Bộ Công thương đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024.
Bộ Công thương đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dự Hội nghị tổng kết năm 2024 của Cục Công nghiệp. |
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), đơn vị này cho biết, năm 2024, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, năm qua, Cục Công nghiệp góp sức đáng kể thông qua công tác điều hành, tham mưu, tập trung rà soát, tổ chức triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động mọi nguồn lực cho phát triển công nghiệp, thực hiện các chỉ tiêu của ngành.
Quy mô sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trên diện rộng và liên tục được mở rộng: Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.
Với đà tăng như hiện nay, dự kiến cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng trên 8%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch tăng 7-8%).
Cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo trở lại vai trò động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao.
Công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành và toàn nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao: Trong 11 tháng, chỉ số sản suất ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 chỉ tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Các ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế tiếp tục phát triển như: khai thác, chế biến dầu khí; khai thác, chế biến khoáng sản, điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy…, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Công nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá: “Công nghiệp là một trong những ngành sản xuất vật chất, đóng một vai trò rất quan trọng và quyết định đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ. Hầu hết các địa phương trong cả nước đều có chỉ số phát triển công nghiệp tăng hơn, một số địa phương tăng ở mức 2 con số”.
Nhưng bên cạnh đó, tồn tại, hạn chế của ngành công nghiệp vẫn còn không ít.
Đó là giá trị sản xuất công nghiệp còn thấp hấp, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng giá trị công nghiệp của cả nước, 74,6% giá trị xuất khẩu là từ khu vực FDI, chưa tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự dịch chuyển đầu tư từ các công ty đa quốc gia sang nước thứ ba và cũng chưa tận dụng tối đa được các FTA.
Vẫn thiếu những ngành công nghiệp có tính nền tảng, như: Công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, chế tạo chế biến, điện tử, hóa chất, năng lượng.
“Bằng chứng doanh nghiệp nội chỉ chiếm 24%, còn 76% là doanh nghiệp FDI, một số doanh nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng nhìn chung còn ở khu vực thấp, doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung hay DN Nhật Bản chưa nhiều”, Bộ trưởng nêu.
Công nghiệp hoá chất, hóa chất cơ bản chưa làm chủ được, hầu như phải nhập khẩu. Hay về công nghiệp vật liệu cũng tương tự. Giá trị xuất khẩu hơn 400 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay gần 800 tỷ USD, nhưng xuất siêu mới đạt 23-24 tỷ USD.
Trong năm 2025, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Trong nước, ngành công nghiệp có nhiều cơ hội thị trường hơn từ việc đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài mới cùng những dự án lớn trong các lĩnh vực trọng điểm của quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo mới nhất của Chính phủ hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức cao 8%, Bộ Công thương đề xuất nâng các chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại năm 2025, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10% so với năm 2024.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Diên, tăng trưởng GDP năm sau đặt mục tiêu 8% trở lên, đặc biệt là phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 2 con số, thì ngành công nghiệp phải đạt tăng trưởng 12-13%.
“Năm 2024, công nghiệp tăng trưởng khoảng 8,4% trên nền tăng trưởng giảm thấp của năm 2023. Nhưng sang năm 2025, ngành phải đạt mức tăng trưởng 12-13% trên nền 8,4% của năm nay cộng vào”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng công nghiệp 2 con số, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Tiếp tục hội nhập sâu, có chất lượng vào nền kinh tế thế giới, tham gia sâu một cách tự tin vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Nghiên cứu và đề xuất để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những cơ chế, chính sách có tính đột phá, bắt kịp xu thế phát triển và tốc độ phát triển của thế giới theo hướng xanh, số, tuần hoàn, chia sẻ, bắt được nhịp của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Hình thành và phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, xây dựng củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập, có cơ chế cho doanh nghiệp FDI có lộ trình chuyển giao công nghệ.
Nguồn: https://baodautu.vn/san-xuat-cong-nghiep-nam-2025-nham-moc-tang-truong-9-10-d236341.html