Quản lý chi tiêu không quá chú trọng về tính toán
Thực tế có rất nhiều phương pháp quản lý chi tiêu mà bạn có thể tham khảo như 50/30/20, 6 chiếc lọ, ghi chép (bằng sổ sách hoặc file Excel) hay dùng các phần mềm theo dõi chi tiêu. Tuy nhiên, qua quá trình tư vấn cho rất nhiều khách hàng cũng như tiếp xúc trao đổi với các bạn trẻ, ông Tạ Thanh Tùng – Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT – thường nhận được câu trả lời là họ vẫn chưa quản lý chi tiêu thực sự hiệu quả. Nhiều người vẫn bị lạm chi hoặc không tiết kiệm được số tiền theo kế hoạch, mặc dù đã ghi chép các khoản chi tiêu rất chi tiết, đầy đủ.
Ông Tùng nhấn mạnh, quản lý chi tiêu là vấn đề thuộc về tâm lý hành vi nhiều hơn là các kỹ thuật tính toán. Do đó, mỗi người cần có một công cụ hỗ trợ về mặt tâm lý như sau:
Số tiền bạn muốn tiết kiệm hằng tháng nên được trích ra đầu tiên, ngay sau khi nhận thu nhập để đảm bảo bạn tiết kiệm được như dự tính, không chi số tiền này cho những mục đích không phù hợp.
Kế đến, bạn khoanh vùng chi phí cho mục đích hưởng thụ giải trí. Để giới hạn bản thân chỉ chi tiêu trong số tiền này, tốt nhất bạn nên tách khoản tiền này vào một tài khoản riêng biệt để mỗi khi nhìn vào tài khoản này bạn biết được mình đã chi bao nhiêu và còn được chi bao nhiêu cho những nhu cầu xa xỉ.
Cuối cùng, phần còn lại chúng ta sẽ tính toán các chi phí cố định, dự tính tiền chợ cũng như các khoản chi tiêu phát sinh lặt vặt và gói ghém trong tài khoản cho mục tiêu thiết yếu.
“Bạn cũng dễ dàng nhận thấy, nền tảng của phương pháp này là nguyên tắc lập ngân sách 50/30/20 – tương ứng thiết yếu/hưởng thụ/tiết kiệm. Tuy nhiên, các tỉ lệ này sẽ theo hướng nếu thu nhập cao hơn, bạn cần nâng cao tỉ lệ tiết kiệm hơn. Bằng việc chia 3 tài khoản riêng biệt như vậy với số tiền trích đều đặn hằng tháng, bạn không cần phải quá quan tâm ghi chép chi tiết từng khoản chi bên trong” – vị chuyên gia chia sẻ.
Thu nhập quá thấp có tiết kiệm được không?
Theo ông Tạ Thanh Tùng, thực tế chứng minh với việc đã cắt trước khoản tiền dành cho mục tiêu tiết kiệm từ đầu tháng và quyết tâm không đụng vào khoản này, đối với các khoản chi tiêu còn lại bạn sẽ kích hoạt cơ chế “đánh đổi” mỗi khi đứng trước một quyết định chi tiêu (nhìn vào số tiền còn lại để biết mình còn được chi bao nhiêu). Do đó bạn sẽ dễ dàng hoàn thành mục tiêu tiết kiệm, cụ thể là gói ghém chi tiêu trong khoản tiền còn lại sau tiết kiệm.
Trường hợp, thu nhập chúng ta không thể dư ra cho mục tiêu tiết kiệm dù đã cố gắng hết sức, ông Tùng cho rằng, lúc này là lúc bắt buộc bạn phải tìm cách tăng thu nhập, hoặc lựa chọn khu vực/địa điểm sống có mức chi phí thấp hơn.
Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT – Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hằng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!
Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.