Trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Việt Nam có sản lượng ổn định nhất 30 năm qua, kể cả trong thời kỳ El Nino.
Lần đầu tiên trong 15 năm, giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt mốc 600 USD một tấn từ đầu tháng 8, trong lúc chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đảo lộn sau lệnh cấm của Ấn Độ, UAE, Nga. Các quốc gia này cùng chung nỗi lo mất mùa do hiện tượng El Nino – kiểu khí hậu tăng nắng, giảm mưa, vừa xuất hiện từ tháng 6.
Trong khi Nga và UAE chiếm “miếng bánh nhỏ” với tổng lượng gạo xuất khẩu chưa đến 300.000 tấn một năm, Ấn Độ là nước xuất gạo nhiều nhất – gần 22 triệu tấn mỗi năm, chiếm 40% thị phần. Quốc gia tỷ dân tuyên bố cấm bán ra nước ngoài tất cả loại gạo, trừ Basmati, khiến tổng lượng gạo giao dịch toàn cầu hụt khoảng 15%. Khoảng trống này trở thành cơ hội đối với các nước xuất khẩu gạo còn lại.
Việt Nam đã nhanh chóng tận dụng thời cơ. Tuần trước, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông báo sẽ nâng diện tích trồng lúa vụ thu đông tại Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất nước – thêm 50.000 ha so với kế hoạch đầu năm, lên 700.000 ha.
Trong khi đó, Thái Lan tuyên bố “không hạn chế xuất khẩu để tận dụng thời cơ giá gạo hiện nay”. Dù vậy, quốc gia này vẫn khuyến khích nông dân trồng lúa chuyển sang các loại cây khác cần ít nước hơn để đối mặt nguy cơ khô hạn do El Nino.
Từ năm 1990 đến nay, El Nino đã xuất hiện 9 lần trên toàn cầu, theo Cơ quan Khí tượng Mỹ, kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp.
Tại Ấn Độ, ba thập kỷ qua, hai lần sản lượng lúa giảm mạnh nhất rơi vào năm 2002 – âm 23%, và 2009 – âm 8% so với cùng kỳ, đều là những giai đoạn El Nino xảy ra. Tương tự, Thái Lan cũng chứng kiến ba lần lượng lúa thu hoạch giảm trên 10% vào các năm 2014, 2015, 2019, đều là năm có El Nino.
Cây lúa Việt Nam tỏ ra “dẻo dai” hơn. Trong 30 năm qua, sản lượng thu hoạch tăng bình quân 2,5% mỗi năm, cao hơn Ấn Độ (1,8%), Thái Lan (2,2%) và cũng ít trồi sụt nhất. Năm thất bát nhất của gạo Việt Nam là giai đoạn El Nino 2016. Khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa chiếm 55% sản lượng cả nước – trải qua đợt hạn mặn lịch sử khiến 160.000 ha đất nhiễm mặn. Tổng thu hoạch lúa cả nước giảm 4%, vẫn thấp hơn nhiều so với kỷ lục tăng trưởng âm 2 chữ số của Ấn Độ hay Thái Lan.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, cho biết vùng trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực tại Đồng bằng sông Cửu Long nằm dọc theo biên giới Campuchia, rộng khoảng 1,5 triệu ha, trải dài qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Là nơi sông Mekong vừa chảy vào Việt Nam, lại có hệ thống kênh đào dẫn nước lớn như Vĩnh Tế, Trung Ương, khu vực này luôn có đủ nước ngọt cho cây lúa. “Chúng ta có thể yên tâm về an ninh lương thực”, GS Xuân nói.
Theo GS Xuân, nước sông miền Tây gần như nằm ngang mặt ruộng. Ngược lại, Thái Lan cũng có dòng Mekong chảy qua nhưng lại thấp hơn nhiều so với mặt đất nên khó bơm nước lên ruộng hơn. Vì vậy, khi hiện tượng El Nino xảy ra kéo theo khô hạn, giảm mưa, nguy cơ thiếu nước tưới tiêu của Thái Lan cao hơn Việt Nam.
Một thay đổi lớn khác là sau nghị quyết phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ năm 2017, những khu vực ven biển thường bị nhiễm mặn chỉ còn trồng lúa năng suất cao vào mùa mưa, tranh thủ nguồn nước ngọt. Vào mùa khô, người dân không trồng lúa nữa mà đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm theo hướng “thuận thiên”.
“Sự thay đổi trên giúp giảm thiệt hại vào các đợt hạn mặn sau đó, còn hiệu quả sản xuất lại cao hơn”, GS Xuân nhận định. Ngoài ra, theo ông các giống lúa trong nước cho phép thu hoạch sau ba tháng nên có thể trồng tối đa ba vụ một năm. Còn giống của Ấn Độ, Thái Lan có vòng đời 4 tháng nên chỉ trồng được tối đa hai vụ. Vì vậy, năng suất lúa của Việt Nam cũng tốt hơn.
Thực tế, năng suất trồng lúa của Việt Nam giai đoạn 2017-2021 liên tục tăng, vượt 6 tấn trên một ha. Theo dữ liệu của Tổ chức Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), mức này cao gấp đôi Thái Lan, nhiều hơn Ấn Độ 40%.
Trong khi đó, TS Trần Ngọc Thạch, Trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cho rằng Việt Nam không miễn nhiễm với El Nino nhưng sẵn sàng thích ứng. Ông dẫn chứng sau đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, miền Tây đã có thêm nhiều công trình thủy lợi lớn như hồ chứa nước ngọt, cống ngăn mặn. Năm 2019, khi El Nino quay lại, sản lượng lúa của miền Tây giảm 1%, thấp hơn nhiều mức âm 7% vào ba năm trước đó.
Hiện, khí hậu Việt Nam chưa có nhiều bất thường, trong khi Ấn Độ đã trải qua thời tiết khắc nghiệt do El Nino từ tháng 4 khiến quốc gia này phải sớm có hành động. Theo ông Thạch, đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng xuất khẩu gạo, hưởng lợi nhờ giá cao khi Ấn Độ tạm dừng “cuộc chơi”.
“Đây là thời cơ để Việt Nam định vị mình là một nhà cung cấp gạo ổn định cho thế giới, tăng uy tín trên thị trường”, TS Thạch nói và cho rằng với lợi thế giống lúa ngắn ngày hơn các nước, Việt Nam nên linh hoạt tăng diện tích trồng. Đồng thời, nông dân nên điều chỉnh lịch gieo vụ đông xuân sớm hơn nhằm tránh thiệt hại khi El Nino ảnh hưởng mạnh lên Nam Bộ và Tây Nguyên từ cuối năm, theo dự báo của ngành khí tượng.
Trên bình diện thế giới, Việt Nam cũng được xếp hạng cao về an ninh lương thực trong khu vực, theo thống kê của The Economist – tạp chí kinh tế uy tín của Anh. Dựa trên tiêu chí về độ sẵn có, khả năng chi trả của người dân, tính bền vững, chất lượng và an toàn, Việt Nam đứng thứ 7 châu Á và cao nhất trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Trong khi đó, Thái Lan xếp thứ 9, còn Ấn Độ ở vị trí 11.
Theo FAO, bình quân mỗi người Việt có hơn 206 kg lúa, tương đương khoảng 103 kg gạo để tiêu thụ trong năm, sau khi loại trừ các mục đích sử dụng lúa khác (làm giống, thức ăn chăn nuôi, sản xuất thực phẩm công nghiệp, xuất khẩu). Con số này nhiều hơn 1/4 so với Thái Lan, và gấp đôi Ấn Độ.
Trong khi đó, mỗi người Việt chỉ ăn bình quân 6,9 kg gạo một tháng, tương đương 83 kg mỗi năm và đang có xu hướng giảm, theo khảo sát mới nhất của Tổng cục Thống kê. Tức là, lượng gạo dư ra khoảng 20 kg trên mỗi người dân.
“Về tổng thể, chúng ta không lo thiếu gạo mà chỉ sợ việc đầu cơ có thể đẩy giá gạo lên cao nhất thời ở một số địa phương, khiến người tiêu dùng trong nước chịu thiệt”, ông Thạch nói, dẫn chứng tình trạng tương tự từng xảy ra năm 2008 khi người dân ùn ùn tích trữ gạo sau lệnh cấm xuất khẩu.
Sau tuyên bố của Ấn Độ, Nga, UAE, giá gạo trong nước hiện tăng nhanh. Tại TP HCM, các loại gạo thơm đã tăng thêm 2.000 đồng so với tuần trước, lên 18.000-25.000 đồng mỗi kg. Ở miền Tây, thương lái đến tận ruộng tranh mua lúa, nhiều công ty xuất khẩu đã đặt cọc cho nông dân, rơi vào thế khó khi chủ ruộng sẵn sàng đền hợp đồng để bán với giá cao hơn.
Năm nay, Việt Nam dự kiến sản xuất trên 43 triệu tấn lúa. Trong đó, khoảng 14 triệu tấn (tương đương 7 triệu tấn gạo) dành cho xuất khẩu, 18 triệu tấn phục vụ nhu cầu trong nước, bao gồm phần dự trữ.
Trước tiềm năng hiện tại, Thủ tướng hôm 6/8 ra chỉ thị yêu cầu các địa phương tận dụng thời cơ, tăng xuất khẩu gạo, nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực, xử nghiêm trường hợp đầu cơ trục lợi, đẩy giá bất hợp lý, gây bất ổn.
Việt Đức