Từ hoàng kim đến… khủng hoảng
Tại hội thảo “Sân khấu Thủ đô – 70 năm đồng hành cùng dân tộc” do Hội Sân khấu Hà Nội vừa tổ chức, các diễn giả đều thống nhất rằng, Hà Nội đã đang và sẽ là một trong những trung tâm của sân khấu cả nước, là nơi quy tụ những nhân tài sân khấu. Theo NSND Bùi Thanh Trầm, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, hầu hết những sự kiện sân khấu quan trọng nhất trong đời sống sân khấu cả nước đều diễn ra và kết tinh ở Hà Nội. “Những năm đầu sau cách mạng tháng Tám, sân khấu Hà Nội xứng đáng là trung tâm, là ngọn đèn pha rọi sáng sân khấu cả nước” – NSND Bùi Thanh Trầm nhận định.
Ngay sau ngày 10/10/1954, sân khấu Hà Nội đã nhanh chóng đi vào quỹ đạo của nền sân khấu cách mạng với nhiều vở diễn mang tính thời sự và tính chiến đấu sắc bén. Đặc biệt, những năm 1975 – 1985 là thời kỳ hoàng kim của sân khấu Thủ đô khi nhiều vở kịch nói đã mở ra nhiều khía cạnh của cuộc sống với những vấn đề nhức nhối mà xã hội đang quan tâm. Sân khấu cải lương trong dòng chảy giao lưu vừa tiếp thu được truyền thống sang trọng vốn có từ xưa vừa có được tính sinh động, hấp dẫn rất hiện đại. Sân khấu chèo từ những tìm tòi, thử nghiệm e dè đến sự đổi mới “hăm hở và quyết tâm” để rồi được đền bù bằng thành công vang dội mà tiêu biểu là “Nàng Sita”. Cũng trong thời kỳ hoàng kim này, đã xuất hiện một lớp nghệ sĩ tài năng mới, chứng tỏ vai trò kế tục xứng đáng của mình.
Thế nhưng, từ năm 1986 đến nay, cùng với sân khấu cả nước, sân khấu Hà Nội bước vào thời kỳ thử thách mới. Các nhà hát phải vật lộn để tồn tại khi thị hiếu của khán giả thay đổi, rất nhiều hình thức giải trí hiện đại ra đời. Sân khấu mất dần khán giả, khiến người ta xác định cho chúng những thuật ngữ bi đát “sân khấu khủng hoảng”, “sân khấu xuống cấp”, “sân khấu kiếm sống”…
Đáng lo ngại hơn, sân khấu chỉ quanh quẩn với những đề tài cũ mòn, xa rời hiện thực nóng bỏng đang hàng ngày diễn ra, hình thức thể hiện cũng ít được đổi mới. Theo TS, nhà phê bình sân khấu Cao Ngọc, đã vài thập niên nay, sàn diễn Thủ đô vắng bóng những tác phẩm về đề tài hiện đại hấp dẫn, vắng bóng hình ảnh một Hà Nội năng động với biết bao đổi thay mạnh mẽ. Kịch bản nghèo nàn, thoại nhạt, nhân vật thiếu logic và thẩm mỹ hầu như không thay đổi cả chục năm…
“Qua những liên hoan sân khấu Thủ đô được tổ chức định kỳ, người xem nhận thấy các đơn vị đang đi theo xu hướng an toàn, hoài cổ khi vẫn dàn dựng các kịch bản đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, kịch bản nước ngoài hay dàn dựng các kịch bản cũ” – TS. Cao Ngọc đánh giá.
TS. Cao Ngọc nhấn mạnh, khi trình độ, thị hiếu và điều kiện của khán giả đã có rất nhiều thay đổi nhưng mô thức làm nghệ thuật vẫn giữ nguyên hình thức cũ kỹ, không còn phù hợp với thời đại mới thì thật khó nói tới sức hấp dẫn, thật khó lôi kéo khán giả đến với sân khấu. Đối với các đơn vị sân khấu Hà Nội, bao lâu nay, vấn đề đau đầu nhất là tìm kiếm những kịch bản lấy con người, mảnh đất Hà Nội làm hình tượng trung tâm luôn là yêu cầu bức thiết mà vẫn chưa đáp ứng được. Lại càng thiếu những tác giả chuyên tâm viết về Hà Nội, những người thấm nhịp thở của Hà thành vào từng trang viết.
“Không thiếu các nhà văn, nhà thơ với tình yêu Hà Nội, đau đáu thể hiện vào tác phẩm, nhưng sự khắc nghiệt của các trang kịch bản vẫn khiến họ chùn bước. Cũng có vài tác giả cho rằng, có nhiều kịch bản hay về Hà Nội song chưa vượt qua được khâu thẩm định, chưa tìm được sự đồng điệu để thể hiện trên sàn diễn” – TS. Cao Ngọc cho hay.
Thay đổi để tìm hướng đi mới
Chỉ ra những khó khăn, bất cập của sân khấu Thủ đô, nhưng TS. Cao Ngọc cũng cho rằng, với nhiều đơn vị nghệ thuật cả Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn đều là những cánh chim đầu đàn ở từng kịch chủng, thì sân khấu Hà Nội vẫn có nội lực rất mạnh.
Bà Ngọc cho rằng, cần đầu tư một cách thích đáng, có chiều sâu để tạo nên những tác phẩm sân khấu mang đậm bản sắc văn hoá Hà Nội, để sân khấu Thủ đô khẳng định được nét độc đáo, riêng biệt, không thể lẫn với các địa phương khác. Để làm được điều này, rất cần con mắt xanh của các nhà lãnh đạo, những người thẩm định kịch bản, cần “đãi cát tìm vàng” để có được những tác phẩm sân khấu xứng với tầm vóc của Thủ đô hôm nay.
“Mỗi đơn vị nghệ thuật nên tạo dựng riêng cho nhà hát mình một vài tác giả sân khấu phù hợp với quan điểm, hướng đi để đầu tư xứng đáng. Có vậy mới mong thu hoạch được những tác phẩm văn học đậm chất chất riêng có của mảnh đất ngàn năm văn vật này” – TS. Cao Ngọc gợi ý.
Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng cũng cho rằng, Hà Nội là một “siêu đề tài”, từ Thăng Long – Đông Đô khi xưa đến Hà Nội hôm nay có rất nhiều danh nhân, thậm chí mỗi con người, mỗi cái cây, mỗi góc phố đều là chứng nhân của lịch sử, đều có rất nhiều câu chuyện để kể. Chúng ta không nên cứ đến ngày lễ thì “nhăm nhăm” vào đề tài Lý Công Uẩn dời đô, hay đề tài lịch sử hiện đại là Hà Nội chống Pháp hay Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không. “Những sự kiện ấy đã có quá nhiều tác phẩm nhắc đến và rất thành công rồi. Đã đến lúc phải nhường chỗ cho những sự kiện khác, vốn rất có ý nghĩa đối với Hà Nội nhưng đã bị lớp bụi mờ lịch sử che khuất đi” – ông Thắng nói.
Còn theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, việc các loại hình giải trí có xu hướng lấn dần nghệ thuật chuyên nghiệp không phải nghệ thuật chuyên nghiệp đánh mất sự đi chuyên nghiệp mà chủ yếu do thị hiếu đám đông. Đây không phải là điều mới lạ, trái quy luật mà là hiện tượng mang tính phổ quát, toàn cầu. Đáng mừng là khán giả hiện nay đang dần trở lại với sân khấu, tuy nhiên, họ đòi hỏi ở sâu khấu những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng nghệ thuật cao, được đầu tư công phu và giàu sáng tạo… Do vậy, bên cạnh sự đầu tư kịp thời, có trọng điểm, có định hướng thì bản thân giới làm nghề cũng phải thay đổi để tìm ra hướng đi mới.
Ông Tuấn cho hay, thời gian tới, Hội nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội sẽ bàn bạc với Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn để đổi mới công tác phối hợp sao cho có hiệu quả. Đồng thời, trong khi số lượng tác giả có khả năng viết kịch bản và lý luận phê bình sân khấu còn ít, Hội sẽ chú trọng khai thác lợi thế từng trải, dày dặn kinh nghiệm và tài năng của đội ngũ sáng tác này, dù họ đã cao tuổi.
“Nhân vật anh hùng, biểu tượng của một giai đoạn lịch sử, cảm hứng ca ngợi mang màu sắc sử thi là dấu ấn một thời. Tính chất nhất phiến, trong suốt của những nhân vật đẹp một cách lãng mạn của thời kỳ ấy đã thuộc về ngày hôm qua. Trong giai đoạn sắp tới, nhân vật của thời đại sẽ như thế nào, các phương thức nhận thức và thể hiện ra sao, cảm hứng gì là chủ đạo… đang chờ lời giải đáp của chính chúng ta – những người làm nghề. Ở lĩnh vực này, vai trò tiên phong của người nghệ sĩ, phát hiện ra những vấn đề của thời đại, dự báo xu hướng phát triển của xã hội và đưa những vấn đề, con người ấy vào tác phẩm để từ đó chúng trở lại tác động vào đời sống, đó là sứ mệnh của chính chúng ta” – ông Tuấn đúc kết.
Khánh Ngọc
Nguồn: https://www.congluan.vn/san-khau-thu-do-lam-gi-de-thoat-khoi-xu-huong-an-toan-hoai-co-post316089.html