Nhiều ca biến chứng làm đẹp
Vừa nhận được tiền thưởng Tết cùng lúc viện thẩm mỹ gần nhà tung gói khuyến mãi “làm đẹp đón Tết giảm 50%”, cô gái trẻ N.T.V (25 tuổi, Hà Nội) quyết định tiêm filler làm đầy hõm thái dương để khuôn mặt thêm đầy đặn. Tuy nhiên sau tiêm, V bị sưng nề một bên vùng mặt. Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương chẩn đoán V bị viêm mô bào.
Một ca biến chứng sau khi thực hiện tiêm meso làm đẹp da.
BS Nguyễn Quang Minh, Phó trưởng Khoa Tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương cho biết: “Đây là một ca điển hình gặp biến chứng tiêm filler làm đầy thái dương. Chúng tôi phải tiêm thuốc tan giải filler, sử dụng chống viêm mạnh, kháng sinh mức độ mạnh, tuy nhiên, rất khó có thể phục hồi được hoàn toàn”.
Lý giải thêm về nguyên nhân gây biến chứng, BS Minh cho hay, bệnh nhân có thể gặp tình trạng tiêm quá nhiều vào một vị trí, gây tăng chèn ép hệ bạch huyết và tĩnh mạch gây sưng nề.
Hay như trường hợp chị H.T.N (Hà Nội) tìm đến bệnh viện với khuôn mặt nổi sần đỏ chi chít. Đó là kết quả sau hai tuần chị N tiêm meso làm đẹp da tại một spa. Sau thăm khám, chị N được kết luận bị tạo u hạt sau khi tiêm meso. Bác sĩ chỉ định điều trị thuốc uống, tiêm kháng viêm, tiêm tổ chức u hạt làm tan nốt sần nhưng chưa chắc chắn có hoàn lại được làn da ban đầu hay không.
Theo BS Minh, có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng tương tự đều phải điều trị 3-6 tháng mới có thể tạm ổn.
Chiêu trò quảng cáo làm đẹp “cấp tốc”
BS Nguyễn Quang Minh cho biết, biến chứng thẩm mỹ nội khoa hầu hết xảy ra ở những cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép hành nghề, người triển khai kỹ thuật chưa được cấp giấy phép hành nghề liên quan đến thẩm mỹ y khoa.
Những biến chứng hay gặp chủ yếu liên quan đến thủ thuật tiêm chất làm đầy, tiêm botulinum toxin, meso và kỹ thuật liên quan sử dụng máy, công nghệ làm thay đổi cấu trúc da bề mặt như laser, peel da.
Cũng theo BS Minh, khách hàng cũng cần lưu ý đến những chiêu khuyến mãi, quảng cáo trên trời, không lựa chọn đơn vị làm đẹp mà giá quá rẻ. Cần lựa chọn phương pháp an toàn, hiệu quả, chọn đúng cơ sở được cấp phép, có kinh nghiệm.
Theo BS Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, khi livestream quảng cáo, cơ sở thẩm mỹ đã đưa ra những hình ảnh rất sống động. Người phát ngôn ra các quảng cáo đó không làm nghề y, không nắm được các chuyên môn y khoa.
Chiêu trò quảng cáo chỉ đánh vào các tiêu chí mà số đông khách hàng nghĩ là “ngon, bổ, rẻ”. Việc quảng cáo “hết hoàn toàn nám sau một lần sử dụng” hay “tiêm meso giá rẻ chỉ vài trăm nghìn đồng” đều không đúng thực tế. Các sản phẩm tốt không thể có giá rẻ như vậy.
“Chỉ trong vòng tháng 12/2023 và nửa đầu tháng 1/2024, tôi đã tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ chui, spa, quán cắt tóc. Hiện nay, đa phần các spa, thẩm mỹ viện, quán cắt tóc thường cử người đi học các khóa ngắn hạn chừng 3-4 tháng theo kiểu dạy nghề, sau đó về trực tiếp làm các thủ thuật như tiêm meso, tiêm filler cho khách.
Điều đáng nói, những nơi nhận đào tạo cũng không quan tâm trình độ đầu vào và kiểm tra kết quả đào tạo của học viên. Trong khi các thủ thuật xâm lấn này chỉ được phép thực hiện tại cơ sở y tế được sở y tế, Bộ Y tế cấp phép hoạt động, được phê duyệt danh mục kỹ thuật trong phạm vi hoạt động chuyên môn”, BS Thành cho biết.
Theo BS Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, trong các phương pháp xâm lấn làm đẹp da, có những kỹ thuật đòi hỏi khách hàng phải thực hiện thành liệu trình nhiều lần mới an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người nôn nóng sử dụng dịch vụ một lần nên đối mặt với nhiều tác dụng phụ.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ruoc-va-vi-ham-lam-dep-cap-toc-don-tet-192240123101924033.htm