“Có thể nói ngay từ giây phút đầu tư vào Việt Nam thì nơi đây đã không chỉ đơn thuần là thị trường đầu tư mà đã trở thành ‘mảnh đất’ nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Và doanh nghiệp cần phải bồi đắp liên tục mảnh đất này thì mới có thể phát triển biền vững được”, lãnh đạo Tổ hợp Samsung Việt Nam nói.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam: Thành công của Samsung là thành công của Việt Nam” – Ảnh VGP/Nguyễn Đức
Tại Hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng” do Báo Đầu tư tổ chức vào sáng 15/5/2023, hơn 300 đại biểu đại diện bộ ban ngành từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức quốc tế, đại diện các hiệp hội nước ngoài tại Việt Nam cùng các hiệp hội và doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ, lắng nghe, thảo luận và đánh giá để rút ra những bài học kinh nghiệm từ những mô hình thành công trong hợp tác đầu tư nước ngoài.
Các đại biểu cũng thảo luận nhận diện những xu hướng mới, những cơ hội cạnh tranh thành công trong thu hút những dòng vốn mới; đồng thời đề xuất những ý tưởng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông, thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trên chặng đường 35 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam, Samsung bước đầu ghi dấu chân của mình cách đây 15 năm, nhưng đã cho thấy đây là mô hình đầu tư thành công. Chính vì vậy, Samsung đã được lựa chọn đại diện cho các doanh nghiệp tham gia chia sẻ tại Hội thảo này.
Trong nội dung bài phát biểu của ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, bên cạnh việc chia sẻ câu chuyện thành công của Samsung tại Việt Nam là những đề xuất vì sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.
“Thành công của Samsung là thành công của Việt Nam”
Samsung đầu tư chính thức vào Việt Nam năm 2008 với việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh.
Sau đó, thông qua các hoạt động đầu tư liên tục tại Thái Nguyên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hiện nay Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Lũy kế đầu tư tính đến cuối năm 2022 là 20 tỉ USD khẳng định Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Hiện tại hơn 50% điện thoại của Samsung bán trên toàn thế giới là sản phẩm “Made in Vietnam”. Qua đó, Việt Nam đã phát triển nhảy vọt trở thành quốc gia trọng điểm toàn cầu sản xuất điện thoại di động ra toàn thế giới.
Đặc biệt, sau sự góp mặt của Samsung, hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, nơi vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp đã thay đổi hoàn toàn, trở thành cứ điểm sản xuất chính của thiết bị công nghệ thông tin.
Hơn thế nữa, với việc Trung tâm R&D của Samsung đi vào hoạt động từ cuối năm 2022, Samsung đang đặt ra mục tiêu đưa nơi đây trở thành trung tâm R&D hàng đầu không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn trên phạm vi thế giới.
Nhiệm vụ cốt lỗi của trung tâm này là góp phần đặt nền móng cho nhân tài công nghệ Việt Nam và phát triển công nghiệp. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang coi đổi mới sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Câu chuyện của Samsung tại Việt Nam là một dẫn chứng cho việc “đôi bên cùng thắng” hay như nhiều nhà lãnh đạo đã từng nhận định “thành công của Samsung là thành công của Việt Nam”.
Các doanh nghiệp FDI cần chung tay “bồi đắp cho mảnh đất” nuôi dưỡng mình
Trong xu thế hội nhập toàn cầu thì Việt Nam cũng sẽ không thể năm ngoài các tác động do những biến đổi kinh tế, chính trị trên thế giới gây ra. Ông Choi Joo Ho đã chỉ ra những biến động lớn của thế giới như cuộc xung đột Nga – Ukraine, sự cạnh tranh Mỹ – Trung hay quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, là những yếu tố có thể đe dọa tới môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, đại diện của Samsung Việt Nam đề xuất ba nội dung nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh, xa hơn nữa là vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và các doanh nghiệp FDI.
Thứ nhất, là việc cải thiện môi trường đầu tư liên tục của Chính phủ Việt Nam. Từ sau khi thực hiện chính sách Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư, dẫn tới việc mở rộng đầu tư liên tục của các doanh nghiệp FDI. Việc cải thiện môi trường đầu tư phải được thực hiện liên tục để thích ứng linh hoạt với những biến đổi của môi trường bên ngoài.
Cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu là ví dụ điển hình của ‘những biến đổi môi trường bên ngoài’ quan trọng nhất gần đây.
Sự đối ứng của chính phủ Việt Nam với biến đổi này rất quan trọng. Là một cơ chế được áp dụng bởi tổ chức quốc tế, nên những chính sách cụ thể được đưa ra với sự thỏa thuận của nhiều bên liên quan. Do đó, nếu Việt Nam cũng áp dụng những chính sách này thì có thể loại bỏ đáng kể sự bất ổn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng.
Thứ hai, là việc thực hiện cam kết và xây dựng lòng tin giữa Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp. Lấy dẫn chứng ngay từ câu chuyện giữa Chính phủ Việt Nam và Samsung, ông Choi Joo Ho nhấn mạnh việc thực hiện cam kết một cách nghiêm túc giữa Chính phủ Việt Nam và Samsung dựa trên nền tảng của mối quan hệ tin cậy sâu sắc lẫn nhau, và hai bên đã hình thành một mối quan hệ mang tính phát triển theo một vòng tuần hoàn tích cực. Đây cũng là kinh nghiệm để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khác có thể tham khảo.
Thứ ba, Samsung đề xuất các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài liên tục thực hiện các hoạt động cống hiến xã hội tại Việt Nam.
“Có thể nói ngay từ giây phút đầu tư vào Việt Nam thì nơi đây đã không chỉ đơn thuần là thị trường đầu tư mà đã trở thành ‘mảnh đất’ nuôi dưỡng các doanh nghiệp. Và doanh nghiệp cần phải bồi đắp liên tục mảnh đất này thì mới có thể phát triển biền vững được.” – ông Choi Joo Ho cho biết.
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không thể chỉ hưởng lợi ích tại Việt Nam rồi rời đi mà các doanh nghiệp cần phải cùng đồng hành và phát triển với người dân Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Người đứng đầu Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết Samsung đang dành cho Việt Nam một khoản ngân sách hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở mức cao nhất trong số các quốc gia Samsung đầu tư, tương xứng với tầm quan trọng của Việt Nam.
Tận dụng đặc thù của doanh nghiệp công nghệ thông tin toàn cầu, Samsung đang thực hiện các dự án như đào tạo khoa học công nghệ, nuôi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực nghề, hỗ trợ học tập cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Nếu các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng cường hơn nữa các hoạt động trách nhiệm xã hội tại Việt Nam và đồng hành cùng Việt Nam, thì mối quan hệ giữa Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở mối quan hệ kinh doanh, mà còn phát triển thành quan hệ đối tác, có thể cùng nhau vượt qua bất cứ khó khăn nào.
Nguyễn Đức