NDO – Ngày 7/11, tại Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Dư nợ cho vay lúa gạo đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh: Lúa gạo là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển sản xuất kinh doanh nói chung và trong sản xuất lúa chất lượng cao nói riêng.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị. |
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, hằng năm, Ngân hàng Nhà nước Trung ương và các chi nhánh tại địa phương đều tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp và các Hội nghị chuyên đề về tín dụng đối với ngành nông sản chủ lực và lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cho vay, mở rộng hạn mức tín dụng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay… để đáp ứng vốn từ khâu sản xuất (phân bón, giống, vật tư…) đến khâu chế biến, thu mua, tiêu thụ nông sản và lúa gạo; qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quan hệ tín dụng cho hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2024, huy động trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 857 nghìn tỷ đồng (đáp ứng 72% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn), tăng 6,1% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của vùng đạt khoảng 643 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với 2023, chiếm 54% tổng dư nợ trên địa bàn.
Riêng đối với ngành lúa gạo – là thế mạnh của vùng luôn có mức tăng trưởng tín dụng cao, hiện đạt khoảng 124 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 11% dư nợ tín dụng vùng và chiếm 53% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc.
Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình chia sẻ ý kiến tại Hội nghị. |
Là ngân hàng thương mại duy nhất 100% vốn Nhà nước, Agribank luôn giữ vai trò chủ lực trong đầu tư và phát triển “tam nông” với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân chiếm hơn 60% tổng dư nợ của Agribank.
Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Agribank Phùng Thị Bình thông tin: Đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt khoảng 1,67 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 1,03 triệu tỷ đồng, tăng 6,65% so với đầu năm, chiếm khoảng 62% tổng dư nợ.
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt khoảng 262 nghìn tỷ đồng, dư nợ nông nghiệp nông thôn đạt hơn 214 nghìn tỷ đồng, chiếm tới gần 82% tổng dư nợ. Trong đó, lúa gạo là sản phẩm chủ lực với dư nợ gần 33 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12,5% tổng dư nợ, khoảng 15,2% dư nợ nông nghiệp nông thôn tại vùng. “Tỷ trọng này cao hơn nhiều so với các khu vực khác”, bà Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước tham gia triển khai tích cực các cơ chế chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn thời gian qua và gần đây nhất là đẩy mạnh chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án. Với cơ chế chính sách hỗ trợ của ngành Ngân hàng vào sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn tại địa phương phát triển, đời sống người dân có chuyển biến, 100% xã hoàn thành nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo nhanh,…
Tín dụng hỗ trợ chuỗi liên kết
Đối với nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước tại Đề án “Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp; thời gian triển khai từ 2025-2030”, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương phối hợp các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và đơn vị liên quan xây dựng và có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg.
Ngày 11/10, Ngân hàng Nhà nước đã có các văn bản gửi các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn triển khai Chương trình; văn bản gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long về phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ của bộ, địa phương để các tổ chức tín dụng có cơ sở thực hiện cho vay theo Chương trình.
Thông tin thêm về một số nội dung chính của Chương trình cho vay, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết: căn cứ theo 2 giai đoạn triển khai Đề án theo Quyết định 1490, Chương trình cho vay cũng được thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn thí điểm từ nay tới cuối năm 2025 do Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay và giai đoạn mở rộng từ khi kết thúc thí điểm tới năm 2030 tại các tổ chức tín dụng.
Bà Hà Thu Giang thông tin nội dung Chương trình tín dụng ưu đãi. |
Hiện nay, căn cứ vào nội dung khung Chương trình cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai thí điểm cho vay. Để triển khai Quyết định 1490/QĐ-TTg, Agribank và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ký kết Bản ghi nhớ để cung cấp các sản phẩm dịch vụ của Agribank cho các đối tượng phù hợp với mục tiêu của Đề án, bao gồm dịch vụ tiền gửi, dịch vụ tiền vay và dịch vụ tài chính.
“Agribank đang xây dựng sản phẩm cho vay khép kín tới tất cả đối tượng tham gia chương trình 1 triệu héc-ta lúa, từ hộ gia đình, cá nhân trồng lúa đến các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đầu vào, đơn vị chế biến xuất khẩu. Sau Hội nghị ngày hôm nay, Agribank sẽ tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu”, bà Phùng Thị Bình cho hay.
Cũng theo bà Hà Thu Giang, ngoài Agribank, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích các tổ chức tín dụng khác đăng ký cho vay trong giai đoạn thí điểm và đề nghị các ngân hàng sẵn sàng văn bản hướng dẫn để triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng thực hiện.
Để triển khai Chương trình cho vay đạt hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước đề xuất: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần kịp thời tổng hợp, công bố chung các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo quy định tại Quyết định 1490/QĐ-TTg để các tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.
Ủy ban nhân dân 12 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xác định, lập danh sách và công bố vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn theo Quyết định 1490/QĐ-TTg theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và công bố chung để tổ chức tín dụng tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay; kịp thời thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những trường hợp chủ thể không còn tham gia liên kết lúa gạo…
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng với sự quyết tâm, triển khai đồng bộ của bộ, ngành, địa phương và của các tổ chức tín dụng, trong đó chủ lực cho vay Chương trình trong giai đoạn thí điểm là Agribank, việc triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu ngành hàng lúa gạo, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và nâng cao vị thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Nguồn: https://nhandan.vn/san-sang-nguon-von-uu-dai-thuc-hien-de-an-1-trieu-hec-ta-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-post843552.html