Tối 17-4, trong khuôn khổ của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3 đã diễn ra tọa đàm Chữa lành cùng sách với sự tham gia của các diễn giả: sư cô Suối Thông; nhà báo, nhà văn Bùi Tiểu Quyên; nhà báo Võ Huỳnh Tấn Tài.
Trong tọa đàm, các diễn giả bàn về vai trò của sách trong đời sống và sức khỏe tinh thần của con người.
Sách là phương tiện chữa lành cho tâm hồn
Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ “chữa lành” để nói về sách là khá chính xác.
Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy. Có lúc người ta gặp một cái gì đó bất trắc, chông chênh thì sẽ cần đến nhiều phương pháp hỗ trợ.
“Sách là một phương tiện chữa lành tốt. Tuy nhiên, cũng giống như thuốc, mỗi cuốn sách sẽ giải quyết một vấn đề riêng và chỉ phù hợp cho một tệp người nhất định” – sư cô Suối Thông nói.
Thời đại ngày nay, không chỉ người lớn có những vấn đề về tinh thần mà các bạn nhỏ cũng có thể gặp phải.
Cách đây vài ngày, nhà văn Bùi Tiểu Quyên kể cô đến gặp gỡ, giao lưu với các em học sinh ở một trường trung học.
Cô bất ngờ và xót xa khi nghe một em lớp 9 nói rằng: “Thế hệ của chúng con cũng gặp những vấn đề trầm cảm và tụi con cảm thấy rất đơn độc”.
Tiểu Quyên nói người bạn nhỏ ấy đã tìm đến với sách bởi nhờ sách mà bạn ấy không cảm thấy mình cô đơn.
“Dù ở độ tuổi nào, làm nghề gì thì chúng ta sẽ ít nhiều có những nỗi buồn, tổn thương trong cuộc sống và tự mình phải vượt qua.
Nhưng ở thời điểm đó, có thể ta không nhìn thấy rõ mình đang trải qua điều gì để tìm cách giải quyết thì sách như một người bạn thủ thỉ, dẫn đường để ta soi chiếu, tìm lại bản thân mình qua từng con chữ” – nhà văn Tiểu Quyên chia sẻ.
Theo Tiểu Quyên, tất nhiên, sách không thể chữa lành ngay tức khắc mà nó cũng giống như việc tưới nước cho cây, cây ươm rễ rồi bám vào đất và cái rễ là sức mạnh, niềm tin bên trong của mỗi con người.
“Sức mạnh của sách là vô hình nhưng rất mạnh mẽ, có thể đưa chúng ta vượt qua những trở ngại, đau khổ trong cuộc đời mà không thể nhìn thấy một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình” – cô khẳng định.
Sách là điểm tựa tinh thần khi con người mất kết nối
Nhà báo Tấn Tài đặt vấn đề rằng vì sao người trẻ ngày nay dễ rơi vào trạng thái mất kết nối? Và phải chăng chúng ta đang mất đi sự kết nối trực tiếp với nhau?
Anh cho rằng người trẻ tiếp xúc với nhiều phương tiện công nghệ, kết nối gián tiếp với nhau. Những kết nối trong thực tế thì lại quên đi.
Có nhiều quan điểm cùng đồng tình với anh. Thậm chí, một độc giả đặt câu hỏi:
“Cuộc sống ngày càng bận rộn, người trẻ ngày càng cô đơn và họ có xu hướng tìm đến niềm vui từ mạng xã hội, công nghệ để chữa lành. Vậy có cách nào để họ không lãng quên sách giấy?”.
Nhà văn Tiểu Quyên nói việc tìm kiếm niềm vui qua màn hình máy tính, điện thoại có Facebook, TikTok với muôn vàn thứ để giải trí sẽ khiến cho ta cảm thấy cô đơn hơn bởi thực tế là chúng ta đang đối thoại với màn hình phẳng và chúng không có cảm xúc.
Cô khuyên bạn đọc nên đọc sách ngoài thiên nhiên. Vì không gian đem lại cho chúng ta sự cộng hưởng.
“Đọc sách trong tiếng lá, tiếng dòng nước chảy, tiếng đập cánh của vịt và tiếng của chim chiều bay về tổ cho ta thấy sự kết nối rõ ràng với thiên nhiên” – Tiểu Quyên chia sẻ.