Từ “thung lũng đựng nước” khiến người dân bỏ xứ đi…
Chớm xuân, mang theo sự hiếu kỳ về một làng quê Trung Bộ hiếm có và khác lạ, chúng tôi dừng chân tại xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) – ngôi làng nhỏ vừa đón nhận danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới” do tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) bình chọn.
Bình minh đã hé rạng nhưng màn sương mù mỏng tang vẫn lảng bảng trên đỉnh núi, làn sông xanh ngọc bích hiền hòa, còn mơ màng ngủ giữa thung lũng bình yên, dệt nên khung cảnh sơn thủy hữu tình nửa hư nửa thực “quyến rũ” du khách. Ấy vậy mà đằng sau vẻ đẹp tinh khôi ấy, Tân Hóa từng được coi là “thung lũng đựng nước”, nơi những con nước hung dữ đã từng nhấn chìm hy vọng của hơn 600 hộ dân, khiến cuộc sống của bà con trở nên vô cùng khó khăn, chật vật.
Xã Tân Hóa được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ cùng hệ thống hang động độc đáo được kiến tạo qua hàng triệu năm. Xẻ ngang giữa thung lũng là con sông Rào Nan chia thung lũng thành hai bờ, nơi mà cư dân tập trung định cư. Địa hình này đã khiến xã thường xuyên phải đối mặt với những thách thức của thiên tai. Mùa mưa, nước sông đổ ào ạt từ vùng thượng nguồn chảy về xã, trong khi lối thoát nước duy nhất là những hang động ở cuối thung lũng lại không đủ lớn để những con nước lũ dữ dằn có thể thoát ra một cách nhanh chóng. Bởi vậy, mỗi khi xuất hiện những đợt mưa lớn, dài ngày, Tân Hóa mặc nhiên trở thành vùng “rốn lũ”, để rồi khi nhắc đến miền quê này, người ta sẽ nhớ đến một vùng đất gánh chịu nhiều tổn thương do thiên tai. Theo thống kê, sau hai cơn lũ kinh hoàng năm 2010, toàn xã có 621 hộ gồm 3.000 khẩu bị ngập; trên 8.000 con gia súc gia cầm bị chết; hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm dự trữ của người dân bị cuốn trôi.
Vừa chỉ vào cây cột đánh dấu mực nước lũ những năm trước ở ngay đầu làng, vừa như để ghép lại những mảnh ký ức buồn muốn quên, ông Trương Sơn Bài – người từng giữ chức vụ Chủ tịch xã hai nhiệm kỳ bùi ngùi kể: “Cũng đã hơn một thập kỷ trôi qua kể từ trận lũ lịch sử ấy. Chúng tôi phải sơ tán lên các hang đá và vách núi cao, dựng lều căng bạt chờ nước rút. Mức nước lũ dâng cao đến 12 mét đã biến cả Tân Hóa thành một vùng trắng xóa, chỉ còn thấp thoáng những mái nhà nhỏ chới với nhô lên khỏi biển nước. Cơn lũ qua đi, nhìn những xác nhà và cây cối đổ nát nằm vắt vẻo bên đường, ai cũng phải cố nén nước mắt, bắt đầu cuộc sống lại một cách khó khăn”.
Thiếu ăn, thiếu mặc bởi làm lụng đủ thứ rồi cũng thành công dã tràng, nên người dân chẳng ai dám hy vọng nhiều. Canh tác trồng trọt, họ chỉ dám trồng những giống ngắn ngày như sắn, bắp. Nhà nào nuôi trâu, bò thì phải bỏ công, bỏ sức chạy qua tận bên Lào để cắt cỏ bởi cứ đến mùa lũ, bùn đóng lớp làm cỏ héo vàng, chết hầu hết. Cuộc sống lay lắt tránh lũ nơi bìa rừng, trên dốc đá tai mèo với đói rét, bệnh tật đã khiến người dân chẳng mấy ai còn tha thiết gắn bó với thôn làng. Cứ thế từng lớp, từng lớp thanh niên bỏ xứ tìm mưu sinh. Thế nên dù dân số ở đây trên 3.300 người, nhưng đã có đến cả ngàn thanh niên vào Nam kiếm sống, để lại một Tân Hóa vốn đã nghèo lại càng thêm cô đơn, trống vắng.
… Đến “làng du lịch tốt nhất thế giới” thu hút hàng ngàn khách quốc tế
Non trưa, bước qua cánh cổng làng khắc dòng chữ óng ánh sắc vàng “Làng du lịch Tân Hóa”, Tân Hóa vào độ lập xuân hiện lên thật ấn tượng. Men theo con đường bê tông vững chắc uốn lượn quanh co bên chân núi, những căn nhà gỗ mộc mạc đặc trưng của miền sơn cước đã dần được thay thế bởi những ngôi nhà hai tầng lợp ngói khang trang, hay những homestay nhỏ nhắn, xinh xắn. Những cánh đồng cỏ, nương mạ trơ trụi từng bị nước lũ vùi lấp đang dần hồi sinh xanh mướt bởi hơi ấm của mùa xuân. Thi thoảng, thanh âm rì rầm của thác nước cùng tiếng hót lảnh lót của đàn én vào xuân hòa tấu nên khúc hợp ca rộn ràng của núi rừng, nghe thật vui tai.
Rảo bước theo chân anh Trương Mạnh Hùng – Chủ homestay Hùng Oanh, chúng tôi tới một ngôi nhà nhỏ xinh với gam màu xanh nước biển bắt mắt, bên trên tường được trang trí những nét vẽ sơn thủy sinh động và nhiều giỏ hoa rực rỡ sắc màu. Ở dưới chân nhà là hệ thống thùng phi được sử dụng như phao nổi trong mùa lũ. Đi sâu vào bên trong căn homestay rộng khoảng hơn 30m2 là một phòng tắm khép kín, hai chiếc giường trải ga màu xám trang nhã cùng những vật dụng khác được lựa chọn một cách tối giản nhất nhưng vẫn hết sức thoải mái và tiện nghi.
Lần theo ký ức của anh Hùng, chúng tôi chăm chú lắng nghe câu chuyện “biến cái bất lợi thành sinh kế vững bền” của người dân Tân Hóa. Anh kể: Sau nhiều năm chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bà con đã nảy ra sáng kiến làm bè phao để chống chọi với lũ. Ban đầu là những ngôi nhà sàn khung gỗ chừng 16m2, bên dưới sàn là hệ thống thùng phi nâng cả ngôi nhà lên khi lũ về và 4 cọc định vị ở 4 góc nhà. Rồi từ ý tưởng này, đầu năm 2015, công ty Chua Me Đất (Oxalit) – doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã hỗ trợ xây dựng nhà nổi cho người dân ở đây với thiết kế hoàn toàn mới. Khung nhà làm bằng thép, tường và mái được làm bằng tôn với diện tích mỗi căn khoảng 30m2, đủ chứa vật dụng cho một gia đình sống và sinh hoạt trong những ngày mưa lũ.
Đến nay, đã có gần 700 căn nhà nổi được xây dựng, đảm bảo 100% các hộ dân có thể thích ứng an toàn sống chung với lũ. Song song đó, bên cạnh việc xây dựng Tú Làn Lodge, 10 căn homestay cải tạo từ nhà dân cũng được đưa vào hoạt động từ năm 2023. Nhờ mô hình lưu trú thích ứng với thời tiết lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam này, ngay cả vào mùa lũ, khách du lịch vẫn có thể yên tâm trải nghiệm cuộc sống độc lạ chưa từng có.
Năm 2014, tuyến du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn chính thức vận hành với 9 tour cùng nhiều trải nghiệm khác nhau. Các sản phẩm du lịch như lái xe địa hình khám phá rừng lim, đạp xe ngắm cánh đồng ngô, ăn tối ở nhà dân cùng các dịch vụ khác cũng dần được đa dạng hóa để thu hút du khách. Các tour du lịch hấp dẫn này đã giúp Tân Hóa đón gần 10 nghìn lượt khách năm 2023, năm 2022 hơn 9 nghìn và cả năm đỉnh dịch Covid-19 như 2019 cũng có tới hơn 3 nghìn lượt. Chính sự phát triển về du lịch cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Mức thu nhập bình quân của mỗi người dân vào mùa du lịch có thể lên tới từ 7 – 10 triệu đồng một tháng. Và từ đây, một Tân Hóa ảm đạm, đói nghèo đã được “lột xác” trở thành một miền đất tươi vui, luôn tấp nập tiếng nói cười. Hàng ngàn du khách tứ phương đến đây vui chơi, trải nghiệm và thưởng thức những bữa cơm đậm đà sắc màu của người bản địa.
Ngồi bên mâm cơm nóng hổi với món cơm bồi vàng rộm bắt mắt, hít hà mùi thơm từ những đĩa ốc đực xào, thịt heo nướng lá chanh, canh cá nấu lá giang đặc trưng của vùng sơn cước, được nghe bà con “khoe” sự đổi đời của quê mình, tôi như “bị” thôi miên trước sự đổi thay khó tin của vùng quê nghèo Tân Hóa. Ngoài kia, những cây nêu xuân đang được dựng lên trên các bãi cỏ rộng. Không khí Tết đã hiện hữu trong mỗi mái nhà. Giờ đây khi không còn nỗi lo về việc mưa lũ cướp trắng tất thảy những gì quý giá nhất, họ đang chờ đón một mùa xuân Giáp Thìn với rất nhiều, rất nhiều hy vọng tràn trề về một cuộc sống ngày càng sung túc, giàu đẹp hơn của “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Trần Phong