Nhà văn người Na Uy Jon Fosse (64 tuổi) đã trở thành chủ nhân của giải Nobel văn học 2023 vì “những vở kịch và tác phẩm sáng tạo của ông đã đưa lại tiếng nói cho những điều tưởng như không thể nói ra”.
Các tác phẩm của Jon Fosse đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng. Trong sự nghiệp viết kịch và sáng tác văn chương của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá.
Sách cho người mới bắt đầu
Những câu chuyện mạnh mẽ và thường rất ngắn trong tuyển tập Scenes from a Childhood (Một thời thơ ấu) cho thấy rõ sự nghiệp văn chương của Fosse từ năm 1983 đến năm 2013.
Những câu chuyện này đóng vai trò như lời giới thiệu về các chủ đề trung tâm trong tác phẩm của ông: tuổi thơ, ký ức, gia đình, đức tin… với một sức mạnh mãnh liệt, cảm giác về tính hai mặt và thuyết định mệnh.
Rời rạc, đôi khi cố tình đơn giản hóa, Scenes from a Childhood đánh dấu hành trình cuộc đời từ trẻ đến già của tác giả.
Một số tác phẩm nổi bật như: Red kiss mark of a letter (Dấu hôn đỏ của một lá thư); And then my dog will come back to me (Và rồi con chó của tôi sẽ quay lại với tôi).
Nếu chỉ đọc một cuốn sách của Jon Fosse
Trong cuốn tiểu thuyết ngắn Aliss at the fire năm 2023 của Fosse, bà Signe nằm bên đống lửa tại ngôi nhà của mình cạnh một vịnh hẹp, mơ về chính mình 20 năm trước và chồng bà, Asle, một ngày nọ chèo thuyền trên mặt nước trong một cơn bão và không bao giờ quay trở lại.
Cuốn sách này điển hình cho phong cách viết của Fosse – ảm đạm, sử dụng hình ảnh trung tâm lặp đi lặp lại, đen tối, được triển khai theo cấu trúc vòng lặp của lịch sử của tổ tiên (Aliss trong tiêu đề cuốn sách là bà cố của Asle); các hành động được nhân đôi và lặp đi lặp lại (ông nội của Asle có cùng tên với ông và chịu chung số phận chết đuối).
Một cuốn sách được nhận xét “đầy tính thôi miên và bí ẩn”.
Sách cho người đọc vội vã
Được xuất bản vào năm 1989, The Boathouse là tác phẩm gần gũi nhất mà Fosse viết theo thể loại tiểu thuyết tội phạm.
Người kể chuyện 30 tuổi dường như đã hoàn toàn thất bại trong cuộc sống. Anh sống với mẹ, sống ẩn dật, dường như không thể tự làm những việc cơ bản. Thành tựu quan trọng nhất của anh đã lùi về quá khứ, đó là ban nhạc rock mà anh xây dựng cùng người bạn thơ ấu Knut – người mà anh đã mất liên lạc.
Vào một mùa hè nọ, một cuộc gặp gỡ tình cờ với Knut – hiện đã kết hôn và tương đối thành công – sẽ dẫn đến một kết cục tàn khốc.
Song song với điều này, người kể chuyện cũng đang viết một cuốn tiểu thuyết có sự quan sát sâu sắc về mọi trường hợp tồn tại “không yên” của anh ta: một ví dụ hoàn hảo cho câu châm ngôn “cứ viết đi, không nghĩ” mà Fosse đã hướng dẫn các học trò vào cuối những năm 80.
Đọc một vở kịch của Fosse
“Tôi không thể không tự hỏi liệu khoảng cách văn hóa giữa thế giới của Fosse và thế giới của chúng ta có quá rộng hay không”, nhà phê bình của The Guardian viết khi vở kịch Dream of Autumn (Giấc mơ mùa thu) năm 1999 của Fosse ra mắt lần đầu bằng tiếng Anh tại Dublin (thủ đô của Ireland) năm 2006.
Nhiều điều đã thay đổi ở châu Âu và phần còn lại của thế giới trong 17 năm qua. Tiền đề của vở kịch rất đơn giản: một người đàn ông và một phụ nữ gặp nhau trong nghĩa địa và bắt đầu ngoại tình – có lẽ họ đã biết nhau từ kiếp trước.
Khi họ rời nghĩa địa, cha mẹ của người đàn ông đến dự đám tang và như cách viết thường gặp của Fosse, thời gian trôi qua theo năm tháng, trong một vũ điệu kéo dài, khao khát của vòng tuần hoàn giữa các thế hệ.
Cuốn sách xứng đáng để người đọc kiên trì
Trong Melancholy I và II, Fosse đưa người đọc đi sâu vào tâm trí “bị tra tấn” của họa sĩ phong cảnh thế kỷ XIX Lars Hertervig – người đã chết trong nghèo khó vào năm 1902, ở tuổi 70.
Cuộc đời của ông đã bị hủy hoại bởi những ảo giác và ảo tưởng, khiến những bức tranh của ông trông có vẻ mộng mơ, nhưng cũng rất tuyệt vời.
Hertervig lần đầu tiên bị loạn thần khi còn là sinh viên tại trường nghệ thuật ở Düsseldorf (Đức). Các cuốn tiểu thuyết (ban đầu được xuất bản riêng nhưng bây giờ thành một tập) thể hiện những ý nghĩa của việc trở thành một nghệ sĩ.
Melancholy I kể chi tiết những nỗi ám ảnh, lo lắng và suy sụp cuối cùng của chàng trai trẻ Hertervig trong một ngày khủng khiếp.
Melancholy II đóng vai trò như một sự kết thúc mạnh mẽ, với những góc nhìn kể chuyện khác nhau – bao gồm cả quan điểm của một người viết tiểu sử hư cấu – nhiều năm sau cái chết của Hertervig.
Tuyệt tác
7 cuốn sách trong bộ Septology I-VII của Fosse (giờ đã được chia thành 3 tập: The other name, I is another và A new name) xoay quanh Asle, một nghệ sĩ lớn tuổi sống ở vùng Tây Nam Na Uy xa xôi.
Giống như Fosse, Asle đang vật lộn với thời gian, nghệ thuật và bản ngã. Đó là một tác phẩm phi thường về cuộc khủng hoảng hiện sinh, về sự mất trí nhớ và những bản sao dai dẳng, dù là thực hay tưởng tượng. Cuộc sống đã sống và cuộc sống lẽ ra đã có thể sống, trong con người của một cái bóng khác.
Những cuốn sách mang theo nỗi hồi hộp và căng thẳng được trình bày liền mạch, không ngắt câu, để người đọc như đang sống cuộc đời của Asle.
Septology cũng là một tác phẩm của niềm tin tôn giáo sâu sắc, trong đó một người đàn ông, một nghệ sĩ và trên hết, một con người cuối cùng đã kết thúc một hành trình: “Chắc chắn là chỉ khi mọi thứ đen tối nhất, phải thực sự đen tối nhất, thì bạn mới nhìn thấy ánh sáng”.
Jon Fosse sinh ở Haugesund, Na Uy năm 1959. Tiểu thuyết đầu tay của ông – Raudt, svart (Đỏ, đen) – được xuất bản năm 1983. Năm 1989, ông được đánh giá cao với tiểu thuyết Naustet (Nhà thuyền).
Sau đó, ông tiếp tục viết vở kịch đầu tiên năm 1992 – Nokon kjem til å kome (Ai đó sẽ đến). Năm 1994, vở Og aldri skal vi skiljast được trình diễn ở Nhà hát Quốc gia ở Bergen.
Fosse sáng tác bằng tiếng Nynorsk (hay còn gọi là tiếng Na Uy mới). Đây là một trong hai ngôn ngữ tiêu chuẩn trong tiếng Na Uy, được sử dụng bởi khoảng 27% dân số.
Ông là nhà soạn kịch còn sống có tác phẩm được biểu diễn nhiều nhất châu Âu, được dịch sang 40 ngôn ngữ khác nhau. Khách sạn ở Oslo (Na Uy) có một dãy phòng được đặt theo tên ông.
Ngoài viết kịch và tiểu thuyết, Jon Fosse còn là dịch giả.