Không gian kết bạn cộng đồng của người M’nông ở Bình Phước.
Với đồng bào dân tộc thiểu số trên đất Bình Phước, ngoài đón Tết Cổ truyền cùng với cả nước, mỗi dân tộc lại có những lễ hội truyền thống riêng, như: Lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông, Lễ hội Mừng lúa mới của người Xtiêng, Lễ hội Phá bàu của người Khmer… Thông qua các lễ hội ấy, người dân đoàn kết cùng nhau xây dựng thôn, làng ngày càng giàu mạnh.
Nơi hội tụ sắc màu các dân tộc
Bình Phước là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên tươi đẹp mà còn là một điểm đến độc đáo với sự đa dạng dân tộc.
Với sự hiện diện của nhiều dân tộc thiểu số, Bình Phước trở thành một tỉnh có văn hóa đa sắc màu, phản ánh sự giàu có và phong phú của văn hóa Việt Nam.
Tại Bình Phước, người ta có thể tìm thấy nhiều dân tộc đặc trưng như, Xtiêng, Chăm, Hrê, Bru-Vân Kiều và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc mang trong mình những nét văn hóa riêng, từ ngôn ngữ, phong tục, truyền thống đến nghệ thuật và thậm chí cả đặc sản ẩm thực.
Dệt thổ cẩm của người M’nông ở Bình Phước.
Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh Bình Phước có 45 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng, trong đó có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia, 28 di tích cấp tỉnh; 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là đờn ca tài từ Nam Bộ, có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 25 di sản phi vật thể cấp tỉnh.
Các bảo tàng trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, quản lý 15.360 hiện vật, đặc biệt có bảo vật quốc gia là bộ đàn đá Lộc Hòa (xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh).
Dân tộc Xtiêng được xem là một trong những dân tộc sống lâu đời nhất tại Bình Phước. Người Xtiêng sống chủ yếu ở vùng tiếp giáp với khu vực Tây Nguyên, mang trong mình những giá trị văn hóa đặc biệt, như: múa xòe, xướng cổ và những lễ hội đặc trưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và giao tiếp hằng ngày của người dân tại Bình Phước.
Các dân tộc anh em sinh sống tại tỉnh Bình Phước.
Dân tộc Chăm ở Bình Phước mang trong mình những nét văn hóa đặc trưng như ngôn ngữ Chăm, kiến trúc đền chùa Pô Klong Garai và nghệ thuật múa Apsara. Những lễ hội truyền thống như Ramuwan và Kate cũng là dịp để người dân Chăm tại Bình Phước tụ họp, cầu nguyện và thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên.
Do tác động của nhiều yếu tố khác nhau nên một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại Bình Phước đang dần mai một và đứng trước nguy cơ thế hệ trẻ sẽ lãng quên.
Nhằm gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là các lễ hội truyền thống của đồng bào sống lâu đời trên địa bàn tỉnh, Bình Phước đang nỗ lực phục dựng và lan truyền các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số có giá trị văn hóa đặc sắc.
Không gian lễ hội Tát Bàu của người người Khmer được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Ngoài các di tích lịch sử, Bình Phước có các lễ hội truyền thống như, lễ hội Cầu bông, lễ Cầu mưa; lễ hội Mừng lúa mới… của người Xtiêng, M’nông. Bên cạnh đó, các nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian cũng khá đặc sắc, như chế biến rượu cần; đan lát, dệt thổ cẩm”, ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang đứng trước những khó khăn, trong đó nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa còn rất thấp.
Ngoài các di tích lịch sử, Bình Phước có các lễ hội truyền thống như, lễ hội Cầu bông, lễ Cầu mưa; lễ hội Mừng lúa mới… của người Xtiêng, M’nông. Bên cạnh đó, các nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian cũng khá đặc sắc, như chế biến rượu cần; đan lát, dệt thổ cẩm.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Nguyễn Khắc Vĩnh
Nhằm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, ngành văn hóa Bình Phước đang tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu được giá trị to lớn của các di sản văn hóa phi vật thể để mọi người cùng tham gia trao truyền, bảo tồn, lưu giữ và phát huy được giá trị của di sản.
Độc đáo lễ kết bạn của người M’nông
Thời gian quan, Bình Phước tích cực phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, như: Lễ hội kết bạn của người Xtiêng và người M’nông, Lễ hội Mừng lúa mới của người Xtiêng, Lễ hội Phá bàu của người Khmer… qua đó tạo được hiệu ứng tích cực trong việc chung tay giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân cư.
Mới đây nhất, tại thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng đã diễn ra Lễ hội kết bạn cộng đồng của người M’nông giữa thôn Sơn Hòa và thôn Sơn Tùng. Đây là một trong những hoạt động nhằm phục dựng các lễ hội truyền thống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông trên địa bàn tỉnh.
Người M’nông ở Bình Phước thực hiện nghi lễ kết bạn cộng đồng.
Để chuẩn bị cho phần lễ, già làng cùng trai tráng chuẩn bị các lễ vật cúng thần linh rất chu đáo. Tại khu vực bàn lễ, các lễ vật truyền thống như heo, gà, cơm lam, rượu cần được bày xung quanh cây nêu.
Phía chủ nhà và khách cử ra 2 người đại diện là già làng cùng tiến hành các nghi lễ cúng tế thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp để cầu mong cho cộng đồng thôn, sóc mạnh khỏe, hóa giải mọi mâu thuẫn, đoàn kết cùng nhau chống lại thiên tai, địch họa đe dọa sự tồn vong của cộng đồng.
Không gian Lễ hội kết bạn cộng đồng của người M’nông.
Già làng Điểu Men, thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, Bình Phước cho biết: “Trước đây lễ hội kết bạn được tổ chức luân phiên mỗi năm một lần vào dịp dân làng thu hoạch xong mùa màng.
Đây là dịp để người dân quay quần bên nhau để chia vui thành quả sau 1 năm lao động mệt nhọc. Chúng tôi mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ dân làng tổ chức thường xuyên lễ hội để bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào M’nông.
Đồng thời, có chính sách phát huy các giá trị văn hóa lễ hội trở thành điểm đến du lịch. Qua đó, tạo điều kiện cho đồng bào nơi đây phát huy được giá trị văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng”.
Già làng người M’nông mặc trang phục truyền thống tại Lễ hội kết bạn cộng đồng.
Bà An Đê ở thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm của người M’nông. Dịp này, bà đem nhiều sản phẩm thổ cẩm truyền thống đến không gian lễ hội để giới thiệu với du khách thập phương. Bà An Đê cùng các nghệ nhân tại xã Thọ Sơn cùng trình diễn dệt thổ cẩm và đan lát.
Bà An Đê cho phấn khởi nói: “Chúng tôi là thế hệ đi trước và đang gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc M’nông. Đây là dịp để đồng bào sống lâu đời tại xã Thọ Sơn giới thiệu đến nhân dân những giá trị văn hóa truyền thống đến bà con xa gần. Chúng tôi mong muốn lễ hội này được duy trì và phát triển trong thời gian tới và gắn với các hoạt động du lịch”.
Được biết lễ hội kết bạn cộng đồng người M’nông được tổ chức vào thời gian nông nhàn. Đây còn là dịp để cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên cùng một địa bàn thể hiện mối quan hệ gắn bó, tình đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong lao động, sản xuất.
Ông Vũ Đức Hoàng, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Bù Đăng, Bình Phước cho biết: “Lễ hội Kết bạn M’nông là hoạt động hết sức ý nghĩa, qua đó tạo điều kiện cho bà con giao lưu gần gũi nhau hơn, đoàn kết hơn để từ đó xây dựng nông thôn mới, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng đẹp hơn. Qua phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bù Đăng, chúng tôi cũng hướng đến tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng để du khách thập phương trải nghiệm”.
Người M’nông cùng nhau giã gạo trong ngày vui kết bạn cộng đồng.
Việc phục dựng các lễ hội truyền thống vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số vừa hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, các cấp, các ngành cần hỗ trợ tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số, nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Song song với đó, cần hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, vận động bà con giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững.
“Tuyên ngôn” về lòng yêu nước của người Xtiêng
Trong chiến tranh, đồng bào Xtiêng ở Sóc Bom Bo (nay là Thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) ngày đêm giã gạo nuôi quân; sẵn sàng ăn củ rừng, nấu ăn bằng nước lọc từ tro cỏ tranh để nhường gạo, muối cho bộ đội. Và không ít người con của dân tộc X’tiêng ở Sóc Bom Bo đã đứng vào hàng ngũ quân đội cầm súng đánh Mỹ, trong đó có ông Điểu Lên.
Một góc Sóc Bom Bo ngày nay.
Từ thành phố Đồng Xoài (trung tâm tỉnh lỵ Bình Phước) chạy theo Quốc lộ 14 hướng về Tây Nguyên khoảng 50km là đến Sóc Bom Bo. Tiếp chúng tôi, già làng Điểu Lên, một dũng sĩ diệt Mỹ năm xưa năm nay gần bước sang tuổi bát tuần nhưng thân hình vẫn rắn rỏi và mắt quắc thước với nụ cười hóm hỉnh.
Già Lên cho biết, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, người dân Xtiêng của Sóc Bom Bo đã đóng góp sức người, sức của rất lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ của nhân dân ta.
Thông thường thì người dân Bom Bo có lệ giã gạo hằng đêm để làm lương thực cho gia đình ngày hôm sau. Nhưng vào những năm địch gắt gao càn quét, cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta đang bước vào thời kỳ cam go, quyết liệt, bộ đội đang thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt, với tinh thần yêu nước, một lòng theo Đảng, theo cách mạng, đồng bào Xtiêng ở Sóc Bom Bo đã đưa ra khẩu hiệu “Toàn Sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”, không phân biệt già trẻ, gái trai đồng lòng, đồng sức tập trung giã gạo phục vụ bộ đội, phục vụ kháng chiến.
Già làng Điểu Lên giáo dục truyền thống dân tộc cho các thế hệ con cháu.
Già làng Điểu Lên, một chiến sĩ du kích và là một trong những anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ, nhớ lại: “Những năm đầu thập niên 1960, Mỹ-Ngụy liên tục càn phá, muốn đẩy dân vào ấp chiến lược để tiêu diệt cách mạng, muốn cắt đứt mối dây liên hệ của người dân với cách mạng. Thấy vậy cả Sóc Bom Bo kiên quyết không chịu vào ấp chiến lược”.
Cũng theo già Lên, đến khoảng năm 1963, khi quân địch vây bắt và khủng bố liên miên thì cả già trẻ, gái trai của vài chục hộ dân Sóc Bom Bo đã âm thầm băng rừng vượt suối vào căn cứ Nửa Lon để theo cách mạng.
Ở vùng đất mới, bà con bắt tay vào vừa xây dựng lán trại, rồi vừa lao động sản xuất vừa đánh giặc. Thanh niên thì vào bộ đội, đi du kích, làm giao liên, còn phụ nữ và trẻ em thì ngày đêm giã gạo nuôi quân.
Đất nước giải phóng, năm 1977, ông Điểu Lên làm Phó Bí thư Huyện đoàn Phước Long, sau mấy năm thì về làm Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhau. Ông đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất. 3 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ (dũng sĩ diệt Mỹ-Ngụy, dũng sĩ chống càn và dũng sĩ diệt ác, phá kìm).
Trang phục truyền thống của người Xtiêng.
Sóc Bom Bo hôm nay đã đổi thay nhiều và nhà già Điểu Lên cũng nằm ngay sát mép đường thảm nhựa rộng thênh thang. Hằng ngày, già Lên vẫn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, ủ rượu cần và truyền giữ những nét đẹp văn hóa của người Xtiêng.
Bằng chính cuộc đời và uy tín của mình, già làng Điểu Lên đã giúp người Bom Bo tin tưởng và hiểu hơn các chủ trương của Đảng, chung sức, đồng lòng xây dựng Sóc Bom Bo ngày càng giàu đẹp.
Thay đổi vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống
Những năm qua, ngoài những chính sách do Trung ương ban hành, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách… để ưu tiên đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là chương trình đặc thù giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và làm 1.000km đường giao thông nông thôn mỗi năm, góp phần xóa đói giảm nghèo trong vùng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các địa phương trong tỉnh.
Bình Phước ưu tiên các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng kết nối vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tuy nhiên, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, trình độ sản xuất lạc hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.
Xuất phát từ đặc điểm, yêu cầu, tình hình thực tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đây là một trong những giải pháp nhằm phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện tỉnh.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường, để thực hiện chương trình một cách hiệu quả, tỉnh Bình Phước đã quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, nhất là tập trung cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên nguồn lực giải quyết các vấn đề bức xúc; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước giúp đồng bào dân tộc thiểu số trồng lúa nước.
Bình Phước Phấn đấu đến năm 2025 tăng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên mức khá; tỷ lệ hộ nghèo trong mỗi năm giảm từ 1,5- 2%. 100% thôn, ấp có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố, trang bị đủ các hạng mục thiết bị học tập; trạm y tế cấp xã được trang bị các máy móc, đào tạo nâng cao chuyên môn đáp ứng nhu cầu khám, điều trị được bảo đảm; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào được xem truyền hình và nghe đài phát thanh…
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bình Phước đang triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân tộc thiểu số, nhất là hộ nghèo, cận nghèo.
Bên cạnh đó, Bình Phước tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng; đẩy mạnh đào tạo nghề cho nhân dân, nhất là phát triển các nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…
Những nét đẹp văn hóa của các dân tộc anh em trên đất Bình Phước đang được phát huy thông qua hình thức du lịch cộng đồng.
Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt của các cấp, các ngành và ý chí tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 30, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Bình Phước sẽ có một diện mạo mới khang trang, giàu đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc nơi đây ngày được nâng cao.