Ngày 25/7, bác sĩ Đặng Thị Thanh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết tại đây đã tiếp nhận một bệnh nhân 68 tuổi được gia đình đưa đến khám với những triệu chứng như đau đầu, sùi bọt mép, co giật, da bệnh nhân xuất hiện nhiều nốt như hạt ngô.
Sau khi được khám và chụp CT, bác sĩ chẩn đoán trong não bệnh nhân có nhiều ổ sán nằm rải rác. Khai thác tiền sử, bệnh nhân thường xuyên tiếp khách và ăn nhậu các món tiết canh lợn, dê, vịt, ngan vì quan niệm tiết canh thanh nhiệt và để giải đen.
Những cơn đau đầu đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2013 nhưng do chủ quan nên người này không đi khám. Sau một tháng điều trị, các nang sán giảm dần và hết hẳn, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, không còn đau đầu, co giật, sùi bọt mép, ý thức tỉnh táo.
Bác sĩ Thanh cho biết bệnh sán não là bệnh lý thuộc nhóm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe với mức độ nguy hiểm rất cao, khiến cho bệnh nhân mắc phải bị suy giảm trí nhớ, các triệu chứng co giật có thể xuất hiện không báo trước rất nguy hiểm, nhất là khi người bệnh đang tham gia giao thông.
Căn bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh phát triển âm thầm cho đến khi phát hiện những triệu chứng rõ rệt thường khá muộn. Nguyên nhân nhiễm ấu trùng sán dây lợn là ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn thực phẩm sống, chưa nấu chín như tiết canh, nem chạo, nem thính hoặc các loại rau sống nhiễm sán từ chất thải của lợn hoặc nguồn nước nhiễm bẩn.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tuân thủ các nguyên tắc ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn, ngoài ra cần tẩy giun định kỳ 6 tháng đến một năm một lần, không ăn tiết canh, thịt lợn tái, nội tạng kém vệ sinh, không rõ nguồn gốc, bên cạnh đó giữ vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.