Từ đầu năm 2023 đến nay, Nhà hát Trần Hữu Trang đã diễn 20 suất phục vụ chương trình sân khấu chủ đề nông thôn mới ở các huyện ngoại thành như: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ… Các chương trình này đã góp phần quảng bá, tôn vinh những di sản văn hóa nghệ thuật, di tích lịch sử, qua đó đóng góp thiết thực cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần tăng chỉ số phát triển hưởng thụ văn hóa tại các quận, huyện ngoại thành TP HCM.
Chỉ tính riêng 3 quý đầu năm 2023, số khán giả xem các chương trình nghệ thuật nông thôn mới của Nhà hát Trần Hữu Trang đã tăng lên hơn 2.000. Việc giữ gìn, bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hóa được người dân đồng tình ủng hộ và tự nguyện đưa vào nội dung hương ước, quy ước của xã, phường để cộng đồng cùng thực hiện.
Chương trình nghệ thuật phục vụ nông thôn mới của Nhà hát Trần Hữu Trang. (Ảnh do Nhà hát Trần Hữu Trang cung cấp)
Những người trong cuộc cho rằng khai thác văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc để xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương; góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng cho người dân nông thôn. Nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi và phát triển, góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch.
Theo các chuyên gia, việc đưa vào chương trình nghệ thuật các làn điệu hát ru, ca cổ, trích đoạn cải lương, thực hành Then, đờn ca tài tử Nam Bộ (di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO)… đã được người dân nhiều địa phương đón nhận và tương tác tích cực, biến những giá trị tinh thần này trở thành “gà đẻ trứng vàng” – mang lại giá trị kinh tế cao thông qua các hình thức du lịch cộng đồng và trải nghiệm.
“Những không gian văn hóa, làng văn hóa, phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ… sẽ là chất liệu phong phú, bền vững cho các chương trình nông thôn mới” – PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhìn nhận.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/san-khau-dong-gop-tich-cuc-xay-dung-nong-thon-moi-20231119213811396.htm