Làm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS
Sa Thầy là huyện biên giới, toàn huyện có 11 xã, thị trấn. Dân số 56.125 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 57%. Toàn huyện có gần 500ha đất vườn; trong đó, số hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS có diện tích vườn rộng nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, hiệu quả thấp. Vì vậy, việc ban hành và triển khai Đề án được kỳ vọng sẽ giúp đồng bào DTTS có thêm thu nhập từ việc cải tạo vườn tạp.
Bà Y Sâm – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Thầy cho biết: Mục tiêu cụ thể Đề án là đến năm 2025 sẽ cải tạo cơ bản khoảng 300 ha vườn tạp; hình thành các vườn cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, giúp thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, nhất là người đồng bào DTTS trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo động lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí vươn lên thoát nghèo.
Để Đề án thực sự phát huy hiệu quả, Huyện ủy Sa Thầy đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Đảng ủy các xã, thị trấn nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong triển khai thực hiện. Tập trung ưu tiên, lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia; đặc biệt, nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ giống cây trồng cho đồng bào DTTS thực hiện cải tạo vườn tạp.
Ông A Nghĩu (dân tộc Xơ Đăng – nhánh Hà Lăng), làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy chia sẻ: Diện tích vườn nhà gần 5 sào, trước đây chỉ trồng cây bời lời vài năm mới thu hoạch một lần, giá thấp nên cũng chỉ được vài triệu. Vừa rồi xã tuyên truyền, vận động cải tạo vườn tạp thì gia đình đã phá bỏ diện tích cây bời lời, xã hỗ trợ 40 cây mắc ca, 40 cây sầu riêng để trồng. Gia đình bỏ thêm 3 triệu đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm, được cán bộ xã thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên trồng hơn 4 tháng nay thấy cây phát triển rất tốt.
Ông Mai Nhữ Nam – Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy cho biết: Xã Rờ Kơi có 1.614 hộ, trong đó 1.451 hộ đồng bào DTTS. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể thì đồng bào DTTS trên địa bàn xã đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có nghị lực vươn lên làm giàu. Nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hóa mà trực tiếp là từ Huyện ủy hỗ trợ nên từ năm 2023 đến nay xã đã trồng gần 300 ha cây ăn trái theo Đề án cải tạo vườn tạp.
“Hiện nay trên địa bàn xã việc cải tạo vườn tạp thực sự như là một phong trào thi đua, hộ này làm được thì hộ kia cũng muốn làm, hộ này trồng tốt thì hộ kia cũng muốn trồng tốt. Thực tế cho thấy nhận thức của người dân thay đổi rất nhiều, hiện còn rất nhiều hộ đăng ký nhận hỗ trợ cây giống để cải tạo vườn tạp” – Ông Mai Nhữ Nam chia sẻ thêm.
Lan tỏa phong trào cải tạo vườn tạp
Với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, công tác cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Sa Thầy được triển khai một cách đồng bộ, tạo thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, được Nhân dân và nhất là các hộ đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng.
Ồng A Ngun (dân tộc Xơ Đăng – nhánh Hà Lăng), làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy cho biết: Năm 2023, xã hỗ trợ 25 cây sầu riêng, 25 cây mắc ca và được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Thời gian rảnh thì tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm, giúp các hộ trong làng cùng nhau trồng, chăm sóc để cây phát triển tốt.
Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, đến nay, tổng diện tích cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Sa Thầy đạt khoảng 757 ha (gấp hơn 2,5 lần toàn bộ diện tích Đề án đề ra trong giai đoạn 2021-2025 là 300 ha), chủ yếu là cây sầu riêng và cây mắc ca. Với 2.541 hộ gia đình tham gia; trong đó, có 1.443 hộ là người đồng bào DTTS.
Với tổng nguồn kinh phí đã thực hiện lồng ghép từ các chương trình, huy động ước thực hiện hơn 14 tỷ đồng, gồm: Nguồn sự nghiệp khuyến nông 630 triệu đồng; nguồn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 4,1 tỷ đồng; nguồn Ban Thường vụ Huyện ủy vận động hơn 1,1 tỷ đồng; nguồn Nhân dân thực hiện mua cây giống hơn 8 tỷ đồng. Phần lớn các hộ được hỗ trợ cây giống số lượng từ 15 cây trở lên đã tự đầu tư lắp đặt hệ thống nước tưới tự động.
Ông A Lưới (dân tộc Gia Rai), làng Chứ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy chia sẻ: Ngoài nguồn hỗ trợ cây giống của xã thì gia đình đã đầu tư mua thêm giống cây sầu riêng về trồng xen trong vườn cà phê với diện tích hơn 5 sào sau vườn nhà. Vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Xã tuyên truyền, vận động thì mình thấy hợp lý, nếu không thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không cải tạo vườn tạp thì để hoang phí đất sản xuất. Việc làm này thì sẽ giúp gia đình có thêm thu nhập sau này.
Xác định công tác cải tạo vườn tạp là một trong nhưng nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp của huyện trong giai đoạn tiếp theo, mà chủ lực là phát triển cây sầu riêng, hướng tới là trở thành vùng chuyên canh cây sầu riêng tập trung lớn trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tương lai. Ban Thường vụ Huyện ủy Sa Thầy đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Bà Y Sâm – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Thầy cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong triển khai thực hiện công tác cải tạo vườn tạp; tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, đặc biệt là người DTTS; tiếp tục phát huy mô hình các Tổ, hội nhóm trồng sầu riêng để chia sẻ kinh nghiệm và tìm hiểu kỹ hơn về việc liên kết trong sản xuất. Tuyên truyền vận động nhân dân hình thành các tổ chức sản xuất, hoạt động hiệu quả như: Hợp tác xã, Tổ hợp tác… làm cơ sở để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn: https://baodantoc.vn/sa-thay-kon-tum-ho-tro-dong-bao-dtts-cai-tao-vuon-tap-1728176091663.htm