình hiện tại khác biệt khá nhiều so với thời điểm tháng 2/2022, khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cắt đứt hoạt động vận chuyển ở Biển Đen – tuyến đường xuất khẩu chính cho các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine. Là quốc gia xuất khẩu dầu hạt hướng dương hàng đầu thế giới và lớn thứ tư về lúa mì và ngô, việc Kiev rời khỏi thị trường toàn cầu đã đẩy giá lương thực lên mức cao kỷ lục vào tháng 5/2022.
Sau đó, việc mở hành lang xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen vào ngày 1/8/2022 đã giúp bảo đảm nguồn cung cho các quốc gia nhập khẩu và góp phần “hạ nhiệt” cuộc khủng hoảng lương thực, ngay cả khi sản lượng nông nghiệp của Ukraine sụt giảm do ảnh hưởng của cuộc xung đột.
Sản lượng lúa mì dự báo giảm xuống 17,5 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024 từ 33 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022. Sản lượng ngô dự kiến giảm từ 42 triệu tấn xuống 25 triệu tấn.
Ông Gautier Le Molgat, nhà phân tích của Agritel – công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích về thị trường nông nghiệp dự báo, niên vụ 2023-2024, Ukraine sẽ xuất khẩu ít hơn 6 triệu tấn lúa mì và 10 triệu tấn ngô và tương lai của thị trường lương thực sẽ rõ ràng vào cuối vụ thu hoạch.
“Đây có thể là giai đoạn bình lặng trên thị trường vốn ít phản ứng với tin tức về việc đình chỉ thoả thuận”, ông Molgat nói. Hiện tại, giá lúa mì ở châu Âu đang tăng nhẹ và giảm ở thị trường Mỹ.
Việc Nga từ chối gia hạn thỏa thuận cũng đã được dự đoán từ trước. Ông Edward de Saint-Denis, một thương nhân tại công ty kinh doanh hàng hóa Plantureux & Associes cho hay, trong những tháng qua công ty ông đã quan sát thấy một nút cổ chai ở eo biển Bosphorus với giao thông rất chậm, đặc biệt là do số lượng thanh sát viên Nga đối với các tàu đi qua hành lang này thấp.
Ngay cả trước khi hành lang Biển Đen được mở, EU đã tạo ra “các tuyến đường đoàn kết” – các tuyến đường bộ và đường sông được thiết kế để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của EU qua các nước châu Âu. Farm Foundation, một tổ chức tư vấn chuyên về các vấn đề nông nghiệp ước tính rằng, một nửa xuất khẩu nông sản của Ukraine đã đi theo những con đường này.
Hiện tại thị trường toàn cầu không hề thiếu lúa mì. Tuy nhiên, “lúa mì có thể xuất khẩu nhiều nhất là từ Nga với 12,5 triệu tấn dự trữ và đây là loại lúa mì rẻ nhất thế giới,” ông Damien Vercambre, chủ công ty môi giới hàng hóa Inter-Courtage bình luận.
Nga có thể giảm bớt một phần bất kỳ do thiếu lúa mì Ukraine. Nhưng sự phụ thuộc lương thực ngày càng tăng vào Nga có thể là “liều thuốc đắng” đối với nhiều quốc gia.
EU dự kiến có một vụ thu hoạch bình thường, cũng có thể giúp đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Nhưng thời tiết bất lợi có thể nhanh chóng thay đổi triển vọng.
Thị trường lúa mì và ngô hiện cũng đang ở những vị trí rất khác nhau. Trung Quốc, nhà nhập khẩu ngô hàng đầu thế giới, có thể chuyển hướng sang Brazil, quốc gia có lượng thu hoạch kỷ lục và đang bán với giá thấp hơn.
Với lúa mì, sản lượng có thể đủ nhưng việc suy giảm sản lượng ở Ukraine có thể ảnh hưởng đáng kể. Chuyên gia Olia Tayeb Cherif của Quỹ Farm Foundation nhận định: “Việc kéo dài tình trạng đóng cửa hành lang Biển Đen sẽ tác động đến lạm phát giá lương thực, từ đó ảnh hưởng đến an ninh lương thực”.
Một số quốc gia nhập khẩu bắt đầu gặp khó khăn trong khi phải thanh toán theo mặt bằng giá hiện tại, đơn cử như Ai Cập.
Ông Cherif lưu ý, Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc cũng có nguy cơ bị gián đoạn vì chủ yếu lấy nguồn lúa mì từ Ukraine để cung cấp cho Afghanistan, Yemen và các quốc gia châu Phi.