Theo thống kê, trong giai đoạn quý I/2023, có khoảng 50% các sàn giao dịch, công ty môi giới bất động sản phải đóng cửa với hàng nghìn nhân viên mất việc. So với giai đoạn đầu năm 2022, số lượng nhân viên làm việc tại các công ty môi giới bất động sản hiện tại chỉ còn chiếm khoảng 30%.
Đáng chú ý, trong số hàng nghìn nhân viên mất việc trước “làn sóng” sa thải nhân sự, phần lớn thuộc về bộ phận kinh doanh. Trong giai đoạn “hoàng kim”, đây là bộ phận có nhiều nhân viên và đem lại lợi nhuận lớn cho các công ty. Nhưng đến thời điểm khó khăn, thì đây lại là lực lượng bị sa thải hoặc phải chuyển sang hợp đồng tạm thời, cộng tác viên.
Đặc biệt là với những công ty môi giới bất động sản có quy mộ nhỏ, số lượng nhân viên bị sa thải có thể lên tới 70% do không còn khả năng tài chính để cầm cự qua giai đoạn khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn của các công ty môi giới bất động sản gặp phải cũng không kém so với các chủ đầu tư. Vào giai đoạn đầu năm 2023, nhiều nhân viên của các công ty môi giới thậm chí còn đăng tải các bài viết “bóc phốt” chủ đầu tư dự án vì nợ hoa hồng, dẫn đến việc nhiều người phải chủ động nghỉ việc hoặc làm thêm nghề tay trái để chờ tiền về.
Tình trạng khó khăn, nợ hoa hồng ấy còn kéo dài đến tận giai đoạn cuối quý II/2023, khiến nhiều doanh nghiệp phải sa thải thêm nhân viên hoặc xuất hiện tình trạng nhân viên môi giới bất động sản bỏ nghề do công việc không đủ sống.
Tuy nhiên, dù đã đào thải một lượng lớn nhân sự là nhân viên môi giới bất động sản, song nhiều công ty môi giới bất động sản hiện nay đã đưa ra những chế độ hấp dẫn vẫn không tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị cho sự khởi sắc của thị trường.
Anh Ngô Đức Cường – giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại Kiến Hưng (Hà Nội) cho biết, trong giai đoạn khó khăn, công ty đã phải cắt giảm gần 80% nhân sự, giảm từ 40 người xuống còn chưa đầy 10 người. Phần lớn những người được cho nghỉ đều là nhân viên kinh doanh trẻ, chưa có kinh nghiệm, mới vào thị trường từ giai đoạn đầu năm 2022.
Trong thời gian gần đây, với các chính sách tháo gỡ của Chính phủ cùng việc giảm lãi của ngân hàng, thị trường bất động sản lại có dấu hiệu khởi sắc. Giống như các công ty khác, anh Tuấn cũng bắt đầu đăng tin tuyển dụng để chuẩn bị tham gia thị trường trong giai đoạn phục hồi.
“Trước mắt tôi định tuyển thêm 5 người, chủ yếu là tuyển người có kinh nghiệm với thị trường bất động sản và có khả năng găn bó dài lâu. Do thị trường vẫn còn bất ổn nên công ty cố gắng duy trì một mức lương cứng để nhân viên có thể trang trải cuộc sống. Mức lương chúng tôi trả mặc dù không cao nhưng cũng khá phù hợp với giai đoạn hiện tại. Nhưng gần 1 tháng này, chúng tôi mới chỉ tuyển được 1 người phù hợp. Có thể công ty sẽ phải tìm những bạn trẻ chưa có kinh nghiệm để đào tạo thêm sau”, anh Tuấn cho biết.
Lý giải cho nghịch lý nhân viên môi giới nghỉ nhiều nhưng các công ty lại khó tuyển người, nhiều ý kiến cho rằng tất cả đều nằm ở việc mất niềm tin với thị trường và với công việc. Theo anh Đinh Tuấn Anh, một nhân viên môi giới kì cựu tại TP.HCM cho biết, phần lớn những đồng nghiệp của anh bị nghỉ việc trong giai đoạn khó khăn đã đi tìm việc khác, chỉ một số ít ở lại thị trường với vai trò là cộng tác viên của sàn giao dịch hoặc làm môi giới tự do. Tuy nhiên, số lượng ở lại thị trường là vô cùng ít ỏi, đó là những người có nền tảng kinh tế hoặc có nguồn thu nhập thụ động khác.
“Phần lớn đều không tin thị trường sẽ sớm hồi phục trong ngắn hạn. Trong khi đó, việc nợ hoa hồng ở nhiều dự án vẫn còn tiếp diễn, thậm chí có những chủ đầu tư khó khăn đến mức khó có thể xoay sở được nguồn tiền để thanh toán hoa hồng cho sàn giao dịch. Một số công ty phải cử người có kinh nghiệm chỉ phụ trách đi đòi nợ các chủ đầu tư. Vì thế nên nhiều người đã phải chuyển nghề để duy trì cuộc sống”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Cũng theo anh này, trong giai đoạn thị trường sôi động, bất động sản dễ bán thì việc tuyển thêm các nhân viên mới từ ngành ngoài hoặc các bạn trẻ tương đối dễ dàng do mức thu nhập của nhân viên môi giới khi đó rất cao. Nhưng hiện tại, trước các thông tin tiêu cực về thị trường, ít có người dám chấp nhận rủi ro để nhảy việc và tham gia vào thị trường bất động sản.
Vì lý do đo mà trong thời gian gần đây, dù các sàn liên tục đăng tuyển người mới nhưng lại nhận được rất ít hồ sơ. Tình trạng này chắc chắn cũng sẽ còn kéo dài cho đến khi thị trường thực sự khởi sắc.