Những “đại sứ” đầu tiên
Trần Hương Lan, người vừa trở thành cựu sinh viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Trường ĐH VinUni, đang chuẩn bị cho chuyến bay sang Thụy Sĩ. Nơi mà Lan sẽ đến là ĐH Bách khoa Liên bang Thụy Sĩ (EPFL), một trường ĐH danh tiếng hàng đầu thế giới chuyên về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và khoa học tự nhiên.
Lan đã được nhận học bổng Master Research Scholar của EPFL để theo học thạc sĩ ngành khoa học máy tính, được tham gia nghiên cứu tại lab Machine Learning for Education của Trường Khoa học máy tính và Truyền Thông, EPFL. Được biết, chương trình học bổng Master Research Scholar của EPFL rất cạnh tranh. Hàng năm, trong khoảng 1.000 ứng viên thì chỉ có khoảng 15 người được lựa chọn.
Lan cho biết, nhiều bạn học của Lan ở Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính tiếp tục theo đuổi con đường học thuật. Chẳng hạn một người bạn khá thân thiết với Lan là Bùi Khánh Nam sắp tới sẽ lên đường sang Mỹ, học tiến sĩ ngành cơ khí ở ĐH Illinois Urbana-Champaign, một ĐH hàng đầu thế giới về đào tạo tiến sĩ khối ngành kỹ thuật.
Còn Cao Gia Bảo, một người bạn học cũ khác của Lan thì chọn nơi đến gần với Việt Nam hơn, Singapore. Cao Gia Bảo đã được ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU) nhận vào chương trình kỹ sư nghiên cứu, với dự án mô hình ngôn ngữ lớn Đông Nam Á. Bảo không tiết lộ về lương, nhưng theo những người “thạo tin” thì các giáo sư ở NTU thường trả cho kỹ sư nghiên cứu mức lương khoảng 5.000 USD/tháng.
Lan, Nam, Bảo… đều là thành viên của một tổ chức mới toanh, vừa thành lập được 2 ngày, mạng lưới Cựu sinh viên VinUni (VinUni Alumni). VinUni Alumni hiện có 145 thành viên đầu tiên, là những sinh viên khóa đầu tiên và vừa mới được nhận bằng tốt nghiệp của Trường ĐH VinUni.
Theo TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH VinUni, mai này, mỗi năm VinUni tiếp tục có hàng trăm, hàng ngàn các tân khoa mới. Nhưng 145 tân khoa đầu tiên sẽ mãi mãi đi vào lịch sử như thế hệ sinh viên sáng lập, mở đường, đặt những viên gạch đầu tiên cho tương lai của VinUni.
Mạng lưới VinUni Alumni được lập ra nhằm kết nối, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp và tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua sự hợp tác và đóng góp của các cựu sinh viên. Hơn thế, theo như GS David Bangsberg, Hiệu trưởng Trường ĐH VinUni, những nỗ lực và thành công trong tương lai của VinUni Alumni sẽ xây dựng, lan tỏa danh tiếng cho VinUni.
Những người sẽ trả lời những câu hỏi lớn của thế giới
GS Glen Gaulton, Phó hiệu trưởng kiêm Giám đốc Sức khỏe toàn cầu, Trường Y khoa Perelman, ĐH Pennsylvania (UPenn), Giám đốc liên minh hợp tác UPenn – Vinmec – VinUni, cho biết cách đây hơn 6 năm, ông đã bay đến Hà Nội ăn trưa với TS Lê Mai Lan cùng một vài người khác để thảo luận về tiềm năng hợp tác giữa UPenn với Tập đoàn Vingroup trong việc giúp Việt Nam xây dựng ĐH VinUni. Hồi ấy, nơi mà VinUni tọa lạc bây giờ còn là một cánh đồng lúa.
Tuy nhiên, khi đó GS Glen Gaulton và các đồng nghiệp ở UPenn đã chia sẻ được tầm nhìn chung để tạo ra ở Việt Nam một trường ĐH đạt tiêu chuẩn của các trường ĐH tên tuổi trên thế giới. Những tiêu chuẩn đó là sự cống hiến cho tri thức, sự theo đuổi học thuật, xây dựng một môi trường khuyến khích tư duy cởi mở và trao đổi, sự khoan dung và đồng cảm, và quan trọng nhất là việc áp dụng những năng lực đó vào thực tiễn để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
Giờ đây, nhìn vào những gì VinUni đã đạt được, đặc biệt là với khóa đầu tiên vừa tốt nghiệp, UPenn nhận thấy có thể mong chờ vào khả năng hiện thực hóa những kỳ vọng ban đầu của hai bên.
Theo GS Glen Gaulton, thế giới ngày nay đang đối mặt với những vấn đề mà sự căng thẳng của nó lên đỉnh điểm. Quá nhiều người sống trong cảnh thiếu thốn, nạn đói và gánh nặng bệnh tật diễn ra liên miên. “Tôi dường như đã quá tuổi để giải quyết những vấn đề này. Và giờ là cơ hội dành cho những sinh viên vừa tốt nghiệp của VinUni”, GS Glen Gaulton nói.
Nói về những sinh viên VinUni, GS Glen Gaulton chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã chọn các bạn ấy vì trí tuệ, vì sự ham học hỏi và vì các bạn ấy giàu lòng trắc ẩn. Chúng tôi mong đợi những cựu sinh viên VinUni sẽ tận dụng hết những kiến thức đã học được và những năng lực mà chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng trong các bạn ấy để giải quyết những vấn đề này, để xây dựng thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Các bạn đừng hài lòng với việc chỉ đơn giản là kiếm sống tốt, có một ngôi nhà đẹp hoặc xe hơi. Thay vào đó, các bạn phải đặt ra và giải quyết những câu hỏi lớn trong cuộc sống”.
Cạnh tranh toàn cầu
TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH VinUni, cho biết trong số tân khoa vừa tốt nghiệp (145 em), 25% đã nhận được thư mời tiếp tục học bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường Ivy danh tiếng của Mỹ như ĐH Harvard, ĐH Cornell, ĐH Pennsylvania… và các ĐH danh tiếng thế giới khác.
32% đã được các tập đoàn toàn cầu như McKinsey, Boston Consulting Group, National Australia Bank, Google, Bosch, IBM… và các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ và định chế tài chính hàng đầu Việt Nam mời làm việc với chế độ đãi ngộ và lộ trình sự nghiệp hấp dẫn, ngay khi chưa tốt nghiệp. Trong số này có em được mức đãi ngộ lên tới 7.500 USD/tháng cho công việc ở nước ngoài (tương đương với mức đãi ngộ của các cử nhân của trường ĐH danh tiếng là người bản địa).
Mới đây, có một tập đoàn toàn cầu nổi tiếng tuyển dụng 3 nhân sự. Họ đã nhận hồ sơ và phỏng vấn hàng trăm ứng viên xuất sắc, trong đó có nhiều ứng viên du học ở nước ngoài về. Tuy nhiên, cuối cùng cả 3 nhân sự được tuyển dụng đều là những sinh viên năm cuối (khi đó các em chưa nhận bằng tốt nghiệp) của VinUni.
TS Lê Mai Lan nói: “VinUni có thể tự hào rằng chất lượng đào tạo hàn lâm của VinUni đang bước đầu chinh phục được các trường ĐH quốc tế danh tiếng nhất. VinUni có thể tự hào rằng năng lực thực chiến của các tân khoa VinUni đang dần chinh phục các nhà tuyển dụng uy tín nhất, cạnh tranh sòng phẳng với các tân khoa của ĐH danh tiếng trên thế giới”.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trường ĐH VinUni đã khẳng định vị thế là một trong những trường ĐH trẻ và năng động, với những bước tiến vượt bậc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
“VinUni đã và đang đào tạo nên những thế hệ sinh viên ưu tú, có khả năng cạnh tranh toàn cầu”, ông Hoàng Minh Sơn nhận định.
Nguồn: https://thanhnien.vn/san-pham-dh-viet-nam-bat-dau-canh-tranh-duoc-voi-dh-danh-tieng-the-gioi-185240701164407667.htm