Việc xã hội hóa sách giáo khoa (SGK) là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, SGK luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là về giá thành và chất lượng.
Không còn miếng bánh độc quyền
Từ năm 2020 khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với quy định một chương trình, nhiều SGK được triển khai, thị phần SGK không còn là chiếc bánh độc quyền của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam. Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy thị phần phát hành SGK giai đoạn 2021 – 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam từ 100% trước khi thực hiện xã hội hóa, nay còn 71,8%.
Theo Bộ GDĐT, tính đến nay có 7 NXB tham gia triển khai công tác xã hội hóa biên soạn SGK, gồm: NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TPHCM, NXB Đại học Quốc gia TPHCM, NXB Đại học Huế, NXB Đại học Vinh, NXB Đại học Quốc gia. Ngoài ra còn có 12 công ty cũng tham gia thực hiện biên soạn SGK.
Theo đó, môn học có ít nhất là 1 SGK, môn học có nhiều nhất là 10 SGK, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học.
Bộ GDĐT đánh giá, chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK đã tạo ra sự đa dạng, phong phú nguồn cung và chất lượng SGK, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường có thêm nhiều lựa chọn SGK phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, sự tham gia của nhiều NXB, tổ chức, doanh nghiệp xuất bản SGK là yếu tố quyết định sự thành công của chủ trương xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa việc biên soạn SGK. Tài liệu học tập phong phú, có chất lượng tốt về nội dung và hình thức, góp phần đắc lực thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước nhà.
Theo ông Tùng, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là quan điểm tiến bộ. Sự đột phá này làm thay đổi chất lượng cũng như diện mạo của giáo dục Việt Nam, nên cần quyết tâm, kiên định, vượt khó để triển khai.
“Chương trình là yếu tố tĩnh, SGK được hiểu là yếu tố động. Giáo viên sẽ lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện, phương pháp giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Đây được xem như độ mở sáng tạo cho giáo viên và học sinh khiến tình trạng thầy đọc – trò chép, dạy thêm học thêm, bài tập về nhà chồng chất sẽ dần loại bỏ”, ông Tùng nêu quan điểm.
Chấm dứt tình trạng “bia kèm lạc”
Việc xã hội hóa SGK là chủ trương đúng đắn nhưng qua 5 năm triển khai, vấn đề về SGK luôn là chủ đề nóng, gây nhiều tranh cãi. Quá trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, SGK mới bộc lộ nhiều bất cập từ nội dung, quy trình cung ứng tới giá SGK.
Với sự vào cuộc của các nhà xuất bản, sự cạnh tranh về chất lượng nội dung, hình thức tăng lên kèm theo đó là giá SGK cũng tăng đáng kể. Thực tế, không có bộ SGK nào vượt quá 300.000 đồng, nhưng một số nơi đã gộp các loại sách khác nên dẫn đến tình trạng giá SGK tăng cao.
Câu chuyện bán SGK “bia kèm lạc”, lãng phí các loại sách tham khảo cho học sinh phổ thông các cấp cũng đã được dư luận xã hội nêu từ nhiều năm qua trên nhiều diễn đàn, báo chí, mạng xã hội.
Tìm hiểu bộ SGK lớp 6 của một trường THCS trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) triển khai cho học sinh nhà trường trong năm học này cho thấy, trong số 27 tên sách trong bộ SGK này thì có tới 10 tên sách bài tập với tổng giá trị trọn bộ sách là 555.000 đồng.
So với SGK cũ, một bộ SGK mới nếu tính cả sách bài tập, sách tham khảo cùng một số sách ngoại ngữ thì giá cao hơn nhiều. Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An) Hồ Tuấn Anh nhìn nhận, cách quản lý, phát hành SGK hiện nay chưa thực sự vì lợi ích người học. Việc lãng phí SGK là có thật. Không ít gia đình thêm gánh nặng tài chính vì giá SGK tăng.
Theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, các đơn vị phát hành, nhà trường cần chấm dứt tình trạng phát hành SGK kiểu “bia kèm lạc”.
Nhằm tránh lãnh phí, bảo đảm SGK được sử dụng lâu dài, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo sử dụng hiệu quả SGK trong dạy học và ổn định.
Bộ GDĐT cũng đề nghị địa phương tăng cường trách nhiệm về lựa chọn, cung ứng, sử dụng SGK; có phương án hỗ trợ SGK cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Về giá SGK, Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng cho biết, thời gian vừa qua, dư luận cho rằng NXB Giáo dục Việt Nam lãi lớn từ SGK nhưng trên thực tế, lợi nhuận từ SGK là có nhưng lãi ít. Lợi nhuận của NXB chủ yếu có được từ các loại sách khác như: sách bổ trợ, sách tham khảo, vốn là loại sách mà bất cứ đơn vị xuất bản nào cũng được tham gia làm.
Mặc dù lợi nhuận thu được từ SGK là rất thấp, song NXB Giáo dục Việt Nam xác định việc hỗ trợ giáo viên, học sinh và đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Vì vậy, từ năm học 2024-2025, NXB đã thực hiện điều chỉnh giảm giá SGK.
Nguồn: https://daidoanket.vn/sach-giao-khoa-vao-the-canh-tranh-loi-doi-duong-10296694.html