Em Lê Đỗ Mai Thư cho biết, trên đường đến trường khi đi ngang qua một số cơ sở thu mua, tái chế phế liệu, qua quan sát, em nhận thấy công đoạn làm giảm kích thước các vỏ lon bia, nước ngọt sẽ tốn nhiều công sức, thời gian.
Do đó, các cơ sở này thường thuê lao động sử dụng một số công cụ, vật nặng như búa tạ để đập dẹp vỏ lon bia, nước ngọt nhằm làm giảm kích thước để cho vào bao chứa (chứa được nhiều vỏ lon hơn) trước khi đưa đến cơ sở sơ chế (sử dụng máy ép) ép thành khối lớn để cung cấp cho nhà máy tái chế.
Từ thực tế trên, em nảy sinh ý tưởng sáng tạo ra “Máy ép vỏ lon bia, nước ngọt” nhằm giúp các cơ sở thu mua, tái chế nâng cao năng suất xử lý vỏ lon bia, nước ngọt cần tái chế với số lượng lớn. Với sự giúp đỡ của chú thợ cơ khí gần nhà, trong thời gian ngắn, ý tưởng sáng tạo của em đã trở thành hiện thực.
Máy ép do em sáng tạo ra được thiết kế gồm 3 bộ phận: Chân máy sử dụng thép vuông 5x5cm; thân máy sử dụng 2 thanh thép 5x7cm hàn ghép với chân máy tạo mặt bằng để nâng đỡ và giúp khuôn ép vận hành được thuận lợi; khuôn ép sử dụng 4 đoạn thép 5x7cm hàn theo phương đứng tạo thành khuôn hình chữ nhật rỗng, ở giữa khung chữ nhật được hàn khối thép cố định tạo thành mặt đe để ép vỏ lon theo 2 mặt (trái, phải); bộ phận truyền động sử dụng mô-tơ 60W.
Máy ép vỏ lon bia, vỏ lon nước ngọt do em Lê Đỗ Mai Thư, học sinh Trường Tiểu học Tân Hiệp (thị trấn Tân hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) sáng chế.
Về vận hành máy ép, khi cần ép vỏ lon bia, lon nước ngọt, khởi động mô-tơ, khi mô-tơ quay sẽ biến chuyển động quay tròn của cốt mô-tơ thành chuyển động tịnh tiến của khuôn ép. Khi đó, ta lần lượt cho vỏ lon bia, lon nước ngọt cần ép vào khuôn ép (đặt theo phương nằm và dọc theo khuôn ép).
Đầu tiên, khi khuôn ép di chuyển từ phải sang trái sẽ ép dẹp vỏ lon được đặt bên phải trước. Sau đó, khi di chuyển theo chiều ngược lại (từ trái qua phải), khuôn ép tiếp tục ép dẹp vỏ lon được đặt bên trái khuôn ép.
Như vậy khi thực hiện một hành trình di chuyển, khuôn ép sẽ lần lượt ép dẹp được 2 vỏ lon. Do khuôn ép được thiết kế rảnh dọc theo chiều dài, nên vỏ lon sau khi được ép dẹp sẽ tự rơi xuống dụng cụ chứa đặt dưới mặt sàn, nơi đặt chân máy.
Ta cũng có thể nâng độ cao của chân máy lên và treo vào đó một cái bao (hoặc đặt thùng carton lớn) để hứng vỏ lon sau khi ép được nhiều hơn.
Theo Ban Giám khảo Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng huyện Châu Thành, do tái sử dụng các vật tư sắt, thép đã qua sử dụng (mua ở tiệm ve chai, sắt vụn) và tận dụng vật tư có sẵn nên máy ép vỏ lon bia, lon nước ngọt có chi phí đầu tư khá thấp so với đầu tư, mua mới các thiết bị ép chuyên dụng.
Ngoài ra, việc sử dụng máy ép vỏ lon bia, lon nước ngọt vừa giúp tăng năng suất lao động, giảm bớt công đoạn sơ chế (ép thành khối), giúp giảm lao động cơ bắp, thuận tiện cho việc vận chuyển đến xưởng tái chế cũng như tiết kiệm được chi phí vận chuyển, đảm bảo an toàn giao thông…
Sau khi đạt giải cấp huyện, giải pháp của em Đỗ Mai Thư được xét chọn tham dự Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XV, năm 2023 – 2024.
Em Lê Đỗ Mai Thư cho biết, một số điểm thu mua phế liệu ở thị trấn Tân Hiệp và xã Tân Lý Tây (huyện Châu Thành) cho biết, họ rất thích sản phẩm máy ép này và mong muốn, sau khi máy ép vỏ lon bia, lon nước ngọt được em hoàn thiện thêm, họ sẽ đầu tư để sử dụng vào việc ép vỏ lon bia, lon nước ngọt và một số phế liệu khác.
Nguồn: https://danviet.vn/sang-che-may-ep-vo-lon-bia-lon-nuoc-ngot-cua-mot-hoc-sinh-truong-lang-o-tinh-tien-giang-20240705142146778.htm