Trở về sau chuyến du lịch Đà Nẵng kéo dài 4 ngày, Phan Hoài Thanh (Ba Đình, Hà Nội) uể oải và mệt mỏi. Để tiết kiệm chi phí máy bay, Thanh và nhóm bạn chọn bay từ Hà Nội tới Đà Nẵng vào tối muộn thứ Tư và trở về vào lúc nửa đêm Chủ nhật.
“Vào thứ Tư, nhóm mình vẫn đi làm bình thường và chờ sau giờ tắc đường mới ra sân bay. Khi mình đến sân bay Đà Nẵng cũng đã 0h. Cả nhóm đặt một nhà nghỉ bình dân để nghỉ ngơi, dự định sáng hôm sau dậy sớm đi ngắm biển, uống cà phê trước khi chuyển qua resort đã đặt trước. Nhưng thực tế, do cả ngày đi làm, cộng thêm di chuyển đêm, cả nhóm ngủ tới gần trưa”, Thanh cho biết.
Đến ngày cuối của chuyến đi, theo quy định, nhóm phải trả phòng từ 12h. Có nhiều hành lý và quà lưu niệm, nhóm du khách tiếp tục phải thuê nhà nghỉ… để gửi đồ, sau đó mới bắt taxi đi ăn trưa, mua sắm, uống cà phê, ăn tối trước khi rời Đà Nẵng.
“22h, nhóm mình ra sân bay, ngồi vạ vật chờ đợi. Lúc này ai cũng thấm mệt. Cả nhóm tính toán, vé bay đêm rẻ hơn 800.000 đồng/người/khứ hồi nhưng phát sinh tiền thuê nhà nghỉ qua đêm, thuê nhà nghỉ để cất đồ, chi phí di chuyển… và đặc biệt là cảm giác chờ đợi mệt mỏi. Mình về tới Hà Nội chỉ kịp chợp mắt 2 tiếng rồi lại tới công ty làm việc. Mình thấy ân hận khi ham bay rẻ, khiến chuyến du lịch để giải tỏa trở nên mệt mỏi hơn”, Thanh cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thơ, một đại lý bán vé máy bay tại Hà Nội cho biết, mùa cao điểm hè, rất nhiều nhóm khách hỏi chị thông tin về giá vé máy bay chuyến đêm từ Hà Nội đi TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt. Chị Thơ tìm kiếm các chuyến bay giá giảm sâu vào đêm muộn hay sáng sớm cho du khách, nhưng cũng chủ động đưa ra lời khuyên về những bất tiện khách có thể gặp phải.
“Với gia đình có người cao tuổi và trẻ em, tôi thật lòng không muốn tư vấn vé bay đêm. Trước đó, nhiều khách đã than phiền, đi du lịch mà bay đêm quá mất sức, đồng thời tốn chi phí. Chưa kể nhiều chuyến bay còn muộn giờ, trì hoãn, ông bà thì mệt mỏi, các cháu thì quấy khóc. Du lịch mà vất vả như vậy, chuyến đi không còn vui nữa”, chị Thơ cho hay.
Theo chị Thơ, vé máy bay đêm chủ yếu phục vụ khách lẻ, nhất là khách trẻ tuổi để tiết kiệm chi phí hoặc họ có nhiều thời gian cho kỳ nghỉ.
Thực tế theo khảo sát, giá vé máy bay khứ hồi ban đêm từ ngày 27 – 30/6 chênh lệch 20-40% so với các chuyến bay ban ngày, nhưng nhiều chặng còn rất ít chỗ trống. Ví dụ, chặng Hà Nội – TPHCM, giá vé của Vietjet là 3 triệu đồng/khứ hồi cho các chuyến bay từ 22h45 đến 1h20 sáng hôm sau, rẻ hơn khoảng 400.000 đồng so với các chuyến bay trong ngày. Chặng Hà Nội – Đà Nẵng, bay đêm của Vietnam Airlines có chi phí khoảng 2,8 triệu đồng/khách (đi lúc 20h và về lúc 0h30 – 1h30), chênh lệch khoảng 800.000 đồng so với chuyến bay trong ngày.
Theo nhiều doanh nghiệp lữ hành, chuyến bay đêm thể hiện nỗ lực của ngành hàng không nhưng không phải là giải pháp toàn diện, hỗ trợ cho ngành du lịch. Bay đêm các chuyến nội địa hiện không phải lựa chọn được lòng số đông du khách.
Số liệu thống kê của BestPrice cho thấy: Trong mùa cao điểm hè, khách hàng có sự quan tâm và đặt các chuyến bay đêm nhưng mức độ gia tăng không nhiều. “Đây thường chỉ được xem là phương án phụ, giúp khách hàng có thêm lựa chọn, chứ không được khách ưa chuộng do phát sinh nhiều chi phí như ăn uống, di chuyển ban đêm hoặc việc đảm bảo an toàn. Các chuyến bay đêm hoàn toàn không tạo ra xu hướng hay tính đột phá”, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price cho biết.
Vị đại diện này cho rằng, chuyến bay đêm giá rẻ chỉ hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hãng bay và khách sạn, công ty lữ hành để xây dựng sản phẩm bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên, nhưng không tạo ra sự bất tiện cho khách.
“Hiện nay có một số khách sạn áp dụng chính sách nhận, trả phòng linh hoạt theo nguyên tắc khách hàng lưu trú 24h sẽ tính là một ngày. Hoặc nếu khách nhận phòng vào ban đêm thì chỉ tính 1/2 chi phí. Tuy nhiên, số lượng khách sạn áp dụng điều này chưa nhiều và không dễ để thực hiện, do phía khách sạn cũng phải gánh chi phí nhân viên”, ông Tú cho biết.
Bà Lưu Thị Thu, Phó giám đốc Hoàng Việt Travel cho biết, đơn vị này không làm tour nội địa hè với đường bay đêm, trừ khi có đoàn khách yêu cầu riêng. Bà Thu cho hay, chuyến du lịch là thời gian để du khách nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng nhưng việc bay đêm lại khiến họ mệt mỏi vì ảnh hưởng giấc ngủ, không đảm bảo sức khỏe cho việc trải nghiệm. Trong khi đó, 80% sản phẩm nội địa hè là phục vụ nhóm khách gia đình, tức là bao gồm cả người già, trẻ em. Nhóm khách hàng khối cơ quan, doanh nghiệp cũng không phù hợp với việc bay đêm.
Theo bà Thu, mức giảm khoảng 400.000 đồng/chiều nếu bay đêm không đáng kể so với chi phí thuê khách sạn, phương tiện di chuyển, ăn uống. Nhiều điểm đến chưa đáp ứng về hạ tầng giao thông công cộng để di chuyển vào ban đêm.
“Việc khai thác các chuyến bay đêm sẽ khả thi hơn nếu có sự chung tay từ các đơn vị kinh doanh lưu trú, như kích cầu giảm giá đêm đầu tiên cho các đoàn bay đêm hay giảm giá vé tham quan với khách du lịch bay đêm”, bà Thu nêu ý kiến.
Theo ông Tú, trên thực tế, tỉ lệ khách chấp nhận bay đêm khi du lịch nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… đông hơn. Các đơn vị lữ hành cũng ưu tiên sắp xếp lịch trình bay đêm cho các tour xuất ngoại.
Nguyên nhân là một số hành trình nước ngoài có thời gian bay dài trên 4 tiếng, giúp du khách tiết kiệm được một đêm ngủ khách sạn, giảm chi phí giá thành tour, đồng thời hạ cánh xuống sân bay xong có thể bắt đầu lịch trình tham quan ngay. Bay đêm được xem là phương án tiết kiệm, tối ưu hóa lịch trình với tour nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia có du lịch đêm rất phát triển. Du khách tới vào đêm vẫn dễ dàng tìm phương tiện công cộng, khách sạn, đến các điểm vui chơi, giải trí, ăn uống…
Nguồn: https://vietnamnet.vn/san-ve-bay-noi-dia-chuyen-dem-du-khach-ngoi-that-theu-giua-san-bay-an-han-2294983.html