Tại Hội nghị COP26, Việt Nam là một trong các quốc gia đã tuyên bố mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. So với Báo cáo đóng góp quốc gia tự quyết định 2020 (NDC 2020), NDC cập nhật 2022 (NDC 2022) Việt Nam đã tăng mức đóng góp giảm phát thải không điều kiện đến năm 2030 từ 9% lên 15,8%; và đóng góp có điều kiện từ 27% lên 43,5% (so với kịch bản phát triển thông thường BAU).
Trong hơn 10 năm qua Nhiệt điện Hải Phòng đã không ngừng nỗ lực hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính |
Cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, quyết định như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo đó, cùng với các ngành sản xuất công nghiệp khác, nhiệt điện là một trong những lĩnh vực sản xuất phải thực hiện báo cáo kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính theo số 01/2022/QĐ-TTg.
Trước đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2013 của Trung ương về ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là nền tảng trong các trục phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là giảm phát thải khí nhà kính (KNK), ứng phó biến đổi khí hậu
Trong suốt 10 năm qua, đối với lĩnh vực năng lượng, đặc biệt với lĩnh vực nhiệt điện đã có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên cũng là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất về lượng phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, ngành nhiệt điện được nhận định cũng bị ảnh hưởng lớn trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu như các thay đổi về nhiệt độ không khí và nước sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất phát điện của nhà máy nhiệt điện, nhiệt điện không khí cao hơn sẽ làm giảm hiệu suất phát điện của nhà máy nhiệt điện, nhiệt độ nước tăng có thể gây ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động của các hệ thống làm mát của các nhà máy nhiệt điện.
Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng I và Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng II gồm 04 tổ máy với tổng công suất 1200MW do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (gọi tắt Nhiệt điện Hải Phòng) làm chủ đầu tư là dự án trọng điểm quốc gia, nằm trên địa bàn xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Với sản lượng điện trung bình hàng năm khoảng 7,2 tỉ kWh, Nhà máy đã góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước cũng như đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.
Nhận thức được những tác động của tình hình biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên cấp bách, những năm qua Nhiệt điện Hải Phòng đã chú trọng đưa ra các giải pháp, kế hoạch nhằm chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường sử dụng hợp lý nguyên liệu, tài nguyên đầu vào, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất.
Nhiệt điện Hải Phòng đã phủ xanh 20% diện tích của toàn nhà máy |
Ông Dương Sơn Bá – Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cho biết: Đối với quản lý khí thải, công ty lựa chọn công nghệ tiên tiến để lắp đặt hệ thống lọc bụi và khử lưu huỳnh trong khí thải, đảm bảo việc phát thải ra ngoài theo quy định. Khí thải ống khói luôn được giám sát bởi hệ thống quan trắc tự động, theo dõi liên tục để có biện pháp điều chỉnh kịp thời khi các thông số ô nhiễm có nguy cơ vượt ngưỡng.
Nước thải của Nhà máy bao gồm nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt, hiện được thu gom và xử lý theo một chu trình kín, nước sau xử lý có các thông số đạt yêu cầu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và được tái sử dụng để vận hành hệ thống thải xỉ, đảm bảo không thải ra ngoài môi trường.
Đối với nước làm mát, công ty đã lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động trước khi xả ra nguồn nước tiếp nhận với các thông số lưu lượng, nhiệt độ, Clo dư theo đúng quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Dữ liệu quan trắc tự động nước thải làm mát đã được dẫn truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định. Định kỳ 12 tháng/ 01 lần, công ty thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc tự động, liên tục theo đúng quy định tại Thông tư 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 và Thông tư 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019.
Bên cạnh đó, công tác quản lý chất thải nguy hại được quản lý chặt chẽ và tuân thủ theo các quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại. Cụ thể, chất thải nguy hại của Nhà máy có ít chủng loại nhưng khối lượng phát sinh lớn và thường xuyên do công tác bảo trì, bảo dưỡng thiết bị. Các chất thải nguy hại như giẻ nhiễm dầu, nước nhiễm dầu, sáp mỡ đã qua sử dụng được công ty thu gom và lưu giữ tại kho chất thải nguy hại rồi chuyển giao cho đơn vị xử lý đúng như quy định pháp luật.
Đối với quản lý rác thải sinh hoạt, toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được phân loại ngay tại nguồn phát sinh, sau đó được thu gom và lưu giữ tại khu vực lưu giữ tạm thời chất thải rắn sinh hoạt của công ty trước khi chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định.
Công tác xanh hóa cũng được công ty đăc biệt chú trọng, thực hiện định kỳ hàng năm. Vào các dịp tết hàng năm, công ty đều tổ chức cho CBCNV trồng thêm cây tại các khu vực trong Nhà máy với lượng trồng từ 200-300 cây mỗi năm để tăng diện tích phủ xanh cho Nhà máy.
“Hiện khuôn viên Nhà máy diện tích phủ xanh đã đạt khoảng 12ha (20% diện tích) và trồng cây phi lao làm hàng rào viền ngăn bụi tại khu vực cảng than, kho chứa than và hồ thải xỉ. Công ty đã chủ động phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực đốt than trộn để nghiên cứu ứng dụng vào Nhà máy giúp giảm thiểu khả năng phát thải. Đồng thời, hàng năm Công ty đều cử cán bộ tham gia học tập tại các nước tiên tiến trong lĩnh vực quản lý và vận hành Nhà máy nhiệt điện để chủ động tiếp cận các phương án trong việc chuyển đổi nhiên liệu hướng tới sử dụng nhiên liệu xanh.”- ông Dương Sơn Bá cho hay.
Đặc biệt, để triển khai các giải pháp nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo lộ trình hàng năm đúng với quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ, công ty đã chủ động triển khai đầu tư Dự án cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý khí thải với số vốn đầu tư dự kiến khoảng 2.800 tỷ đồng. Hiện, công ty đang đẩy nhanh công tác lập báo cáo, xin các cấp phê duyệt và sớm đưa vào triển khai thực hiện.