Hà NộiChị Lan, 40 tuổi, chi hơn chục triệu mua về bốn hộp A, C, D, E để con uống, sau vài tuần trẻ phải nhập viện vì rối loạn tiêu hóa, sụt cân.
Hùng, con trai chị, 13 tuổi, chỉ 1,4 m, nặng 35 kg, luôn “thấp bé, nhẹ cân” hơn so với bạn bè cùng lứa. Lên mạng tìm hiểu, chị Lan cho rằng con bị thiếu vitamin, quyết định mua để bổ sung sớm và nhanh nhất cho con.
Chị đặt mua 4 hộp vitamin A, C, D, E để bổ sung canxi tăng chiều cao, sáng mắt, đẹp da…, được quảng cáo là “hàng xách tay”, tổng cộng gần 10 triệu đồng. Nghĩ vitamin là thuốc bổ, chị cho con uống mỗi ngày, riêng tháng đầu uống hơn cả liều quy định để hiệu quả nhanh.
Gần đây, trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, táo bón, thường xuyên đau bụng. Cân nặng của trẻ không tăng, thậm chí giảm 2 kg khiến chị sốt ruột. Đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc vitamin, canxi trong máu tăng nhẹ, may mắn chưa gây hại đến gan, thận.
Trường hợp khác, hai bé trai 3 tuổi và 18 tháng nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng do ngộ độc vitamin D, suy thận cấp do uống quá liều trong thời gian dài. Trước đó, gia đình muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên đều đặn cho hai bé uống vitamin D mỗi ngày từ sau sinh. Người bà thấy hai cháu thích uống và nghĩ vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao nên cho uống tùy thích, nhiều hơn liều quy định và nhiều lần trong thời gian dài.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương xác định hai anh em đều bị tăng canxi máu, tăng canxi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, chẩn đoán ngộ độc vitamin D, suy thận cấp.
Hiện, viên tổng hợp vitamin được bày bán tự do, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bổ sung cho cơ thể khi cần thiết. Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm như “Hội chia sẻ kinh nghiệm bổ sung vi chất cho bé (Sắt, Canxi, DHA, Vitamin) hay “Khỏe cùng vitamin”…, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.
Ngoài ra, mọi người có thể mua sản phẩm ở hiệu thuốc, siêu thị, mua qua người quen hoặc đặt hàng xách tay. Mỗi loại có mức giá, nguồn gốc khác nhau khiến người mua như “lạc vào ma trận”.
GS.TS Nguyễn Công Khẩn, nguyên Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia, cho biết vitamin trong thức ăn hay trong viên tổng hợp đều rất tốt. Tuy nhiên, không phải cái gì tốt cũng cần phải bổ sung nhiều, thậm chí lạm dụng dẫn đến “rước họa vào thân”.
Vitamin gồm có hai nhóm, nhóm tan trong dầu, gồm vitamin A, D, E, K và nhóm tan trong nước gồm B, C. Trong đó, nhóm vitamin tan trong dầu không thể đào thải qua thận mà lượng thừa đều được dự trữ trong mô mỡ của gan, nếu dùng quá liều sẽ tích tụ trong cơ thể và gây hại đến sức khỏe. Ngoài ra, vitamin vẫn là thuốc, cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và chỉ uống khi thực sự cần thiết.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thói quen lạm dụng vitamin, giáo sư cho rằng nhiều người bán hàng chạy theo lợi nhuận, thổi phồng công dụng sản phẩm để lôi kéo người tiêu dùng. Đặc biệt suy nghĩ “vitamin là thuốc bổ”, uống càng nhiều càng tốt ăn sâu vào tư tưởng, khiến nhiều người dễ bị dụ dỗ hơn.
Nhóm dễ bị sập bẫy là người đang gặp vấn đề sức khỏe, mới ốm dậy hay đang trong quá trình hồi phục, kém hấp thu chất dinh dưỡng. Cuộc sống bận rộn, nhiều bà mẹ không có thời gian nên thường tự ý bổ sung vitamin cho con để bù đắp những thiếu hụt dinh dưỡng.
Theo giáo sư, tất cả viên uống vitamin trên thị trường chỉ có tác dụng hỗ trợ về một mặt nào đó dựa theo thành phần dinh dưỡng có trong sản phẩm, không thể thay thế thuốc chữa bệnh, dùng quá liều sẽ gây ngộ độc.
Ví dụ, sử dụng quá nhiều vitamin A dẫn đến làm ngộ độc gan, xơ gan, tổn thương tần kinh; thừa vitamin C gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mất ngủ, ảnh hưởng tới dạ dày… Dùng quá liều vitamin E có thể gây chảy máu nhiều, viêm ruột, khiến cơ thể mệt mỏi, có thể dẫn đến nguy cơ bị ung thư; thừa vitamin B6 làm rối loạn thần kinh cảm giác; thừa vitamin D dẫn đến tăng canxi máu, tổn thương thận và phổi…
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyến cáo mọi người không được dùng thực phẩm bừa bãi kể cả thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc. Nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, bị thừa cân hoặc béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp, có bệnh lý tim mạch, bệnh lý tự miễn, người phải điều trị hóa chất hay xạ trị… nên tuân thủ đơn của bác sĩ, không tùy tiện bổ sung vitamin khiến bệnh chồng bệnh.
Để đảm bảo an toàn, mọi người cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trước khi sử dụng. Không tự ý mua thuốc, vitamin để uống theo thói quen. Sản phẩm nên được bảo quản cẩn thận trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng. Để sản phẩm ngoài tầm nhìn và tầm tay với của trẻ, tốt nhất là để trong tủ có khóa an toàn.
Các chuyên gia khuyến nghị để cơ thể khỏe mạnh, bạn cần duy trì một chế độ ăn uống khoa học, lối sống và làm việc phù hợp, lành mạnh. Uống đủ nước, không ăn mặn, hạn chế đồ ăn nhanh và lạm dụng thức uống có cồn, nói không với thuốc lá. Tập thể dục thể thao hàng ngày tùy theo tình trạng sức khỏe từng cá nhân. Chủ động đi khám kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát bệnh thận ít nhất một lần/năm.
*Tên nhân vật được thay đổi
Quỳnh Chi – Thùy An