Thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế đến đầu tư; kết nối và thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững… là những mục tiêu chính mà Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024” (VGMF2024) tổ chức ngày 26/3 đặt ra.
Thuận lợi từ chính sách
Sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới về thu hút FDI và đặc biệt là đối với ngành điện tử, bán dẫn đang rất khốc liệt vì các quốc gia đều thấy lợi ích, tiềm năng và quy mô của ngành này là rất lớn. Nước nào nhanh nhạy, có những chính sách phù hợp, quyết liệt thì sẽ làm chủ và tranh thủ được làn sóng mới này. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, chủ đề của Diễn đàn được các cơ quan và doanh nghiệp rất quan tâm tại thời điểm hiện nay. Việt Nam đang định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có tính lan tỏa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Theo đó ưu tiên các dự án như công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, trung tâm tài chính quốc tế, thương mại dịch vụ hiện đại, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nghiên cứu và phát triển…
Diễn đàn “Chuỗi sản xuất thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024” |
Trong đó, lĩnh vực sản xuất điện tử, chíp bán dẫn, sản xuất thông minh hiện là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và đang được Chính phủ, các bộ ngành rất quan tâm. Chính phủ đã giao các bộ ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nhiều công việc, thể hiện sự sẵn sàng và mong muốn đón nhận làn sóng đầu tư mới trong ngành này tại Việt Nam.
“Chúng tôi cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử, bán dẫn đầu tư kinh doanh hiệu quả, lâu dài và bền vững tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh tại Diễn đàn. |
Đặc biệt, các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư tại các địa phương đã được đảm bảo sẵn sàng. Về hạ tầng đất đai, các địa phương đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, hình thành các mặt bằng sạch để có thể cung cấp cho các doanh nghiệp điện tử, bán dẫn. Cùng với đó, hạ tầng giao thông chiến lược kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, sân bay cũng đang được tăng cường. Ngoài ra, các địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng các vấn đề về công nghệ thông tin, điện, nước, hạ tầng xã hội cho công nhân trong ngành bán dẫn.
“Như vậy, các yếu tố như hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, cơ chế chính sách, nghiên cứu phát triển, chiến lược và đặc biệt là nguồn nhân lực đều thể hiện rằng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là rất đúng đắn, kịp thời để chúng ta có thể làm chủ và sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong ngành điện tử, bán dẫn toàn cầu”, ông Đông thông tin.
Sẵn sàng từ địa phương
Với các nhà đầu tư FDI nói chung, trong chuỗi ngành điện tử, bán dẫn nói riêng, khi tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam bên cạnh yếu tố chính sách thì điều mà họ quan tâm hơn cả là tại các địa bàn mà họ thấy phù hợp và muốn có “tấc đất cắm dùi” cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đã có sự sẵn sàng đến đâu về đất đai, hạ tầng thiết yếu, nguồn nhân lực…
Sự quan tâm ấy phần nào đã được giải đáp tại Diễn đàn lần này, khi đại diện các địa phương trong chia sẻ đều cho thấy sự sẵn sàng cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Đơn cử là Nghệ An – tỉnh 3 năm trở lại đây đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư FDI. Năm 2023, Nghệ An xếp thứ 8 trong các địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, với hệ sinh thái trên 30 dự án sản xuất sản phẩm điện tử, sản xuất linh kiện quang học, quang điện… với sự tham gia của các nhà sản xuất cung ứng toàn cầu như: Luxshare, Goertek, Foxconn… và đang góp phần đưa Nghệ An thành trung tâm sản xuất thiết bị linh kiện điện tử, năng lượng xanh của cả nước.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, có được thành quả này là nhờ trong những năm qua, tỉnh đã chuẩn bị sẵn điều kiện cần thiết để đón nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI. “Phương châm kiên định, kiên trì “5 sẵn sàng” gồm: Sẵn sàng về quy hoạch; Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; Sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu; Sẵn sàng về nguồn nhân lực; Sẵn sàng đổi mới cải cách hành chính và hỗ trợ nhà đầu tư, đưa Nghệ An trở thành điểm đến, được các nhà đầu tư đánh giá “Thuận lợi – Tin cậy – Hiệu quả”, ông Hải cho biết.
Và tất nhiên, theo ông Hải, tất cả các yếu tố “sẵn sàng” này không phải làm một lần là xong mà diễn ra liên tục. Ví dụ, trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 mà địa phương đang tập trung triển khai, Khu kinh tế Đông Nam sẽ mở rộng trên 106.000 ha, trong đó quỹ đất khu công nghiệp khoảng 14.117ha – tức gấp 3 lần so với quỹ đất khu công nghiệp hiện nay. Tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB, xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hiện có (khoảng 790ha), phát triển mới khoảng 2.000ha khu công nghiệp đến năm 2025 để đáp ứng quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ, đáp yêu cầu về bảo vệ môi trường để thu hút đầu tư.
Sự sẵn sàng và thuận lợi của điểm đến đầu tư cũng là điều mà các nhà đầu tư mong muốn và sẽ tiếp tục có sự tìm hiểu cụ thể hơn để đưa ra các quyết định đầu tư trong thời gian tới. Ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc Heesung Electronics Việt Nam (công ty này chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018) chia sẻ, ông là người đứng đầu dự án Heesung
Electronics và ban đầu phải mất hơn một năm để chọn quốc gia. “Vào thời điểm đó, chúng tôi so sánh về quy mô dân số, chính sách của Chính phủ, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng… và thấy rằng Việt Nam chính là nơi lý tưởng”, ông Ko Tae Yeon “ôn” về quá khứ và trở lại hiện tại: “Tôi biết rằng nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác hiện cũng đang thực hiện các phân tích nghiên cứu khả thi tương tự như vậy”.
Tuy nhiên ông Ko Tae Yeon cũng thẳng thắn chia sẻ, các chính sách ưu đãi vẫn chưa thực sự hấp dẫn. “Chính phủ nên xem xét vấn đề này, đặc biệt trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu”, ông nói và bổ sung thêm rằng, các kế hoạch hành động triển khai cụ thể về đào tạo nhân lực, cải cách chính sách, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… cũng cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa.
TS. Lê Minh Nghĩa – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) cho biết, việc tổ chức VGMF2024 có ý nghĩa rất lớn nhằm thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế đến đầu tư; kết nối và thúc đẩy Việt Nam vào chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ đổi mới và quản lý hiệu quả để nâng cao sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng tại Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững; xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và cùng có lợi…