BBK – Số người lao động làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần tại Bắc Kạn đang gia tăng bởi nhiều lý do. Việc người dân rút khỏi mạng lưới an sinh xã hội đang là thực trạng đáng quan tâm hiện nay.
Cán bộ cơ quan BHXH tuyên truyền tới từng hộ dân về chính sách bảo hiểm. |
Giữa năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến chị L.H.T, trú tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn mất việc làm do công ty ở thành phố Hồ Chí Minh rơi vào suy thoái, phải cắt giảm nhân công. Trở về Bắc Kạn, chị tiếp tục đóng BHXH và nuôi hy vọng tìm việc làm hoặc chờ công ty cũ gọi nhưng không được. Số tiền tích cóp bấy lâu chỉ đủ tằn tiện chi tiêu hơn một năm. Trong khi chi phí cuộc sống, lo cho bố mẹ già và các con ăn học khá tốn kém. Không còn cách nào khác, chị T. quyết định dừng đóng BHXH để làm thủ tục nhận trợ cấp một lần sau gần 20 năm đóng BHXH. Số tiền được nhận, chị đầu tư buôn bán kinh doanh, chạy chợ…
Trường hợp của ông Đ.D.H trú tại huyện Ba Bể lại rút trợ cấp một lần vì lý do khác. Đã đóng BHXH được 18 năm, nay phát hiện mình bị bệnh gan và thận cuối năm 2021. Chi phí chữa bệnh cao, sức khỏe lại ngày càng giảm sút, ông H. quyết định làm thủ tục để rút chế độ BHXH một lần. “Chắc gì sức khỏe của tôi đã cầm cự được đến lúc nhận sổ hưu. Nên thôi cứ rút một lần, gửi ngân hàng lấy chút lãi, về nhà chăn nuôi thêm thắt vào để dưỡng bệnh”- ông H cho hay.
Lý do của hai trường hợp trên khá phổ biến đối với những người quyết định rút BHXH một lần. Từ năm 2021 trở lại đây, làn sóng người lao động từ các tỉnh, thành phố trở về Bắc Kạn do ảnh hưởng của Covid-19 rất đông.
Theo thống kê của cơ quan BHXH tỉnh, năm 2021, số người thanh toán BHXH một lần là 2.421. Năm 2022 ngành đã giải quyết chế độ trợ cấp BHXH một lần cho 3.106 lượt người. Trong 6 tháng đầu năm 2023, con số này là 2.418 lượt, tăng 564 lượt so với cùng kỳ năm 2022. Số người mới tham gia đóng BHXH không đủ bù đắp cho số ngưng đóng và xin rút hưởng chế độ trợ cấp một lần. Điều này đang đặt ra nhiều hệ lụy và thách thức cho an sinh xã hội.
Theo bà Nông Thị Thùy, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần, vì các lý do sau: Trước tiên, số tiền khi nhận bảo hiểm xã hội một lần được ít hơn so với số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội. Mức đóng hằng tháng càng cao, thì khi rút thiệt thòi chênh lệch càng lớn. Hai là, thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không được tính vào thời gian làm cơ sở để tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội khác. Thứ ba, nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ không còn trong hệ thống bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ. Người rút BHXH một lần sẽ bị mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động, hoặc nếu đủ điều kiện hưởng thì mức hưởng lương hưu thấp, do bị trừ thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã nhận một lần.
Đặc biệt, đối với những người có vấn đề về sức khỏe, rút BHXH một lần sẽ mất cơ hội được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khoẻ. Cùng với đó, thân nhân không được hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất nếu người nhận bảo hiểm xã hội một lần không may qua đời.
Người lao động được hưởng chế độ hưu trí sẽ có nhiều quyền lợi hơn so với lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần. Hưởng bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội và tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân.
Mới đây, khi có dịp gặp lại, chị L.H.T không giấu được lo lắng: “Mọi việc không thuận lợi như dự tính ban đầu của tôi. Liên tiếp mấy chuyến hàng gặp thời tiết bất lợi bị hư hỏng khiến vốn hao hụt. Cứ đà này, khi tiêu hết khoản tiền rút BHXH một lần, không biết cuộc sống của gia đình tôi sẽ ra sao? Nếu biết trước sẽ như hôm nay, thà tôi kiên trì xin việc làm và duy trì đóng BHXH thì về già an tâm hơn nhiều”…
Còn trường hợp ông Đ.D.H, sau một thời gian chữa trị tích cực ở bệnh viện tuyến trung ương, nay bệnh đã khỏi. Sức khỏe khôi phục ông H. đi làm và tham gia BHXH trở lại, nhưng thời gian đóng BHXH trước kia không được tính nữa do đã nhận một lần… “Tiếc mà không thể làm gì được…”, ông H chia sẻ.
Từ những câu chuyện trên, người lao động cần cân nhắc kỹ “được” và “mất” khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, tránh được lợi trước mắt mà thiệt thòi lâu dài. Ngành BHXH khuyến cáo: Nếu tạm thời đang gặp khó khăn, hãy bảo lưu thời gian tham gia, khi quay lại thị trường lao động có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện để có cơ hội hưởng chế độ hưu trí./.