Vẻ đẹp kỳ vĩ của ruộng bậc thang Khun Há
Khun Há là xã miền núi thuộc huyện Tam Đường, Lai Châu, nổi tiếng với những cánh đồng ruộng bậc thang uốn lượn giữa thiên nhiên hoang sơ.
Khi mùa lúa chín, cả vùng đất này như khoác lên mình chiếc áo vàng rực rỡ tạo nên một cảnh tượng hùng vĩ, đầy mê hoặc. Đây không chỉ là biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là thành quả của sức lao động bền bỉ của người Mông.
Nằm ẩn mình giữa những dãy núi hùng vĩ của Lai Châu, Khun Há nổi lên như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp với những thửa ruộng bậc thang vàng óng trải dài bất tận.
Mỗi năm, khi lúa bắt đầu chuyển sắc từ xanh mướt sang vàng rực, Khun Há trở thành một bức tranh thiên nhiên sống động. Những thửa ruộng bậc thang xếp chồng lên nhau như những nấc thang trời, uốn lượn theo triền đồi tạo ra một khung cảnh mà bất cứ ai cũng không thể cưỡng lại được vẻ đẹp của nó. Sự kết hợp giữa thiên nhiên và bàn tay con người làm nên điều kỳ diệu đó.
Ruộng bậc thang Khun Há không đơn thuần là nơi sản xuất lương thực mà còn là biểu tượng của sự hòa quyện giữa con người và đất trời. Khi ngắm nhìn cảnh tượng này, người ta luôn cảm nhận được vẻ đẹp của đất trời còn thấy được tinh thần kiên cường của đồng bào Mông – những người đã dày công xây dựng nên những “tác phẩm” này giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Công sức của người Mông trong quá trình tạo dựng
Để có được những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ, người Mông tại Khun Há đã bỏ ra biết bao công sức.
Từ việc chọn đất, xếp đá, tạo thành từng bậc thang vững chắc cho đến việc dẫn nước từ các con suối, mọi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Công việc này vừa cần đến sức lực vừa yêu cầu sự khéo léo và kinh nghiệm được truyền lại từ bao đời nay.
Ruộng bậc thang là phương thức canh tác độc đáo, phù hợp với điều kiện địa hình dốc núi, đồng thời cũng là cách giúp giữ nước và đất, chống xói mòn hiệu quả. Với người Mông, ruộng bậc thang là nguồn cung cấp lương thực, mang giá trị văn hóa, là nơi thể hiện tình yêu đất đai, thiên nhiên và ý chí sinh tồn mạnh mẽ.
Những mùa vàng Khun Há chính là thành quả của một năm lao động vất vả mà còn là niềm tự hào của người dân nơi đây. Mỗi vụ mùa, người Mông lại háo hức đón chờ thời khắc lúa chín để thu hoạch, đồng thời chiêm ngưỡng thành quả lao động của mình – những bậc thang lúa vàng như được nhuộm màu của nắng và tình yêu quê hương.
Ruộng bậc thang không chỉ có giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Mông. Đây là nơi diễn ra các hoạt động canh tác chủ yếu, giúp họ tự cung tự cấp lương thực, gắn liền với các phong tục, lễ hội và nghi thức tín ngưỡng. Mỗi mùa thu hoạch, người dân lại tổ chức lễ hội cầu mùa, tạ ơn trời đất và tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu.
Ruộng bậc thang Khun Há là một trong những kỳ quan thiên nhiên độc đáo của Việt Nam. Nơi đây là một minh chứng sinh động cho sự sáng tạo và lao động cần cù của người dân tộc Mông. Việc bảo tồn và phát triển ruộng bậc thang, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nguồn: https://vtcnews.vn/sac-vang-ruong-bac-thang-khun-ha-ban-giao-huong-cua-thien-nhien-va-lao-dong-ar903531.html