Trong khi châu Âu đang tìm cách kêu gọi Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép để Nga quay lại với Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Tổng thống Zelensky cho biết, họ đang nỗ lực để Kiev tiếp tục là người bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới và người dân Ukraine có thể tiếp cận thị trường toàn cầu.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ‘đắp chiếu’, Ukraine mở ‘đường máu’ cho nông sản. (Nguồn: Tastingtable) |
Tính đến ngày 11/8, nông dân Ukraine đã thu hoạch được 22,961 triệu tấn ngũ cốc và cây họ đậu trên diện tích 5,292 triệu ha, với năng suất 43,7 centner/ha (1 centner tương đương 100 kg), theo báo cáo của Bộ Chính sách nông nghiệp và thực phẩm Ukraine.
Vùng Odesa có vụ thu hoạch lớn nhất với 3,2 triệu tấn, nông dân trong vùng đã thu hoạch xong sớm. Nông dân vùng Zaporozhzhia cũng đi đầu trong việc thu hoạch ngũ cốc, hoàn thành hơn 90% diện tích. Nông dân từ 13 khu vực khác đã thu hoạch xong cây họ đậu.
Vùng Dnipropetrovsk và Kherson đã bắt đầu thu hoạch kê. Việc thu hoạch kiều mạch cũng đang được tiến hành ở vùng Dnipropetrovsk.
Thu hoạch hạt cải dầu vẫn tiếp tục ở tất cả các vùng. Hơn 3,702 triệu tấn hạt cải dầu đã được thu hoạch trên diện tích hơn 1,315 triệu ha với năng suất 28,1 centner/ha.
Hướng về sông Danube
Bộ Chính sách nông nghiệp và lương thực Ukraine dự kiến, nước này sẽ thu hoạch khoảng 76,7 triệu tấn ngũ cốc và hạt lấy dầu vào năm 2023, nhờ thời tiết thuận lợi.
Cùng với lượng hàng bắt đầu đổ về kho, cũng là lúc chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rốt ráo “mở đường” ra cho nông sản. Mới đây, Tổng thống Zelensky đã tổ chức một cuộc họp riêng với các quan chức quân đội, bao gồm người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc phòng Budanov, Tổng tư lệnh Zaluzhnyi, Tư lệnh Hải quân Neizhpapa, Cục trưởng Cục An ninh Malyuk và lãnh đạo Bộ Cơ sở hạ tầng để thảo luận về các giải pháp thay thế cho việc xuất khẩu ngũ cốc thông qua các hành lang quá cảnh.
Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine đang làm mọi cách để ngũ cốc của nước này tiếp cận thị trường thế giới, qua đó bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Hiện tại, một hành lang vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua phần sông Danube của Romania đang rất được quan tâm. Kiev đang tập trung thảo luận với các đối tác quốc tế để tăng cường xuất khẩu qua con đường này.
Trong khuôn khổ cuộc họp nhiều bên tại Galati, Romania (ngày 11/8), giữa Ukraine – Mỹ – Ủy ban châu Âu (EC) – Romania – Moldova, Phó Thủ tướng phụ trách Tái thiết, Bộ trưởng Phát triển cộng đồng, lãnh thổ và cơ sở hạ tầng của Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết, “chúng tôi đã thảo luận về các biện pháp tăng cường xuất khẩu của Ukraine. Trong điều kiện hàng hải hạn chế, phần sông Danube của Romania rất quan trọng để định hướng lại xuất khẩu”.
Theo Phó thủ tướng Ukraine Kubrakov, việc phát triển giao thông dọc sông Danube là một trong những vấn đề ưu tiên, trong đó các mục tiêu chính bao gồm, tăng tốc độ di chuyển của tàu bè qua các kênh đào, tăng khả năng thông qua Kênh Sulina và tổ chức thêm các địa điểm trung chuyển bên ngoài cảng Constanta của Romania.
Một việc khác cũng đang được tiến hành là đưa phần sông Danube của Ukraine vào trong bản đồ Mạng lưới các tuyến đường nội địa xuyên châu Âu (TEN-T). Điều này sẽ góp phần quan trọng, đẩy mạnh hoạt động chính thức của các doanh nghiệp trên thị trường vận tải sông Danube.
Ngoài ra, Ukraine cùng với phía Romania đang nỗ lực triển khai vận tải hàng hóa đầy đủ tại các trạm kiểm soát đường bộ Krasnoilsk – Vicovu de Sus và Dyakivtsi – Rakovec; Thúc đẩy kế hoạch tăng công suất lưu thông hàng hóa ít nhất 20% thông qua Porubne – Siret và mở thêm hai trạm kiểm soát.
“Tất cả các hành động của chúng tôi nhằm đạt được một mục tiêu – cung cấp càng nhiều cơ hội càng tốt cho các nhà xuất khẩu Ukraine. Từ đó, tăng cả khả năng phòng thủ và giành chiến thắng cho nền kinh tế”, ông Kubrakov cho biết.
Về phần Romania, Bộ trưởng Bộ Giao thông và cơ sở hạ tầng nước này Sorin Grindianu cho biết đang tìm cách tăng gấp đôi công suất vận chuyển ngũ cốc của Ukraine. Theo đó, trong tương lai gần, Romania sẽ tăng gấp đôi công suất vận chuyển ngũ cốc đến từ Ukraine từ 2 triệu tấn lên 4 triệu tấn mỗi tháng. Các tuyến đường biển và đường sắt đều được huy động cho mục đích này, kênh Sulina là giải pháp thay thế duy nhất cho vận tải đường biển.
Bộ trưởng Romania hứa sẽ “tối ưu hóa” – trong khuôn khổ dự án do EU tài trợ trị giá 18 triệu EUR – việc sử dụng Kênh Sulina, nơi có các cảng sông Danube của Ukraine.
Về trung hạn, Bộ trưởng Grindianu đề cập một khoản đầu tư mới trị giá 1 tỷ EUR vào tuyến đường sắt của cảng Constanta và tung tiền nhiều hơn vào các dự án cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt, vốn rất quan trọng đối với quá trình tái thiết Ukraine sau xung đột quân sự.
Sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine được thực hiện thông qua các tuyến đường thay thế, gồm: đường bộ và đường sắt thông qua các cảng sông Danube. Vì thế, kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, doanh thu hàng hóa của các cảng Danube đã tăng gấp ba lần, trong khi các cảng biển của Odesa mất hơn một nửa doanh thu hàng hóa.
Tuy nhiên, theo ông Dmytro Barinov, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý các cảng biển Ukraine, tuyến đường sông Danube chỉ có thể thay thế một phần việc vận chuyển hàng hóa qua các cảng biển. Khối lượng trung chuyển rất khó so sánh.
Dù vậy, tuyến đường này vẫn là sự thay thế hữu hiệu nhất. Trong nửa đầu năm 2023, 11 triệu tấn ngũ cốc đã được vận chuyển qua các cảng sông Danube, tương đương với cả năm 2022.
Thách thức tình đoàn kết nội khối EU
Tuy nhiên, một con đường khác của nông sản Ukraine lại không thuận lợi như vậy. Mới đầu tháng này, qua kênh Twitter của Bộ Nông nghiệp Ba Lan, Bộ trưởng Bộ này Robert Telus tuyên bố đóng cửa biên giới đối với nông sản Ukraine sau ngày 15/9.
“Ngay cả khi EU không đưa ra quyết định như vậy, chúng tôi vẫn sẽ đóng cửa biên giới đối với các sản phẩm của Ukraine sau ngày 15/9. Tôi nghĩ rằng, một số trong năm quốc gia tuyến đầu cũng sẽ làm như vậy. Điều này không chống lại bất kỳ ai, mà vì hạnh phúc của nông dân Ba Lan”, ông Telus cho biết.
Như Ukrinform đã đưa tin, hồi tháng 7, 5 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ký tuyên bố gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine để bảo vệ lợi ích của nông dân trong nước, nhưng các sản phẩm lương thực vẫn có thể “đi ra” thị trường thế giới thông qua lãnh thổ của họ, sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
Những người đứng đầu ngành nông nghiệp từ Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia đã yêu cầu EU xây dựng các cơ chế cho phép ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác của Ukraine được chuyển đến các điểm đến cuối mà không ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp của các quốc gia trung chuyển.
Sau khi Nga đình chỉ tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, EC duy trì sự hỗ trợ vững chắc cho Kiev, khẳng định kiên định với việc bảo vệ các “làn đường đoàn kết” và tiếp tục “tìm đường máu” cho nông sản của Ukraine xuất khẩu.
Tuy nhiên, với EU hiện nay, bài toán cân bằng thị trường nông sản nội khối, trong khi tiếp tục duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine là rất khó khăn. Chẳng hạn, giải pháp hỗ trợ tài chính cho nông dân hồi đầu năm nhằm xoa dịu những bất đồng giữa các quốc gia thành viên chỉ là ngắn hạn.
Về lâu dài, EU cần một biện pháp đa mục tiêu, phải vừa tháo gỡ được khó khăn cho nông dân tại các nước đang bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng lại phải tạo được lối đi riêng cho nông sản của Ukraine ra thị trường ngoài khối. Mọi quyết định chưa hợp lý đều có thể khơi lên những bất đồng và đặt EU trước thách thức củng cố tình đoàn kết nội khối.