Sản phẩm OCOP vươn xa trên nền tảng số

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, việc đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), khai thác hiệu quả các nền tảng trực tuyến để quảng bá và kinh doanh đang trở thành giải pháp tối ưu.

Báo Vĩnh LongBáo Vĩnh Long07/02/2025

Theo đó, việc tăng cường quảng bá, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT không chỉ giúp các doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP tiếp cận người tiêu dùng (NTD) nhanh chóng, mà còn mở rộng thị trường, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, thúc đẩy phát triển bền vững cho sản phẩm địa phương.


Phương thức quảng bá sản phẩm nhanh, hiệu quả


Xác định quảng bá sản phẩm trên nền tảng số là phương thức nhanh, hiệu quả để đưa sản phẩm đến gần hơn với NTD. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất, đặc biệt là các chủ thể OCOP, chú trọng đến việc quảng bá sản phẩm trên các kênh trực tuyến. Các chủ thể OCOP đã tích cực tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… đồng thời phát triển website giới thiệu sản phẩm và tham gia các sàn TMĐT.


Nhiều chủ thể cho biết, doanh số và giá trị các sản phẩm OCOP được nâng lên gấp nhiều lần so với trước khi tham gia bán hàng trên nền tảng số. NTD biết đến nhiều hơn những đặc sản địa phương, mở rộng thị trường, thúc đẩy giao thương hàng hóa và nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Thông qua nền tảng số, các chủ thể OCOP không chỉ cung cấp thông tin về sản phẩm mà còn trực tiếp nhận được ý kiến phản hồi của NTD về sản phẩm, từ đó rút kinh nghiệm, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và quy cách bán hàng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường.


Ngoài việc tham gia xúc tiến thương mại trực tiếp tại các hội chợ, diễn đàn kết nối cung cầu, từ năm 2021, Hộ kinh doanh rau câu Vinh Quang (Phường 8, TP Vĩnh Long) đã thành lập website bán hàng riêng đồng thời tận dụng tốt các nền tảng số để giới thiệu, quảng bá sản phẩm rau câu sơn thủy đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Bước chuyển đổi này tạo bước đệm quan trọng để tăng trưởng doanh số đều đặn qua từng năm. 


Chị Lê Thị Bảo Trang- chủ cơ sở, cho biết: “Nếu so sánh với năm 2000, khi cơ sở mới thành lập chỉ sản xuất vài trăm sản phẩm mỗi tháng, thì hiện tại chúng tôi đã có thể đáp ứng vài ngàn sản phẩm. Điều này có được nhờ vào việc khai thác tối đa lợi thế của kinh doanh online, giúp tiếp cận với khách hàng nhanh chóng hơn mà không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý”.

 


Sản xuất kinh doanh các loại mứt gần 10 năm, anh Trần Vĩnh Phú- chủ Hộ kinh doanh cơ sở sản xuất mứt nhà làm Đức Đạt (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm), chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ sản xuất mứt và bán tại nhà, chủ yếu phục vụ khách quen trong khu vực. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng, tôi đã cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước đưa sản phẩm mứt dừa lá dứa đạt chuẩn OCOP 4 sao”.


Anh Phú cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng kinh doanh hiện đại bằng cách đẩy mạnh hoạt động online trên các mạng xã hội. Nhờ chiến lược này, sản phẩm của anh đã tiếp cận và mở rộng thị trường đến hơn 50 tỉnh, thành. “Kinh doanh online giúp tôi không chỉ bán được nhiều hơn mà còn dễ dàng tiếp cận khách hàng ở xa, thu thập các phản hồi trực tiếp. Từ đó, tôi điều chỉnh công thức chế biến, cải thiện hương vị để sản phẩm ngày càng phù hợp với thị hiếu NTD ở từng vùng miền khác nhau”- anh Phú nói.


Đưa sản phẩm OCOP vươn xa hơn

Theo ngành chức năng, nắm bắt xu thế thị trường, nhiều chủ thể OCOP đã quan tâm ứng dụng các giải pháp để cải tiến sản phẩm và cách bán hàng cho phù hợp với các kênh bán hàng trực tuyến và TMĐT. Các chủ thể OCOP cũng đang tích cực nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT; tiếp cận mạng xã hội; tham gia các lớp tập huấn kỹ năng livestream quảng bá sản phẩm…

Đến nay, 100% sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Long đã được giới thiệu trên các trang web do Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp-PTNT quản lý, đồng thời hỗ trợ các chủ thể OCOP kết nối và nâng cao kỹ năng bán hàng qua các sàn TMĐT.


Ông Nguyễn Thế Công- Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Qua khảo sát gần 50 chủ thể OCOP có ứng dụng công nghệ số để giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn TMĐT thì doanh thu bán hàng đã tăng từ 10-50%.

Hiện nay, việc giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn TMĐT được xem là kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả, giúp chủ thể tiết kiệm chi phí, tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời thuận lợi trong việc chăm sóc khách hàng. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ, tập huấn các chủ thể để nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cũng như bán hàng từ sàn TMĐT…


Đi vào hoạt động từ năm 2017, Sàn giao dịch TMĐT ngành công thương tỉnh đã trở thành kênh kết nối hiệu quả giữa nhà sản xuất và NTD. Theo Sở Công Thương, trong năm 2024, sàn đã thu hút 373 cơ sở, HTX, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia với hơn 1.300 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông- thủy sản, thực phẩm, gia dụng… Đáng chú ý, tỷ lệ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia sàn giao dịch chiếm 82,5%. 


Nhiều chủ thể OCOP đã quan tâm ứng dụng các giải pháp để cải tiến sản phẩm và cách bán hàng phù hợp.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hướng đến mô hình kinh doanh hiện đại, hiệu quả. Đồng thời, các sản phẩm OCOP cũng được chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì, đảm bảo tem nhãn và truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và nâng cao kỹ năng TMĐT cho các chủ thể OCOP để mở rộng kết nối với NTD


Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202502/san-pham-ocop-vuon-xa-tren-nen-tang-so-29a0cfb/


Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available