(Dân trí) – Vùng rừng ngập mặn ven biển Thái Thụy giống như bức tường thành ứng phó với biến đổi khí hậu, cân bằng sinh thái, ổn định sinh kế bền vững của nhân dân các vùng cửa sông, ven biển…
Vùng rừng ngập mặn tươi đẹp là nguồn sống của người dân biển Thái Thụy (Video: Hữu Nghị).
Tổng diện tích rừng ngập mặn của huyện Thái Thụy có 2.675ha, tập trung tại 5 xã ven biển: Thụy Trường; Thụy Hải; Thụy Xuân; Thái Đô; Thái Thượng, trong đó xã Thụy Trường có diện tích rừng nhiều nhất (909ha).
Vùng rừng này tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ đê biển, ngăn bão lũ, triều cường, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai vùng biển.
Giống cây được trồng chủ yếu là cây trang, bần, mắm, sú. Mật độ trồng 1.600-2.500 cây/ha.
Rừng được trồng ở vùng đất ngập nước ven biển, trải dài từ vị trí đê ra biển đến 4-5km. Thái Thụy là địa phương có diện tích rừng ngập mặn nhiều nhất tỉnh Thái Bình. Ảnh chụp vùng rừng ngập mặn tại xã Thụy Xuân.
Người dân nơi đây sống gắn bó với rừng và thụ hưởng từ tài nguyên rừng. Họ đánh bắt thủ công các loại thủy hải sản như ốc, cua, cáy… ở ven khu rừng, thu nhập cũng được 300.000-500.000 nghìn đồng/ngày.
Tại vùng đất ngập nước ở huyện Thái Thụy, tài nguyên biển rất phong phú. Người dân tại các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, Thụy Trường… thường đi bắt ốc móng tay theo con nước. Ảnh chụp một đoàn người đi qua vùng rừng ngập mặn để săn bắt ốc móng tay tại vùng biển xã Thụy Hải.
Thời gian đi bắt ốc móng tay phụ thuộc nước dâng theo tháng, theo ngày. Trong thời điểm tháng 10 âm lịch, họ sẽ bắt đầu ra biển lúc 16h và trở về lúc nửa đêm.
Những người đi bắt ốc móng tay chủ yếu là phụ nữ, vì đây được coi là việc nhẹ hơn so với đi đánh bắt hải sản bằng lưới của đàn ông.
Dụng cụ bắt ốc khá đơn giản, hoặc dùng một que sắt đầu uốn móc câu, hoặc dùng cào 3 chạc để cuốc. Trung bình một phụ nữ bắt được 5-7kg/buổi, giá bán tại bờ biển là 55.000 nghìn đồng/kg.
Rừng ngập mặn của huyện Thái Thụy vẫn tiếp tục được trồng mở rộng, môi trường sinh thái vì thế được cải thiện, rừng mọc đến đâu tôm, cua, cáy… chen chân về sinh sống tới đó.
Lá chắn rừng bảo vệ cho khu vực nuôi trồng hải sản ở xã Thụy Xuân.
Những cây vẹt có chiều cao khá thấp, chưa đủ để ngăn gió bão Hiện Thái Thụy đã trồng thêm cả cây bần có bộ rễ khỏe chắc, cao hơn chắn sóng gió tốt hơn.
Vùng đất ngập nước ven biển Thái Bình nằm ở vùng cửa sông Thái Bình, là tiền đề cho sự phát triển sinh sống của khu rừng ngập mặn huyện Thái Thụy.
Hình ảnh buổi hoàng hôn trên biển vô cực và những người dân đi bắt ốc móng tay.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/rung-ngap-man-tuoi-dep-o-bien-thai-thuy-thai-binh-20241121191837244.htm