Bán đảo Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên của Đà Nẵng, môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã. Dù bán đảo được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng tình trạng đặt bẫy thú rừng trái phép vẫn diễn ra.
Rùng mình với “hàm của quỷ”!
Theo nguồn tin phản ánh, phóng viên Dân trí ghi nhận tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), đoạn Suối Ôm, xuất hiện nhiều bẫy thú rừng rất nguy hiểm.
Từ chiếc bẫy đầu tiên ghi nhận tại vị trí cách đường lớn khoảng 100m, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm xung quanh, phát hiện nhiều dấu vết của việc thợ săn dùng cành cây tạo thành nơi đặt bẫy.
Mục đích của việc này là để chặn lối đi quen thuộc của con mồi, ép chúng di chuyển vào vị trí đặt bẫy. Bẫy được thợ săn vùi xuống một hố đất nhỏ và phủ lá cây lên trên, rất khó phát hiện.
Khi con mồi đạp trúng tấm nhôm sẽ kích hoạt bẫy, hai răng sắt lập tức gập lại và giữ chặt lấy chân con mồi. Các loại bẫy này sử dụng để săn các loại thú như chồn, heo rừng.
Loại bẫy kẹp này rộng khoảng 10cm, có hình răng cưa, được nhiều người ví von là “hàm của quỷ”. Một khi dính bẫy, con mồi rất khó để thoát ra, nếu thoát cũng sẽ bị thương tật.
Những chiếc bẫy được phóng viên ghi nhận, một số đã được đặt ở đây từ lâu. Một số bẫy có đoạn dây kẽm cố định vẫn còn mới.
Anh N.H (người thường đi chụp ảnh tại Sơn Trà) cho hay, vào ngày 1/4 vừa qua, nhóm nhiếp ảnh về hệ sinh thái tại bán đảo Sơn Trà nghe thấy tiếng kêu của động vật ngay ở bụi cỏ; khi tiếp cận thì thấy một cá thể chồn bạc đang bị bẫy thú kẹp vào chân. Nhóm đã gỡ bẫy, cứu cá thể chồn trên.
Tiếp tục tìm kiếm tại một số điểm nghi ngờ có bẫy, chúng tôi phát hiện thêm một bẫy dạng dây rút. Bẫy được thiết kế với thòng lọng và một đầu có lò xo kim loại.
“Tình trạng bẫy thú hiện có ở bán đảo, mong rằng lực lượng chức năng triển khai các phương án cụ thể để giải quyết vấn đề trên”, chị T.T., một người thường cứu giúp động vật hoang dã gặp nạn, kiến nghị.
Trong quá trình tìm kiếm bẫy thú, chúng tôi còn ghi nhận có một loại thuốc nam dạng dây leo có tên chạc chìu bị khai thác trái phép nhưng chưa được mang ra khỏi rừng, dấu vết chặt còn rất mới.
Phóng viên còn phát hiện xác một loài động vật có sừng đang phân hủy nặng và bốc mùi hôi thối, ngay dưới cống trên tuyến đường.
Sau khi thu thập được rất nhiều bẫy thú rừng, phóng viên đã phản ánh vụ việc đến ông Ngô Trường Chinh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn. Đơn vị này đã cử lực lượng đến hiện trường để kiểm tra thực tế và tiếp nhận bàn giao số bẫy trên để xử lý theo quy định.
Tổng cộng có 14 bẫy kẹp, 1 bẫy rút được bàn giao cho đại diện kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn.
Kiểm lâm nói gì?
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Trường Chinh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của phóng viên Dân trí, vào ngày 3/4, lực lượng đã kiểm tra và thu giữ thêm 3 bẫy kẹp.
Ông Chinh thừa nhận tình trạng bẫy thú trái phép vẫn xuất hiện tại Sơn Trà và có chiều hướng phức tạp thời gian qua.
Tuy nhiên, để bắt quả tang được đối tượng bẫy thú rừng rất khó, những người này thấy kiểm lâm thì vứt dụng cụ, bỏ trốn rất nhanh. Địa hình rừng núi hiểm trở nên khó truy đuổi.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng đã thực hiện gần 100 đợt tuần tra đường bộ lẫn truy quét trong rừng. Qua đó, thu giữ 459 bẫy thú các loại, phá 2 lán trại trái phép đồng thời nhắc nhở nhiều người dân, du khách có hành vi xâm nhập rừng trái phép. Lực lượng kiểm lâm cũng bắt giữ, tái thả 3 cá thể hoang dã về với tự nhiên.
“Hạt Kiểm lâm chưa đến 10 nhân sự, quản lý diện tích hơn 3.790ha nên công tác quản lý rất khó khăn. Để bảo vệ động vật hoang dã, lực lượng chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra”, ông Chinh nói và cho biết thêm, ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của người dân để bảo vệ Sơn Trà.