Sách mới xuất bản đã hết sạch
Là người dịch truyện Tàu nhiều và hay có tiếng, thế nên những bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục được in với số lượng rất khả quan. Tỉ như Vợ tôi của Từ Trẩm Á do cụ Mục dịch (Tân Dân, 1927), mỗi cuốn in 4.000 bản. Trong những năm 1920, theo Vũ Ngọc Phan thì sách “in được hai nghìn quyển đã là nhiều”. Cuốn Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ được Đào Trinh Nhất viết và in năm 1924. “Nhà in Nghiêm Hàm [thực ra là Nhà in Thụy Ký] in cuốn sách của Đào Trinh Nhất thì rất lo. Vì sách không phải là văn, truyện; như cuốn này, thì thời này chưa có, mà sách ấy lại bán những 1 đồng (giá các sách văn nghệ thường chỉ bán 3, 4 hào) […] nhà in sợ anh ta không có tiền trả. Vì một cuốn có luận đề về chính trị, kinh tế, thì ai mua. Nhưng sách in xong đưa tác giả, thì đúng hẹn, tác giả trả hết tiền in. Bọn Khách trú tư sản thấy cuốn sách rất nguy hiểm cho chúng, nên chúng đã phải mua hết để hủy đi”, theo hồi ức Nhớ gì ghi nấy của Nguyễn Công Hoan.
Cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân cũng là một trong những sách bán chạy, hết nhanh ngay sau khi xuất bản. Sau khi xuất bản ở Hà Nội, sách được phát hành vào cả trong Nam kỳ. “Nhà sách Nguyễn Khánh Đàm ở Sài Gòn phát hành “quyển Thi nhân Việt Nam bán có mấy ngày đã tái bản rồi”, nữ sĩ Mộng Tuyết kể về hiện tượng Thi nhân Việt Nam như thế. Đây là cuốn sách khi xuất bản đã tạo được một làn gió mới trong đông đảo độc giả. Dẫu giá sách cao hơn so với mặt bằng chung, vẫn được tìm mua, chuyền tay nhau đọc. “Tôi đã hiểu tại sao lúc gạo châu củi quế mà Thi nhân Việt Nam bán giá cao đã thu hút độc giả […] Tôi nhớ ở Trường Trung học Cần Thơ học sinh chỉ mua chừng mươi cuốn, chuyền tay mà đọc. Đọc rồi chép”, Sơn Nam ghi trong hồi ký Từ U Minh đến Cần Thơ.
Có tác phẩm, do tính chất giật gân, đánh vào sự tò mò của độc giả, mà số lượng in cũng trở nên khả quan. Với số lượng in 5.000 cuốn, sách Truyện Đơn Hùng Tính Annam tục kêu Ba Tính ăn cướp dữ tợn danh rúng cả Nam Kỳ Cao Man [Miên] của Mạnh Tự được Nhà in Xưa Nay ấn hành năm 1925, bán giá 3 hào cho 40 trang sách kèm thông tin “có hình đẹp lắm” giới thiệu nơi bìa 1; Cái án Sơn Vương là hồi ký tự thuật của nhà văn Sơn Vương về việc mình hành nghề trộm cướp, được in 2.000 bản vào năm 1938.
Năm 1925, vụ xử án cụ Phan Bội Châu gây dư luận rộng rãi khắp ba kỳ. “Phiên tòa xử cụ Phan được in lại thành sách, in bao nhiêu cũng hết. Các sách của Cụ được dịch, bán rất mạnh”, Nguyễn Công Hoan nhớ lại dạo ấy. Bài diễn thuyết của cụ Phan Bội Châu ngày 17 Mars 1926, Nhà in Xưa Nay in 3.000 bản lần thứ nhất, năm 1926; Tuyên cáo quốc dân, Tân Dân thư quán xuất bản, in 10.000 cuốn, năm 1926; Phan Bội Châu ngày nay của Tùng Lâm Lê Cương Phụng, Nhà in Xưa Nay thực hiện năm 1926, số lượng 2.000 bản…
Kép Tư Bền du lịch xứ Huế
Trong hồi ức Nhớ gì ghi nấy, Nguyễn Công Hoan còn nhớ năm 1935 vào Huế chơi, được Hoài Thanh dẫn đến hiệu sách Hương Giang của Hải Triều. Cũng dịp đó, sách Kép Tư Bền của ông được xuất bản. Vốn Nguyễn Công Hoan khi ấy đã thành danh trên đường văn nghiệp, tác phẩm được độc giả ba kỳ đón nhận. Hải Triều nhân có sách Kép Tư Bền mới giao từ Bắc kỳ vào, đã tổ chức buổi ký tặng sách của tác giả dành cho bạn đọc. Một tấm bảng được viết ở cửa hiệu sách, thời gian ký sách của tác giả là 15 – 17 giờ. Sau vì có nhiều độc giả đến xin chữ ký, buổi ký tặng kéo dài đến 19 giờ.
Kỷ niệm về ký tặng sách Kép Tư Bền không chỉ tác giả của tác phẩm này còn nhớ, mà Nguyễn Xuân Sanh cũng in đậm kỷ niệm về lần ấy trong hồi tưởng Những gương mặt mến yêu. Nhà thơ của nhóm Xuân Thu Nhã Tập còn nhớ buổi chiều ký tặng sách ấy nhằm ngày thứ năm. “Hiệu sách Hương Giang còn đông người xếp hàng mua sách và xin chữ ký nhà văn Nguyễn Công Hoan […] Tác phẩm Kép Tư Bền xếp thẳng hàng trên hai ngăn tủ kính trước. Bìa màu nâu nhạt kín đáo mà ấm”.
Huy Cận và Nguyễn Xuân Sanh cùng mua chung một cuốn Kép Tư Bền và xếp hàng. Lúc ấy, tác giả với mái tóc húi hơi ngắn ký tặng cho độc giả, ký xong cho ai, lại quay nhìn người đưa sách ký. “Nhà văn có vẻ như cười với Huy Cận, vì Huy Cận là người đã cầm cuốn Kép Tư Bền xin chữ ký của anh”. Xin được chữ ký của tác giả mình ái mộ, hai cậu học sinh Trường Quốc học Huế “đi đò ngang về, mừng trẻ nhỏ như mình mà được đến với nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan”. Sau buổi ký tặng, nhà sách Hương Giang còn thực hiện cuộc trưng cầu ý kiến độc giả về nhà văn được yêu chuộng. Kết quả, Nguyễn Công Hoan chính là nhà văn được bạn đọc bình chọn. Ấn tượng lần gặp Nguyễn Công Hoan xin chữ ký sách Kép Tư Bền đã gieo mộng văn chương cho về sau cho Huy Cận mà nhà thơ Tràng giang sau này còn nhớ, dịp ký tặng sách ấy, nhằm tháng 7.1935.
(còn tiếp)