Sức mua còn hạn chế
Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu, xúc tiến sản phẩm OCOP, trong đó có việc đẩy mạnh kết nối sản phẩm OCOP tới các điểm kinh doanh du lịch, điểm tham quan, nhà hàng… trên địa bàn.
Điển hình, sự kiện Điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP Cần Thơ và miền Tây, Ngày hội “Đặc sản miền Tây” với quy mô hơn 50 gian hàng sản phẩm đặc sản OCOP Đồng bằng sông Cửu Long và các gian hàng bánh dân gian Nam Bộ, trái cây đặc sản, ẩm thực đặc sắc… đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, trải nghiệm.
Tuy nhiên, doanh thu của các gian hàng sản phẩm đặc sản OCOP chưa thật sự tương xứng với số lượng khách tham quan.
Chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho rằng, các điểm du lịch nơi đây rất vui và thú vị, còn món ăn thì tuỳ vào khẩu vị của mỗi người, nhưng nếu để lựa chọn mua các sản phẩm OCOP về thưởng thức hay làm quà tặng thì chưa thật sự hấp dẫn.
Song song đó, khi tham quan các gian hàng sản phẩm OCOP, bà T. T. Đ. (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cũng chia sẻ niềm tự hào khi tỉnh Cà Mau có những sản phẩm OCOP được trưng bày tại sự kiện cùng với các sản phẩm OCOP đặc trưng của Cần Thơ và miền Tây, nhưng bà chỉ tham quan và thưởng thức các món ăn tại khu vực chợ quê chứ không mua sản phẩm OCOP nào.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (26 tuổi, du khách đến từ Kiên Giang) cho hay, dù biết là các sản OCOP có giá trị và chất lượng tốt, nhưng từ trước đến giờ gia đình chị vẫn có xu hướng chọn mua những mặt hàng có giá bán rẻ hơn so với sản phẩm OCOP cùng loại.
Theo chia sẻ của một số chủ gian hàng OCOP, không chỉ riêng tại sự kiện này, nhiều chương trình, sự kiện khác khi họ có tham gia trưng bày các gian hàng OCOP thì sức mua cũng còn hạn chế, không được như kỳ vọng.
Chưa hiểu rõ về sản phẩm OCOP
Một chủ gian hàng sản phẩm OCOP nhận định, hiện nay đa phần khách hàng chưa hiểu sản phẩm OCOP là gì? Họ cũng không rõ khái niệm 3 sao hay 4 sao là như thế nào? Nếu có thì cũng chỉ là được nghe qua chứ chưa thật sự hiểu về OCOP. Đây là một trong những lý do khiến người tiêu dùng ngại tiếp cận với các sản phẩm.
Đáng nói, không chỉ riêng với người tiêu dùng, mà đôi khi ngay chính bản thân chủ thể của sản phẩm cũng chưa nắm rõ được chương trình OCOP, sản phẩm OCOP.
Chị Nguyễn Huệ (du khách đến từ Quảng Nam) chia sẻ, tại sự kiện Lễ hội trang phục áo bà ba, áo dài quy mô 5.000 người ở TP Cần Thơ vừa qua, chị có ghé tham quan khu vực Góc chợ xưa và được các chủ gian hàng giới thiệu, mời chào những sản phẩm OCOP được trưng bày. Nhưng khi chị hỏi sản phẩm OCOP nghĩa là gì thì những người bán ở gian hàng này đều không giải thích được.
“Ngay sau đó, tôi đã trực tiếp chia sẻ về nghĩa của sản phẩm OCOP đến với các bạn có mặt tại gian hàng, với mong muốn họ có thể hiểu hơn về sản phẩm họ đang kinh doanh để giới thiệu đến người dân và du khách”, chị Huệ bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn dựa vào lợi thế phát huy trí tuệ, sáng tạo, nguồn lực, nguồn nguyên liệu, nét văn hóa tại địa phương.
Trải qua 4 năm thực hiện chương trình OCOP, đến nay TP Cần Thơ đã có trên 100 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 – 4 sao, đa dạng từ rau sạch, trái cây tươi, thực phẩm chế biến từ nông sản, sản phẩm trà từ thực vật,… Trong thời gian tới, TP Cần Thơ cố gắng tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, giúp đỡ các chủ thể phát triển các sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia.