Rạch Tây Ninh phía tả ngạn Gò Chẹt.
Thực ra, rừng ấy chẳng xa xôi gì! Đấy chỉ là những xóm nhỏ ven rạch Tây Ninh, thuộc về phường 1, thành phố Tây Ninh. Nếu ở bên tả ngạn sông, ta chỉ cần theo đường Trần Hưng Đạo lên tới hẻm số 17, còn gọi là đường vào lò gạch Công an. Ra tới gần rạch đã thấy toàn sắc xanh ngời của những rặng tràm và bụi cây còn hoang dại.
Thú vị nhất là có lần, xe tôi đồng hành cùng bầy dê của ai đó cả trăm con. Dê trắng, dê đen chạy lúp xúp bứt lá trên đường. Điều khiển chúng là anh chủ chạy bằng xe máy, tay cầm roi đầu chít khăn rằn, người lực lưỡng và tướng tá hơi “bặm trợn”.
Thì ra lại là một người quen. Anh Ba Kiệt, trước làm ở Phòng Quản lý hạ tầng đô thị hồi thị xã Tây Ninh chưa lên thành phố. Hỏi thăm, anh cho biết, chuyển sang nghề này “được lắm!”, có đàn dê cả trăm con, lại có cả quán “hủ tiếu dê” mở trên đường phố Trần Hưng Đạo.
Anh hồ hởi: – Có được chúng cũng nhờ những cánh đồng hoang hoá này đây! Đành rằng, đất đã có chủ cả, nhưng dưới rừng tràm còn biết bao gò đống, sau nữa là cỏ mọc non tươi. Rồi đất ven sông, cây trái trồng phập phù chỉ mấy tháng trong năm cho đến cuối năm thì ngập trắng. Vậy thì chỉ tốt cho bầy dê có cái ăn suốt cả bốn mùa.
Hàn huyên và tạm biệt, bởi mục tiêu của tôi là khoảng rừng phía trước, trên sông. Nơi ấy xưa có tên là cù lao Gò Chẹt. Trong sách Tây Ninh xưa, tác giả Huỳnh Minh có kể đến “Nhóm văn thi sĩ tiêu biểu”, trong đó: “Quốc Biểu Nguyễn Văn Hiến thành lập văn đàn Quốc biểu trong năm 1923, gồm các ông Thanh Vân, Nguyễn Toại Chí, Thanh Phong, Nguyễn Văn Trí, Lâm Tuyền, Võ Trung Nghĩa, Tân Sắc, Võ Văn Tấn, Sầm Sơn, Sầm Văn Đá, Hải Đảo- Nguyễn Văn Vàng, Du Tử, Mai Huệ, Cổ lệ Lê Văn Thành, Nhà Quê, Dương Văn Kim, Nhất Thiện, Huỳnh Long, Huỳnh Văn Cầu, tất cả chừng 15 người. Nhóm Quốc Biểu thường họp nhau mỗi chúa nhật tại một văn đàn cất nơi cù lao Gò Chẹt trên ngọn rạch Tây Ninh cách toà hành chánh 2 cây số đường sông”.
Chú ý rằng, nhóm thi văn Quốc Biểu kể trên có sự tham gia của một nhà sư tu hành tại núi Bà, là ông Nhất Thiện. Qua một tài liệu khác là bản “Tiểu sử Đức Quan lớn Trà Vong Tây Ninh” lưu trữ tại một ngôi miếu thờ ngài. Thì: “Tài liệu trên đây của ông Phan- Thành- Lợi là cháu ông Phan- Văn- Trị (thường gọi là ông Cử Trị) cùng ông Quốc Biểu thuật lại ở am ông Nhất Thiện trên đỉnh núi Bà Đen trong đêm trung thu năm 1927”.
Tài liệu này, cho đến nay vẫn được đa số các đền miếu thờ Quan lớn Trà Vong sử dụng. Tín ngưỡng riêng có ở vùng phía Bắc tỉnh Tây Ninh này, với các lễ hội rằm tháng 2, tháng 3 âm lịch đã trở thành di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Hai trích dẫn trên cùng cho thấy văn đàn Quốc Biểu ít nhất cũng đã hoạt động trong suốt thập niên 20 của thế kỷ 20. Và, địa điểm sinh hoạt của các ông, về văn chương cũng như các vấn đề lịch sử văn hoá truyền thống, không chỉ ở Gò Chẹt, mà còn là trên am Nhất Thiện, gần đỉnh núi Bà. Chúng tôi sẽ còn trở lại với văn đàn Quốc Biểu. Nhưng trước hết, hãy tiếp tục khảo sát một vùng rừng ngay trong lòng thành phố Tây Ninh.
Gần một năm trước đến khu lò gạch Công an trên phường 1 thì bắt đầu mùa nước lớn. Gò Chẹt đã trở thành một cù lao, chỉ có thể đến bằng thuyền. Qua bãi chăn dê của anh Ba Kiệt, theo một con đường đất bám theo bờ rạch khoảng vài trăm mét sẽ tới một bến thuyền đi sang Gò Chẹt.
Chung quanh bến vẫn vắng vẻ, hoang vu không có nhà dân. Chỉ có trên đường đã có vài hộ bám vào mé sông dựng nhà de ra mặt nước. Vậy mà, ai đã xây nên 2 trụ bến thuyền? Chẳng lẽ lại là các cụ văn nhân xưa đã xây để làm cái mốc cho bạn bè biết mà tìm đến? Từ bến nhìn sang, chỉ thấy gò tràn ngập màu xanh bóng cả cây cao và bụi bờ tre trúc.
Thấp thoáng mái một ngôi nhà của người coi đất. Năm ấy, nhờ sự giúp đỡ của người này chở một chiếc xuồng nhỏ cho sang. Vừa chèo, anh vừa kể bên gò mùa mưa còn có nhiều con vắt.
Nay đã sang mùa khô nên chúng hết rồi… Sang đến nơi lập tức ùa đến một không khí của rừng xưa dìu dịu mát. Từ dưới gốc vài cây cổ thụ đứng bên bờ rạch nhìn vào thấy có cả một trảng trống bên trong. Cũng cỏ (hoặc lúa) xanh mướt. Cũng lô nhô lùm bụi cây cao thấp. Đằng xa hiện ra một thảm cỏ (hoặc lúa) rực vàng. Bên bờ cả hai bên sông um tùm cây dứa dại. Bờ bên gò có thêm nhiều cây khoai nước. Chim hót ríu ran.
Ngước lên thấy bóng những chú chim đen nhánh với cái đuôi dài lướt thướt. Ngang với tầm nhìn, thường thấy một sắc nâu vàng của con bìm bịp bay ngang. Và cả những chú chim hút mật (chim xanh), với cái bụng vàng ươm như cái kén tằm, cái mỏ cong nhọn hoắt, vắt vẻo đuôi trên những cành cây.
Năm nay, vào một ngày cuối tháng 5.2023, nhân xem dự báo thời tiết thấy mực nước sông đang thấp thì đoán là có thể sang gò từ hữu ngạn sông, bên khu phố 2, phường 1. Quả nhiên, nhờ có con đường mới mở từ xóm Chăm tới đường Huỳnh Công Thắng mà có thể lội sang gò. Bờ bên này là những vườn cao su. Giữa gò và vườn là những dải ruộng trũng ngập tràn một sắc xanh non của lúa thì con gái.
Chỉ có một thanh niên người Chăm đang lội kiếm cá, cua. Anh bảo, cứ lội xuống đi đừng ngại, toàn cỏ ma chứ không phải lúa. Vậy là cứ thế ào qua, chỗ thấp chỗ cao, nước sâu không qua bắp chân. Tiện thể anh bạn dẫn đường vào tận nhà của người coi đất là bác Năm.
Bác tên Võ Tuấn Anh, nhưng gọi là Năm thì mọi người mới biết. Bác Năm sống gần như một mình trên cù lao Gò Chẹt đã hơn 40 năm (từ 1981). Gọi “gần như” bởi chỉ có một “hàng xóm”, cũng là người coi đất cho phần đất kế bên của “ông giáo Văn”.
Kề bên nhưng cũng không thể đi sang, bởi rừng cây, bụi lùm ràng rịt. Muốn qua ông hàng xóm, bác phải chèo xuồng tôn để qua. Nhờ bác, mới biết được cù lao Gò Chẹt chỉ rộng 3 ha. Nguồn gốc đất gò từ đầu thế kỷ 20 là của ông Trần Văn Bộn. Sau ông bán cho “ông giáo Văn” một phần ba. Ông Năm, nay đã trên 70 tuổi, là cháu rể đời thứ ba của ông Bộn.
Thế là gần 1 thế kỷ, với 3 thế hệ giữ đất, giữ rừng mà đến nay vẫn còn tồn tại một khu rừng nhỏ mang tên Gò Chẹt. Tiếc rằng cái tên này cũng sắp bị mất đi. Vài người người tôi gặp trên đường đã gọi đấy là gò Giữa. Và quan trọng nhất là 2 ha còn lại của nhà họ Trần cũng vừa bán đi.
Có vài ba đặc điểm để tôi gọi đây là rừng trong phố. Một là trên gò có đủ ba bốn tầng cây như một khu rừng thiên nhiên. Từ cây cổ thụ tới các lùm bụi, trảng trống và sau cùng là hệ sinh thái đất ngập nước trên một phần gò.
Hai nữa là trên gò vẫn có loài vắt rừng sinh sống. Nó bò lên chân tôi tự lúc nào, khiến bàn chân loang máu đỏ. Con vắt đen bị bứt ra, no căng nằm ngo ngoe trên cỏ. Có ai mà ngờ được, rằng chỉ cách cầu Quan trung tâm thành phố Tây Ninh có 2 cây số, lại có vắt rừng không?
Trần Vũ