Dành sẵn đất chỉ mong làm đường sớm
Chúng tôi tìm về các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai. Đây là những địa phương sắp có dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đi qua. Cao tốc này là một đoạn của dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với Tây Nguyên.
Tại huyện Thống Nhất, tuyến cao tốc có điểm đầu giáp với QL1, kết nối với điểm cuối của cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đoạn tuyến cao tốc ngang qua địa phương nằm ở khu vực nương rẫy chuyên trồng điều, chôm chôm, bơ. Nhưng đến nay địa phương đã tuyên truyền, lấy ý kiến bà con nông dân về việc nhường đất làm cao tốc. Đa số bà con đều đồng thuận, dành sẵn đất.
Đang có mặt ở rẫy điều, bà Nguyễn Thị Kính (ấp Lê Lợi, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất), cho biết rẫy điều nhà bà rộng 1,3ha, theo quy hoạch sẽ mất 1,2ha để làm đường cao tốc, phần còn lại làm đường dân sinh nên xem như mất hết vườn. “Nhưng vì là dự án lớn của quốc gia, mang lại lợi ích chung nên chúng tôi đã sẵn sàng dành phần đất trên cho cao tốc. Chỉ mong bồi thường, hỗ trợ đủ giúp bà con ổn định đời sống, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp”, bà Kính nói.
Tương tự, ông Phạm Đăng Liêm (ngụ huyện Thống Nhất) cho biết, bà con đã dành sẵn đất cho dự án cao tốc.
“Nếu triển khai thì cần làm nhanh, làm sớm để người dân bị thu hồi có tiền mua đất đai vị trí khác canh tác”, ông Liêm kiến nghị.
Giữ đất, giữ mỏ vật liệu cho cao tốc
Thông tin với Báo Giao thông, ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, cho biết cao tốc Dầu Giây – Tân Phú đoạn qua huyện dài hơn 15km, đi ngang các xã Bàu Hàm 2, Quang Trung, Xuân Thiện.
Hiện nay, tuyến đường đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông của huyện. UBND huyện đã đóng góp ý kiến với Sở GTVT Đồng Nai, đơn vị tư vấn thiết kế các điểm vượt, điểm đấu nối, hầm chui. Các bên cũng thống nhất những nội dung này, mọi thứ đều trùng khớp với quy hoạch, không có trở ngại hay vướng mắc gì.
Địa phương còn quy hoạch một số vị trí mỏ đất, đá, trong đó có một đồi rộng 80ha để lấy đất phục vụ cao tốc và đã được phê duyệt. Khi dự án cao tốc khởi động, đơn vị liên quan chỉ cần làm các thủ tục khai thác, lập quy trình là có thể khai thác ngay.
“Chúng tôi đã sẵn sàng, khi dự án được triển khai sẽ bắt tay ngay vào giải phóng mặt bằng, chủ động cắm mốc, kiểm đếm để bồi thường cho người dân… vì đã có những chuẩn bị từ ban đầu”, ông Hiền cho hay.
Tại huyện Định Quán, tuyến cao tốc được xây dựng nằm khá xa QL20 và các tuyến giao thông hiện hữu. Vị trí làm cao tốc chủ yếu đi qua nương, rẫy. Ông Trần Nam Biên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, cao tốc sẽ đi qua xã Suối Nho, Phú Ngọc và Gia Canh với chiều dài 25km. Gần 200 hộ dân có đất nằm trong quy hoạch dự án.
“Địa phương chủ động giữ đất, theo dõi quản lý đất đai khu vực quy hoạch cao tốc, ngăn chặn xây dựng trái phép… Khi dự án triển khai, có đầy đủ hồ sơ, thủ tục, địa phương sẽ bắt tay làm ngay các công việc thuộc thẩm quyền”, ông Biên nói.
Tại huyện Tân Phú, nơi giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tuyến cao tốc sẽ chạy qua các khu vực đất ở, đất trồng cây lâu năm và cả đất rừng. Do đó để làm dự án sẽ có nhiều người dân chịu ảnh hưởng về nhà ở lẫn đất canh tác, sản xuất. Các thủ tục chuyển đổi đất rừng cũng mất nhiều thời gian.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Phạm Duy Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết, đã quy hoạch mỏ đất đắp nằm trên hai địa bàn huyện Tân Phú, Định Quán phục vụ cao tốc qua địa bàn.
Tỉnh Đồng Nai cũng đã thực hiện các thủ tục chuyển đổi 40ha đất rừng sang đất giao thông đối với cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc.
Theo Ban QLDA Thăng Long, dự kiến công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú sẽ hoàn tất vào tháng 12/2024. Điều lo lắng của đại diện chủ đầu tư là công tác GPMB và nguồn vật liệu.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các huyện nhanh chóng tổng hợp số liệu về mặt bằng gửi Sở Kế hoạch – Đầu tư trước ngày 12/9 để tỉnh phê duyệt tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau đó phân chia nhiệm vụ, triển khai những công việc tiếp theo trước 12/10.
“Chúng tôi đề nghị Ban QLDA sớm giao bản đồ mốc giới giải phóng mặt bằng của dự án cho các địa phương để thuận lợi triển khai các công việc tiếp theo. Còn các huyện rà soát các quy hoạch liên quan để đảm bảo phù hợp trong triển khai dự án. Tăng cường công tác quản lý xây dựng để tránh tình trạng xây dựng trái phép trong khu vực dự án”, bà Hoàng nói.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài hơn 60km trải dài qua 4 huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú hình thức đầu tư đối tác công tư PPP.
Điểm đầu dự án tại Km 0+000 tại nút giao với quốc lộ 1, kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Điểm cuối tại Km 60+243,83, giao với quốc lộ 20, kết nối với cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (xã Phú Trung, huyện Tân Phú, Đồng Nai). Tổng mức đầu tư dự án gần 9.000 tỷ đồng.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú khi hoàn chỉnh có 4 làn xe cao tốc với mặt cắt ngang tối đa 24,75m, vận tốc thiết kế tối đa 100km/h, có làn dừng khẩn cấp.
Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai một lần theo quy mô hoàn chỉnh, với tổng diện tích đất khoảng 378ha.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/san-sang-mat-bang-vat-lieu-cho-cao-toc-dau-giay-tan-phu-192240822140711256.htm