Năm diễn đàn tại Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM lần IX hôm 4-11 tạo cơ hội để tuổi trẻ TP mang tên Bác bày tỏ quan điểm trước nhiều câu chuyện không chỉ là thời sự của người trẻ, mà còn là vấn đề chung của xã hội.
Các chủ đề được thảo luận tại đại hội gồm: Thanh niên TP khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo; Thanh niên TP thực hiện chương trình “Môi trường xanh – Nếp sống xanh”; Tự hào trang sử Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM và phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”; Đồng hành cùng thanh niên yếu thế và Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động tình nguyện.
Cầu thủ HUỲNH NHƯ (đội trưởng tuyển bóng đá nữ Việt Nam)
Tình yêu nước trong mỗi người
Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (Bệnh viện Quân y 175) nói mỗi người sẽ có cách yêu nước riêng song không nhất thiết phải ra nước ngoài mới có thể giới thiệu về đất nước với bạn bè quốc tế. Theo chị Thanh, từng bài đăng trên các trang mạng xã hội đều có thể là cách để mỗi bạn trẻ giới thiệu hình ảnh, văn hóa đất nước với thế giới. Nhưng để thể hiện tình yêu nước ấy, theo chị Thanh, cần phải khỏe trước đã vì “có khỏe mới bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”.
Chia sẻ cảm xúc từ chuyến đi khắc phục hậu quả cơn bão số 3 Yagi tại phía Bắc vừa rồi, ca sĩ Phương Mỹ Chi tự nhận mình đã vượt qua lo lắng và nhận ra bài học về lòng dũng cảm là điều bạn trẻ nào cũng cần phải có. “Mình lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ từ chính mỗi tác phẩm âm nhạc của mình. Tình yêu nước luôn có trong mỗi người và mỗi bạn trẻ hãy hành động cùng chia sẻ với đồng bào mình” – ca sĩ Phương Mỹ Chi nói.
Các ý kiến đều cho rằng đừng nghĩ điều gì quá to lớn, chỉ cần mỗi người hoàn thành thật tốt công việc hằng ngày từ vị trí công tác của mình đã là góp phần phát triển TP, đất nước và đang thể hiện lòng yêu nước theo cách của mình. Như vận động viên bơi lội Ánh Viên nói lần đầu bước ra thi đấu, bạn chỉ đoạt huy chương bạc nên quyết tâm phải đoạt huy chương vàng để “bắt” bạn bè các nước phải lắng nghe quốc ca và chào cờ Việt Nam.
“Trở lại, mình đã không chỉ “bắt” vận động viên các nước chào cờ Việt Nam một lần mà đến ba lần như thế khi mình bước lên bục nhận huy chương cao nhất” – Ánh Viên chia sẻ.
Khát vọng cống hiến, dấn thân Tinh thần
Tinh thần này được chia sẻ tại diễn đàn về khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo. Anh Trương Minh Đạt – đồng sáng lập và giám đốc điều hành Công ty cổ phần BenKon – nói mình khởi nghiệp xuất phát từ động lực “thanh niên phải dấn thân cũng là cơ hội đóng góp cho sự phát triển của đất nước”. Quá trình khởi nghiệp có không ít khó khăn nên anh Đạt cho rằng Hội cần hỗ trợ thanh niên trang bị kỹ năng, kiến thức chuyên môn trong quá trình khởi nghiệp.
Chị Trần Phương Ngọc Thảo – phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP – cho rằng người trẻ phải nghĩ vươn ra thế giới. “Câu chuyện phát triển doanh nghiệp bền vững là xu thế mới mà khi thanh niên khởi nghiệp phải nắm bắt những cái mới này. Hội Doanh nhân trẻ TP sẽ có các hoạt động để những bạn quan tâm đầu tư cho phát triển bền vững” – chị Thảo cho hay.
Trong khi đó, cùng bàn việc thực hiện chương trình “Môi trường xanh – Nếp sống xanh”, chị Trương Thanh Thúy (giám đốc dự án của PRO Việt Nam) chia sẻ con số khoảng 64.000 tấn rác thải mà PRO Việt Nam đã thu gom và tái chế. Trong đó có nhóm bao bì có giá trị nhưng cũng có nhóm giá trị thấp mà quá trình tái chế đều có những vấn đề tồn tại.
Chị Ngô Nguyễn Ngọc Thanh – phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) – cho rằng người trẻ có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững là khái niệm ngày càng phổ biến hiện nay. “Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Đó không chỉ là thước đo mà là định hướng cho mỗi quốc gia, TP và cá nhân hình thành nếp sống thân thiện với môi trường” – chị Thanh nói.
Vì vậy, mỗi bạn trẻ cần tự trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Cần tư duy phản biện để nhìn nhận đúng và không quá bi quan về các vấn đề môi trường. Đồng thời phải hành động để không chỉ bảo vệ môi trường trong cuộc sống hằng ngày mà để phát huy vai trò tiên phong của người trẻ, ứng dụng thế mạnh mạng xã hội để tuyên truyền, thực hiện vai trò giám sát công tác bảo vệ môi trường, phản ánh các hành vi chưa đúng để cơ quan chức năng kịp thời giải quyết.
Điểm đến của người yếu thế
Chị Nguyễn Thị Bích Hằng (quận Bình Thạnh) nói cần thay đổi suy nghĩ của cộng đồng về người khuyết tật vì đó chỉ là khiếm khuyết, bất tiện nhỏ chứ không là bất hạnh. Vì người yếu thế, nhất là người trẻ khuyết tật vẫn còn khó khi tiếp cận cơ hội việc làm nên chị Hằng mong Hội phải là điểm đến lý tưởng để người yếu thế tìm đến, chia sẻ nguyện vọng về nghề nghiệp.
Anh Lê Văn Phúc – phó trưởng ban thường trực Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực miền Nam – nói cần mô hình sinh kế có chiều sâu, hiệu quả mà quan trọng nhất phải là xây dựng mô hình và đi theo xuyên suốt mô hình đó. Phải đảm bảo rằng từ hỗ trợ mô hình sinh kế, con giống, cây giống, các đơn vị quan sát, hỗ trợ và hướng dẫn sao cho sinh kế đó phát triển tốt, tạo lợi nhuận và nguồn thu.
Tình nguyện gắn với chuyên môn
Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động tình nguyện là chủ đề nhận được nhiều quan tâm. Theo đó, cần tạo hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ các hoạt động tình nguyện và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên, người dân có nhu cầu tình nguyện, thiện nguyện. Cạnh đó, chú trọng các hoạt động tình nguyện gắn với chuyên môn của thanh niên, đặc thù của đơn vị tổ chức hoạt động tình nguyện.
Nguồn: https://tuoitre.vn/san-sang-dang-hien-khi-to-quoc-can-20241104234931374.htm