Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Văn Chương – Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Đồ uống Việt Nam cho biết, trong thời gian qua Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo về việc một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có nhiều ca tử vong.
Tính chung từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước xảy ra gần 70 vụ ngộ độc thực phẩm, gồm cả ngộ độc rượu, khiến 870 người mắc, trong đó có 14 người tử vong. Những con số này một lần nữa cảnh báo về mối nguy hại của rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao đối với sức khỏe và tính mạng con người.
Nhà báo Nguyễn Văn Chương chia sẻ: “Theo thống kê của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), một năm Việt Nam tiêu thụ trung bình trên 300 triệu lít rượu, trong số này chỉ có khoảng 15 – 20% là rượu của các cơ sở nhà máy sản xuất đảm bảo yêu cầu quy mô công nghiệp, thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với nhà nước về thuế. Những con số này cho thấy, không chỉ ngân sách Nhà nước bị thất thu, gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng mà ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chân chính. Đây cũng chính là lý do hôm nay, Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức Hội thảo: Rượu không rõ nguồn gốc: Thực trạng và giải pháp”.
Nhà báo Nguyễn Văn Chương khẳng định: Tạp chí Đồ uống Việt Nam cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, đại diện cho tiếng nói của ngành Đồ uống khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp rượu trong lĩnh vực truyền thông nhằm giải bài toán khó về vấn nạn rượu bia tiêu thụ ở Việt Nam vẫn chưa được quản lý, tình trạng rượu giả không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan ngoài thị trường, cũng như bàn giải pháp để các doanh nghiệp vượt qua thách thức, tiếp tục khẳng định sức mạnh thương hiệu.
Chia sẻ về lịch sử cũng như sự phát triển của ngành sản xuất rượu ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay cho biết: Đi cùng với dòng lịch sử phát triển văn hóa, ở nhiều quốc gia thức uống này được mệnh danh “quốc tửu”, nếu tận dụng có thể xây dựng được thương hiệu cho quốc gia.
Ở Việt Nam đã có nhiều địa phương, nhiều tỉnh thành xây dựng thương hiệu rượu của riêng mình. Họ đã biết cách xử lý để chất lượng rượu được an toàn… tuy nhiên để phát triển được lâu dài cần có hiểu biết, sản xuất các loại rượu ngon, an toàn cho người sử dụng. Nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước cần truyền tải được đến người tiêu dùng về rượu an toàn, sử dụng đúng cách. Ngoài ra học hỏi các quốc gia khác, những nước có các dòng rượu chất lượng, có thưởng hiệu nổi tiếng thế giới.
“Bên cạnh đó, việc duy trì những giá trị về lịch sử truyền thống sản xuất rượu được lưu trữ. Ở đất nước ta cũng cần xây dựng không gian để bảo tồn, phát huy những gì cha ông đã để lại, chất lượng sản phẩm cần được gìn giữ, từng bước xây dựng niềm tin cho công chúng” nhà sử học Dương Trung Quốc thông tin thêm
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lương Xuân Dũng – Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho rằng: Cần có các giải pháp truyền thông mạnh mẽ để người dân biết được tác hại về sức khỏe khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, các loại rượu chưa được nhà nước quản lý. Ngoài ra cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thậm chí là cả hệ thống chính trị cần vào cuộc. Cần chế tài mạnh hơn để xử phạt đối với những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.
Đánh giá về thị trường rượu, bia hiện nay, Kiểm soát viên Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) bà Nguyễn Thị Phi Nga nhận định, hiện tình hình sản xuất, buôn bán rượu, bia nhập lậu, giả, kém chất lượng vẫn tồn tại, diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn càng tinh vi, khó phát hiện. Tình trạng rượu, bia nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ vẫn diễn ra trên thị trường, các mặt hàng này nhập lậu trên thị trường được đưa vào Việt Nam qua tuyến biên giới Tây Nam, miền Trung.
Ngoài ra vào dịp cuối năm, Tết Nguyên đán, dịp hè khi nhu cầu tiêu thụ các loại rượu, bia tăng mạnh thì số lượng rượu, bia nhập lậu, giả, kém chất lượng đưa ra thị trường càng nhiều. Các mặt hàng này được tiêu thụ chủ yếu tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường hoặc các vùng nông thôn.
Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống, trong đó có sản xuất và kinh doanh rượu. Làm sao tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu. Rượu không rõ nguồn gốc thường có hại cho sức khỏe. Vấn đề quản lý rượu nhập lậu cũng được nhiều đại biểu chia sẻ. Ngoài ra các đại biểu cũng đưa ra góp ý việc thực hiện các quy định về quảng cáo rượu trong Luật Quảng cáo.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự, nhà báo Nguyễn Văn Chương cho biết, buổi tọa đàm hôm nay đã có những bài phân tích của các chuyên gia, bác sĩ, các nhà khoa học, nhà quản lý về tình trạng rượu không rõ nguồn gốc hiện nay. Các đại biểu đã đánh giá những hệ lụy của nó tới sức khỏe người tiêu dùng, việc không kiểm soát được rượu không rõ nguồn gốc ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Các ý kiến của các đại biểu tại tọa đàm sẽ giúp cho các cơ quan truyền thông có thêm những thông tin, luận cứ để truyền thông tới người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn.