Liên kết với các tàu khai thác hải sản hình thành chuỗi khép kín từ khai thác, chế biến, tiêu thụ là lựa chọn khởi nghiệp của anh Phạm Văn Đồng, xã Nam Thịnh (Tiền Hải). Cách làm này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh và nhiều lao động khác mà còn hình thành những sản phẩm mang thương hiệu vùng biển.
Sản xuất theo chuỗi khép kín giúp anh Đồng (người bên trái) nâng cao hiệu quả kinh tế 40 – 50%.
Huyện Tiền Hải hiện có hơn 500 tàu đánh bắt hải sản, trong đó hơn 140 tàu khai thác trung và xa bờ, sản lượng khai thác đạt gần 23.000 tấn/năm. Nhận thấy lợi thế của địa phương, anh Đồng đã liên kết với các chủ tàu thu mua hải sản cung cấp cho nhà hàng và người dân trong huyện. Tuy nhiên, do bán sản phẩm tươi chưa qua chế biến nên hiệu quả kinh tế không cao, lại bị động trong tiêu thụ. Năm 2015, anh đầu tư nhà xưởng, máy móc, kho lạnh để chế biến, bảo quản, đóng gói thành các sản phẩm tiện lợi phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến cơ bản được đầu tư đồng bộ theo hướng liên hoàn từ khâu bảo quản – sơ chế – chế biến – đóng gói thành phẩm, một số thiết bị được đầu tư theo công nghệ hiện đại, quy hoạch riêng biệt các khu vực: kho nguyên liệu, kho sơ chế, chế biến và kho thành phẩm.
Anh Đồng chia sẻ: Lợi thế của chúng tôi là cơ sở nằm gần cảng cá Cửa Lân, thuận lợi cho việc thu mua, vận chuyển và bảo quản hải sản để giữ được độ tươi ngon nhất. Hiện tại tôi liên kết với khoảng 10 tàu cá, tiêu thụ từ 5 – 10 tấn hải sản/tàu/tháng. Với 7 – 10 lao động làm việc trực tiếp tại xưởng, sản phẩm khai thác về được công nhân khẩn trương phân loại, sơ chế. Một phần hải sản được bán tươi theo đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp, còn lại được cơ sở chế biến. Do được chế biến và bảo quản trong thời gian ngắn nên bảo đảm độ tươi ngon cũng như vệ sinh, an toàn thực phẩm, được thị trường và khách hàng đánh giá cao.
Với đa dạng sản phẩm như chả cá, chả tôm, tép sấy khô, hải sản đông lạnh (đã qua sơ chế)…, mỗi tháng cơ sở của anh Đồng cung cấp ra thị trường 4 – 5 tấn thành phẩm. Trong đó, 4 sản phẩm: chả cá song, chả tôm, nõn tôm biển, tép sấy đã được công nhận và xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022.
Hình thành chuỗi khép kín từ khai thác – thu mua – bảo quản – chế biến bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 40 – 50% so với tiêu thụ tươi. Anh Đồng cho biết: Sản phẩm sản xuất đề cao chỉ tiêu chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngay ở khâu khai thác, chúng tôi đã ký cam kết với các chủ tàu không sử dụng hóa chất cấm trong bảo quản hải sản, đồng thời trong quá trình chế biến không sử dụng phụ gia cấm sử dụng. Nhãn mác sản phẩm bảo đảm theo quy định, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc… Nhờ đó đã tạo được thông tin minh bạch giữa cơ sở sản xuất với người tiêu dùng. Cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ thủy sản.
Là một trong những lao động tại cơ sở, bà Nguyễn Thị Lanh, xã Nam Thịnh cho biết: Cơ sở luôn chú trọng khâu vệ sinh, an toàn thực phẩm nên khi làm việc tại đây tôi cũng như những lao động khác được anh Đồng tập huấn, đào tạo kiến thức về an toàn thực phẩm, công nghệ chế biến thủy sản. Chúng tôi rất phấn khởi khi làm việc tại đây bởi công việc không quá nặng nhọc, lại có thu nhập ổn định 250.000 đồng/ngày.
Khai thác, chế biến hải sản đã trở thành nghề truyền thống của người dân các huyện ven biển. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, chưa xây dựng được thương hiệu được đông đảo người tiêu dùng biết đến. Việc khuyến khích hỗ trợ những mô hình sản xuất khép kín là cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần đưa ngành thủy sản phát triển bền vững.
Mỗi tháng, cơ sở chế biến hải sản của anh Đồng cung cấp ra thị trường từ 4 – 5 tấn thành phẩm.
Lưu Ngần