– Bão số 1 (tên quốc tế là TALIM) đang tiến vào đất liền nước ta với cường độ mạnh tác động đến địa bàn tỉnh ta. Trước diễn biến phức tạp của bão số 1, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp để phòng, chống bão cũng như mưa lũ sau bão.
Lãnh đạo UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành tham dự cuộc họp về ứng phó với bão số 1
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn Lạng Sơn, chiều 15/7/2023, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão. Đến 16 giờ ngày 17/7/2023, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 400 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133 km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo từ gần sáng ngày 18/7, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Từ đêm 17/7 đến ngày 19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Trong 24-48 giờ tới, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 nên từ đêm 17/7 đến ngày 19/7, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm, gió mạnh dần lên cấp 5-6, giật cấp 8. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 1 cũng như dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến Lạng Sơn, ngày 16/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện số 01 về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 1 năm 2023. Tiếp đó, ngày 17/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục ban hành công điện số 02 về việc tập trung ứng phó cơ bão số 1.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão.
Người lao động tại Hợp tác xã nông nghiệp Phai Sen, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình kiểm tra, gia cố lồng bè nuôi cá
Cùng với ban hành công điện chỉ đạo ứng phó với bão số 1, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sẵn sàng lực lượng, phương tiện sẵn sàng chống bão.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh dự kiến huy động trên 38.000 người gồm quân đội, công an, biên phòng, lực lượng xung kích cùng các lực lượng từ tỉnh đến cơ sở để tham gia chống bão; huy động, bố trí 92 chiếc xuồng, thuyền máy các loại; 341 nhà bạt; 37 máy phát điện; 24 máy bơm; 22 cưa máy; 8000 phao tròn cứu sinh; 7500 áo phao; 97 phao bè cứu sinh…
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn TKCN tỉnh cho biết: Cùng với tập trung chỉ đạo, sẵn sàng nhân lực, phương tiện tham gia ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão, sáng ngày 17/7/2023, lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đã tham dự cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. Qua đó nắm bắt thêm chỉ đạo, thông tin, diễn biến cơn bão số 1, từ đó nhanh chóng đưa ra chỉ đạo cụ thể phòng, chống bão cũng như mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh.
Cũng trong ngày 17/7, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã trực tiếp kiểm tra công tác vận hành hồ Bản Lải, hồ chứa nước có dung tích lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố nhanh chóng ban hành văn bản, trực tiếp tổ chức kiểm tra, chỉ đạo ứng phó với bão số 1 cũng như mưa lũ sau bão.
Ông Hoàng Văn Chiều, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Cùng với nhanh chóng ban hành công điện, lãnh đạo UBND huyện đã kiểm tra tại các địa điểm xung yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi mưa bão để kịp thời đưa ra các phương án phòng, chống bão, mưa lũ sau bão một cách hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa, bão gây ra. Đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn bàn đã bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão số 1; đến chiều nay 17/7, các cấp, ngành trên địa bàn huyện đã rà soát tất cả các địa bàn xung yếu, sạt lở nguy hiểm để có cảnh báo cũng như có phương án di dời khi có tình huống xấu xảy ra…
Lãnh đạo UBND huyện Lộc Bình kiểm tra công tác ứng phó bão số 1 tại xã Tú Đoạn
Tương tự Lộc Bình, ngay trong ngày 17/7, UBND huyện Đình Lập, một trong những địa bàn dự báo chịu ảnh hưởng lớn của bão số 1 cũng chủ động trong công tác ứng phó bão số 1 như: UBND huyện tổ chức họp với lãnh đạo các xã triển khai công tác ứng phó; thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại một số địa bàn, công trình xây dựng; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn triển khai các biện pháp ứng phó mưa bão.
Ông Hoàng Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập cho biết: Để ứng phó với bão số 1, UBND xã đã tổ chức phân công cán bộ trực 24/24h; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện phục vụ chống bão; chủ động thông báo đến người dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân nắm bắt thông tin, diễn biến cơn bão và có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Ông Vi Văn Hà, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Bản Hả, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập (thôn giáp ranh địa bàn tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Ngay khi có thông tin về cơn bão, UBND xã đã thông báo tới thôn để bà con Nhân dân nắm bắt. Đến thời điểm này, các hộ dân trong thôn đã kiểm tra, rà soát, gia cố công trình nhà ở, công trình phụ trợ, đồng thời chủ động di dời ra khỏi khu vực khe suối, khu vực dễ sạt lở đất để đảm bảo an toàn khi cơn bão đang đến rất gần.
Cùng với 2 huyện kể trên, đến thời điểm này, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng các biện pháp để ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão. Hy vọng rằng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, sự chủ động của người dân, việc ứng phó với bão số 1 và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.
Để đảm bảo an toàn trong mưa bão, người dân không chơi đùa, bơi lội hoặc đi lại trong nước lũ; không vớt củi, đồ vật trôi trên sông trong nước lũ; không đi vào khu vực nguy hiểm, khu vực có biển cảnh báo; chủ động di dời người, tài sản ra khỏi những khu vực ven sông, suối, khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở cao… |