OpenAI vừa tiết lộ phiên bản mới nhất của công nghệ nền tảng cho chatbot ChatGPT. Elon Musk công bố đối thủ ChatGPT – Grok. Đã có một phiên điều trần của tiểu ban Thượng viện Mỹ về quy định trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế, một cuộc tấn công chống lại OpenAI và thiết bị AI có thể đeo được đầu tiên tham vọng thay thế điện thoại thông minh.
Theo Reece Hayden, nhà phân tích tại ABI Research, đây là dấu hiệu cho thấy tốc độ di chuyển của thị trường trí tuệ nhân tạo (AI). Những diễn biến trong tuần qua minh họa cho những gì đang diễn ra trong ngành.
Cộng đồng AI tiếp tục cân bằng rủi ro của những hậu quả không mong muốn khi di chuyển quá nhanh, đồng thời phải đi càng nhanh càng tốt để duy trì tính cạnh tranh và sáng tạo.
“Nhìn chung, đó là một tuần lễ lớn”, nhà phân tích Hayden nói thêm.
Ngày trọng đại của OpenAI
Khoảng một năm sau khi ra mắt ChatGPT, OpenAI tổ chức hội nghị nhà phát triển đầu tiên. Tại đây, công ty giới thiệu một loạt các bản cập nhật công cụ AI, bao gồm khả năng cho phép các nhà phát triển tạo ra các phiên bản tùy chỉnh của ChatGPT (GPT).
Tương tự như plugin, GPT có thể kết nối với cơ sở dữ liệu, được sử dụng trong email hoặc giúp đặt hàng thương mại điện tử dễ hơn.
Trong vài phút, Sam Altman – CEO OpenAI khi đó – chứng minh mọi người dễ dàng tạo GPT mà không cần bất kỳ kinh nghiệm lập trình nào.
Công ty cũng sẽ ra mắt GPT Store từ cuối tháng này để tìm kiếm GPT. Tương tự như các cửa hàng ứng dụng khác, chúng sẽ được liệt kê trên bảng xếp hạng và công ty sẽ làm nổi bật các công cụ hữu ích trong các danh mục như làm việc, giáo dục và giải trí.
Theo ông Hayden, nó báo hiệu ý định của OpenAI trong “giải quyết các thách thức chiến lược thương mại của họ”, bao gồm chi phí cao và nguồn doanh thu hạn chế, thông qua xây dựng một hệ sinh thái nhà phát triển mạnh mẽ.
Altman cũng giới thiệu GPT-4 Turbo, phiên bản mới nhất của công nghệ hỗ trợ ChatGPT. Bên cạnh đó, ông chia sẻ thêm về sự phát triển của nền tảng: Khoảng 2 triệu nhà phát triển hiện đang sử dụng nền tảng này và khoảng 90% các công ty Fortune 500 đang sử dụng các công cụ này nội bộ. Nó hiện có 100 triệu người dùng hoạt động.
Ai Pin
Humane, startup do các cựu nhân viên Apple sáng lập, đã giới thiệu thiết bị đeo AI đầu tiên có tên là Ai Pin, gắn vào quần áo.
Nó dự định sẽ thay thế điện thoại thông minh bằng cách chiếu thông tin lên tay người dùng, có khả năng trả lời các cuộc gọi và thực hiện các tác vụ khác nhau mà không cần đến smartphone.
Nó cũng trang bị một số công cụ hỗ trợ AI, bao gồm khả năng tìm kiếm, gửi tin nhắn và quản lý email lộn xộn.
Ai Pin, chạy trên bộ xử lý Snapdragon và dùng động cơ Qualcomm AI, được trang bị cảm biến độ sâu và chuyển động, có camera góc siêu rộng và màn hình mực laser.
Arun Chandrasekaran, nhà phân tích tại Gartner, cho biết Ai Pin đánh dấu một “bước quan trọng trong thiết kế phần cứng tương lai để tạo ra và khám phá một cách tương tác mới giữa con người và máy móc”.
Dù vậy, vẫn chưa rõ sẽ ứng dụng thiết bị như thế nào. Dù hứa hẹn pin cả ngày, Hayden chỉ ra thách thức lớn nhất đối với việc triển khai AI trên thiết bị là tuổi thọ pin.
Ngoài ra còn có các mối quan tâm khác như việc AI liên tục thu thập và xử lý dữ liệu, đòi hỏi niềm tin từ xã hội. Ai Pin, có giá từ 699 USD, được bán tại Mỹ từ ngày 16/11.
Sự xuất hiện của Grok
xAI – startup AI của Elon Musk – công bố chatbot Grok dành cho một số người dùng X, mang phong cách hài hước, dí dỏm và nổi loạn.
Musk còn nói Grok có khiếu trào phúng tương tự mình. Grok được đào tạo bằng cách truy cập thời gian thực vào thông tin trên X.
Theo ông chủ Tesla, Grok vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu nhưng sẽ cập bến dịch vụ Premium + của X tại Mỹ.
Musk là người đồng sáng lập OpenAI nhưng đã từ chức Chủ tịch 5 năm trước một phần vì những bất đồng về hướng đi của công ty này.
Tấn công có chủ đích vào OpenAI
Hai ngày sau hội nghị nhà phát triển, OpenAI đã trải qua sự cố ngừng hoạt động quy mô lớn đối với các dịch vụ của mình, mà nguyên nhân được xác định sau đó là các cuộc tấn công có chủ đích tiềm ẩn trên các máy chủ của nó.
OpenAI viết trên trang web của mình vào tối 15/11 rằng đang “đối phó với sự cố ngừng hoạt động định kỳ do mô hình lưu lượng truy cập bất thường phản ánh một cuộc tấn công DDoS”.
Tấn công DDoS, hoặc từ chối dịch vụ phân tán, đề cập đến một kẻ tấn công nhấn chìm một máy chủ Internet để làm gián đoạn lưu lượng truy cập bình thường.
Người dùng hôm 15/11 không thể truy cập tất cả các công cụ và dịch vụ của OpenAI và nhận được thông báo rằng nền tảng này đang hoạt động hết công suất.
Công ty cho biết không có thông tin người dùng nào bị xâm phạm.
Khai thác thêm AI
Các công ty công nghệ lớn cũng tăng cường ứng dụng AI. Hãng Reuters đưa tin, Amazon đang đầu tư hàng triệu USD vào việc đào tạo một AI có tên mã là “Olympus”, thông minh hơn mô hình GPT-4 của OpenAI.
Ngoài ra, YouTube đang thử nghiệm các công cụ AI để trả lời các câu hỏi về nội dung, đưa ra gợi ý và tóm tắt các chủ đề trong phần bình luận của video.
Chandrasekaran nói rằng trong khi không phải mọi công ty tạo ra các mô hình AI khổng lồ mà tiếp tục xây dựng các mô hình nhỏ hơn và cụ thể hơn để cải thiện sản phẩm của họ, tự động hóa các nhiệm vụ và đạt được lợi thế cạnh tranh.
Sam Altman bị sa thải
Ngày 17/11, OpenAI gây sốc cho cả giới công nghệ khi tuyên bố sa thải CEO Sam Altman. Lý do của ban quản trị là Sam không thẳng thắn khi giao tiếp với các thành viên. Quyết định đột ngột của công ty vấp phải phản ứng dữ dội từ nhân viên, nhà đầu tư và cộng đồng AI thế giới.
Chưa rõ nguyên nhân thật sự khiến Altman mất ghế CEO là gì. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Bloomberg, bất chấp những lời kêu gọi phục chức cho Altman, OpenAI đã tuyển một người khác về lãnh đạo startup.
(Theo CNN)